Làng Cảnh Phước nhỏ xíu nên ai cũng biết nhau,
dạo gần đây thường có người ở xa đến hỏi thăm nhà Thầy Sáu, ai cũng lắc đầu,
đến khi khách lạ dùng vài câu diễn tả đặc điểm thì ai cũng chỉ đến đúng nơi
đúng người, y chang mười lần như chục !
Kể cũng lạ, chú làm thầy hồi nào cả làng không ai biết mà
càng về sau, ở xa mấy cũng khá nhiều người tìm đến, qua cách cung kính khi hỏi
thăm, rõ ràng họ hâm mộ lắm, mà đâu phải loại ất ơ hỏi, toàn cỡ lắm tiền, nhiều
quyền thế, kiểu cách y như cán bộ to, đi toàn xe hơi mới lạ nữa chứ !
Nhớ hồi năm ấy, mùng ba Tết có tai nạn chết người, bắt đầu từ chú
Sáu Tào. Số là đám thanh niên thuộc dạng phá làng phá xóm đang lê la ngồi nhậu
ở hiên nhà bên hông chợ xổm, chú đi qua chỉ mặt, nạt lớn :
- Mồ tổ cha bay, ăn nhậu mà ngồi trịn trên đống xương người ta, Tết nhứt mà cũng
đói nhăn răng, mấy ổng sinh bực, bẻ cổ vài thằng cho mà biết !
Chú vừa dứt lời chưa kịp đi khỏi, máu đã trộn rượu cộng thêm máu du côn nổi
lên, hai thằng nhảy ra đè chú đánh cho một trận, may mà có người can, dìu chú
về...
Chú về đến nhà, đám nhậu cũng tan, nẹt pô rồ ga ầm ĩ, chạy
chưa quá năm mươi thước đụng vô trụ cổng chào cái rầm, hai đứa gãy cổ chết tại
chỗ !
Sự việc y như lời trù ẻo, nghe vậy biết vậy chớ chẳng ai
thèm quan tâm đến lời chú nói. Rồi sáng sớm mùng bốn chú lại đến, ngang nhà hôm
qua có cuộc nhậu ở hàng hiên, chủ nhà đang chuẩn bị cúng gì đó, đứng trước cửa,
nói ông ổng :
- Ông lên xã nói mấy ổng xuống đào lấy cốt lên đi, cất nhà đè lên bốn ông, súng
đạn y thinh, cúng gì yên mà cúng !
Chẳng thèm nghe chủ nhà nói đi nói lại gì, chú quày quã trở về
nhà, trưa tròn bóng, một mình xách gói ra đi...
Chắc ám ảnh về hai thằng bợm nhậu tự tìm cái chết từ hiên nhà mình chứ hơi đâu
nghe lời quàng xiên của chú Sáu, vậy mà đang khỏe cùi cụi bỗng nhiên ông chủ
nhà sinh bịnh, lình xình chẳng ra bịnh gì mà thuốc thang hoài không khỏi nên có
bữa ông chú bà con đã từng nhảy núi tới thăm, đem chuyện ra kể, ông chú không
nói gì mà coi bộ trầm ngâm...
Khoảng mười ngày nửa tháng gì đó, cũng còn trong tháng
Giêng, ông chủ nhà nóng lòng làm cái việc đại kỵ là mướn người đào nhà mình
lên. Sâu chưa quá một thước có ba bộ xương người, kêu xã đến, đào mở rộng ra có
thêm một bộ xương nữa cộng hai cây súng rỉ sét cùng vài thứ linh tinh...
Làng xóm vừa sợ lại vừa có ý trông chú Sáu đặng hỏi nhỏ nhưng ai
cũng biết chú đã đi chứ nào rõ chừng nào về ! Đôi ba lần bất thình lình, chú
Sáu tạt ngang qua làng, thích nói thì cứ nói phang ngang mặc dầu không ai
thỉnh... Đa phần dân làng sợ chánh quyền vu cho mê tín dị đoan nên đánh trống
lảng giả bộ không nghe, rồi về lẳng lặng thử tìm theo lời vu vơ của chú, nghiệt
cái là đúng phóc ! Cũng có đôi khi đào lên chẳng thấy xương cốt chi ngoài mớ
mùn đất đen đen lạ lẫm với khúc dây dù cột gút không chịu mục giữa lớp đất thịt
ẩm ướt đen nâu !
Cả làng,
suốt một năm trời, rảnh lúc nào là lo liệu mà tìm xương cốt người chết thất
lạc, chỉ tìm trong phạm vi căn nhà mảnh vườn bỡi họ lo cho an nguy tinh thần là
chính, còn ngoài kia xương trắng đầy, ai lo làm chi...
Nghe kể lại, hồi đó chú Sáu Tào tuy học ít nhưng là trai tráng khoẻ mạnh, ráp
theo bậu đi điệu tìm trầm rồi về bị sốt rét hành, đêm nọ nghe tiếng chó sủa
ran, không hiểu sao, ổng hoảng chạy thục mạng, kiểu chạy cắt theo đường thẳng,
ổng phóng cái vèo qua cái ao, phóng cái nữa vọt qua hàng rào keo cao cỡ hai ba
mét mất dạng... Người nhà há mồm kinh hãi ! Sáng ngày, toả ra đi tìm không biết
ổng chạy đi đâu, tìm tận mấy làng mất mấy ngày trời chẳng thấy mới nghi chết bờ
chết bụi hay té sông mất mạng, không thấy xác nên coi như mất tích ... Hơn
tháng sau có hai người lạ khiêng chú về trên võng, nghe nói bịnh gì đó nặng
lắm, chỉ chờ chết !
Vậy mà không chết, chẳng ăn gì chỉ uống nước giếng lại tỉnh từ
từ, mắt dại dại, dáng đi lẻo khẻo, nói quàng xiên chẳng đâu vào đâu ...
Rồi non tháng sau cũng lại ban đêm ổng đi luôn, lần này đi nhẹ
nhàng không nhảy ao vượt rào, im lặng đến nỗi cả làng không nghe tiếng chó
sủa...
Chú đi rồi, mấy đứa em vì sinh kế
cũng dần dần đi làm thuê làm mướn ở xa, căn nhà cuối xóm bỏ hoang lạnh ngắt,
vườn cỏ dại mọc đầy.
Cuối năm nọ, cũng cận ngày đưa ông táo, chú Sáu Tào về. Gặp bà con
trong làng chào hỏi chú ừ à trả lời lấy có, con mắt dại dại nhìn mông lung rồi
với dáng đi lẻo khẻo chú về nhà, hai ba hôm sau trong đám em đi làm mướn ở xa
cũng có đứa trở về...Tết đến, căn nhà hoang đã có bóng người đi ra đi vô, trong
sân vừa làm vội cái bàn thiên, suốt đêm nhang đèn cháy đỏ lập loè gây cảm giác
rờn rợn...
Mùng ba Tết chú chớm nổi
danh mà không ai hay biết !
.
Những năm ấy làng trên xóm dưới nghèo xơ xác, đói rã ruột, nông dân có chút
ruộng vườn hay công cụ gì làm kế sinh nhai cũng đã bị sung công vô hợp tác xã,
dắt cặp bò mà trước đây của mình đi ra ruộng, mặt dân cày giữa trưa nắng cũng
xanh lè ...
Làng xóm toàn nhà tranh vách đất , lâu lâu điểm tô bằng màu
ngói đỏ xa lạ, vài nhà cán bộ bỗng nhiên giàu lên mới cất, chắc hợp cảnh hợp
tình chi đó không rõ, Ông Chín thương binh xóm đầu cầu cứ say lại gõ nhịp bằng
đôi nạng gỗ, hò đi hô lại theo đúng điệu, có mỗi một câu cuối tôi còn nhớ như
in :
" Máu hồng, xương trắng vùi thây
" Quạ đói một bầy, chia rỉa xác riêng !
Gần
đây, năm ngoái tôi về, thay đổi rõ nhất là bàn thiên ngoài sân nhà nào cũng có,
chiều mùa đông lành lạnh buồn buồn, mụ mị qua chất giọng rè rè hoà nhịp nạng
rời rạc khó nghe, vẫn y bài cũ, điệu thì như cũ mà lời cuối đã khác xưa, nghe
nhoi nhói :
" Máu phai, xương mục làm phân
" Nhiều bầy quạ mập, nuốt dần xác chung !
...