Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2022

Nồi đất hẩm hiu

“ Thân tàn đất lạ chơi vơi
Trông lên chỉ gặp bầu trời là quen...”
                                               ( Võ Phiến )
    Nồi đất hẩm hiu 

   Thím tư chết lặng khi nghe hung tin tuy chưa được rõ ràng, ngồi sững một hồi rồi quẹt ống tay áo lên đôi mắt khô, mím môi đứng dậy đi về phía bàn thờ, thắp ba cây nhang lâm râm khấn vái, bước ra khỏi cửa liền hớt hải tìm người nhờ báo tin cho chồng .
    Anh em Đạo và Sinh học cùng lớp nhưng không phải sinh đôi. Đạo ốm yếu, tay chân lỏng khỏng giọng nói khều khào hơi đớt nên sức học năm nào cũng đuối. Sau ba bốn năm cùng đến trường thì đứa em khỏe mạnh có gương mặt lanh lợi kiểu rắn mắt đuổi kịp để ngồi cùng bàn. Từ ấy Đạo vô tình trở thành nửa bảo mẫu nửa người hầu, thường mang vác trông giữ mọi thứ từ cặp sách đến áo đến dép và cả đồ chơi cho Sinh khi nó đi học cũng như đi chơi...

    Rồi một hôm, khoảng giữa mùa hè :
“ - ...
“ - Có người ngoài bến xe lam chạy vô nói, ai đó nhắn tin là ... là một đứa con mình té mương, nó ...nó chết đuối rồi ! 
  Thím tư lập cập kể lại cho ông chồng chạy như lao vô nhà, chú tư to tiếng mà cũng cà lăm theo :
“ - Sao họ biết là con mình, mà mà đứa nào, ở ở đâu ?
“ - Không biết mà ... mà nghe y ... y như là ở Hoà phong !
“ - Thôi chết rồi ! Hồi sáng nay nó có xin tiền đi xe lam về nội !
   Chú tư vội vàng chạy ra nhảy lên xe đạp máy, rồ ga bỏ mặc bà vợ chạy theo miệng ú ớ ...

   Đứa nhỏ tay ôm quần áo tay cầm đôi dép mếu máo chạy lên chạy xuống theo bờ mương chỉ trỏ, run run vừa khóc vừa nghẹn, thốt không nên lời... Cuối cùng người lớn cũng hiểu ra ý là đứa kia đòi tắm mương vì ỷ mình biết bơi nhưng con mương đang đầy ắp và nước chảy xiết đẩy ra giữa dòng, lặn ngụp một hồi rồi chìm hẳn...
    Khi chú tư lên đến nơi chen vào hàng người chạy tới chạy lui hai bên bờ cố mọi cách tìm ra xác tấp vô đâu đó chớ nào nghĩ gì đến chuyện cứu nữa. 
   Chú đã biết mình còn mất ra sao !

   Đám ma người bị ma -da kéo, theo như lời mấy ông thầy cúng nói và khuyên cả nhà nên nghe theo là phải cúng kính cho đủ lễ đến qua khỏi ngày mãn tang...
   Mọi sự xảy ra từ hơn hai năm rồi nhưng trong nhà không khí tang tóc buồn phiền không hề giảm. Thím tư đôi mắt xa xăm nhìn ra hướng cổng thở dài từng chặp, chú thì đi khỏi nhà từ sáng sớm, chiều muộn về nằm vật xuống giường hơi rượu bay lên. Đạo cố thu người lại tránh mặt cả cha lẫn mẹ, đến trường học lặng lẽ như chiếc bóng, cũng có thể do sức học yếu không được lên lớp hay vì lý do gì không rõ, sau ngày mãn tang không lâu, Đạo bỏ học !
   Văng vẳng câu nói sau tiếng chép miệng thở dài thường khi : Nồi đồng thì mất ...

   Đạo bỏ học khi chưa kịp đủ lớn để tìm có công việc làm, một mình hay lang thang trên những con đường vắng, chỉ về nhà lục cơm nguội khi biết giờ đó thường không ai ở nhà hay chờ đêm tối lẻn vô tìm đôi ba miếng ăn rồi ngủ. Năm sau bỏ nhà đi hẳn, nghe đồn theo đoàn lô - tô !
    Nhà chú tư trở vắng như nhà hoang, cũng may trời còn thương, mất thứ này trời đền cho cái khác : Như hồi xưa, vợ chồng lại có hai đứa con, lần này toàn gái ...
   Thời gian chậm trôi, nồi đồng được nhắc đến thường xuyên, mỗi năm cúng kính và thăm viếng nhiều lần, còn nồi đất người lớn cố tình né tránh .

   Thế rồi ngày nọ, xế trưa không ai ở nhà trừ thím tư đang lui cui dưới bếp, hai đứa con gái đã đi đến trường từ lâu. Đạo thình lình bước vô nhà, trở về vô tình vào thời điểm vắng vẻ chứ lẽ nào còn nhớ biết rằng mình chẳng được mấy ai mong đợi, điều này chỉ về sau cảm nhận rồi suy đoán thái độ và biểu cảm từ nhiều phía .
   Chuyện mẹ con từ chiều hôm trước lan sang sáng hôm sau, thím tư lôi đưa hai đứa con gái đi thăm nhà ngoại, hai đứa em có vẻ sợ sệt chỉ gật đầu thay tiếng thưa gởi đến ông anh vừa lớn tuổi vừa quá xa lạ đối với chúng, líu ríu theo mẹ ra cổng... Căn nhà trống nhường chỗ cho hai cha con, hai người đàn ông lượng sượng bối rối một lúc rồi cũng biết cách thu xếp ổn thỏa là lấy chai rượu cùng hai cái ly, hòng ... thay lời muốn nói ! Cuộc rượu hội ngộ cha con chớ không phải cuộc nhậu nếu buộc phải gọi thế, không gian tù túng, tiếng đồng hồ gõ nhịp lạt lẽo như nước đìa, không có cả tiếng cụng ly, rồi cũng tàn !
    Sau hôm ấy thường xuyên thấy Đạo một mình ngồi hút thuốc ngoài hiên, đôi mắt lờ đờ luôn có cái nhìn xa vắng trầm buồn khác hẳn thân hình dị hợm có phần hung dữ bỡi vết xăm này chen đè vết xăm kia loang lổ đen sì, duy nhất câu “ công cha nghĩa mẹ chưa đền “ bên cánh tay trái có nét mộc mạc đứng riêng lẻ trên nền da còn trắng, phía trên chỗ đeo đồng hồ, màu mực đã trổ xanh ...

     Đạo kiếm được công việc bảo vệ ca đêm ở bịnh viện tỉnh, ngày ngủ đêm thức nên cũng ít tiếp xúc trực diện với các thành viên trong gia đình . Sống lặng lẽ như chiếc bóng, thời gian trôi nhanh bởi ít có điểm dừng điểm nhấn để nhớ, khi có cũng chỉ lặng lẽ chọn phía sau kể cả trong ngày lễ vu quy hết đứa em lớn đến đứa em út, rồi căn nhà cũng lại trở vắng như xưa ...
   Hai đưa con gái đi lấy chồng cũng không khá giả gì, ban ngày buôn thúng bán mẹt lê la đầu chợ cuối chợ, đêm về làm nghĩa vụ đàn bà làm phận sự dâu con, một năm về thăm nhà thoáng qua may lắm được vài ba lần, cửa nhà thường ngày im lìm hoang vắng.  Đôi lần thấy nồi đất ngồi tỉ mẩn lặt rau nấu cơm hay quều quào giặt đồ trong chiếc thau nhôm móp méo, ông đi qua đá thúng đụng nia miệng lẩm bẩm ..." đồ đàn bà " ! 
    Do rượu trường kỳ vào mọi buổi chiều đến tận đêm chứ lẽ nào quá thất vọng về đường con cháu để nối dòng nối dõi mà ngày nọ ông đột tử mắt trợn tròng không chịu nhắm, kể cả tận lúc khâm liệm đưa vào quan tài ! 
   Thím tư đầu óc trở nên nghễnh ngãng ...

    Từ ấy hàng xóm thấy chiều chiều đứa con lọm khọm tay chân lỏng khỏng bồng mẹ ra hàng hiên ngồi dụ đút cơm, bà không chịu ăn trừ khi anh luôn miệng dỗ dành " ráng ăn thêm miếng nữa cho khỏe đặng mai đi Hòa Phong thăm con trai ..."
    Khi nồi đất làm bổn phận mình một cách cẩn trọng nhẹ nhàng, không hề thấy khó khăn nào chớ không phải do nồi đất biết dễ vỡ nên tự biết phải nâng niu, làm gì mà nồi đất biết ví von như kiểu dẫu cho sứt quai mẻ miệng càng cố giữ gìn, không nấu canh nấu cơm được thì cũng tạm dùng làm mẻ kho !
    Nồi đất đơn chiếc một thân một mình săn sóc để mỗi ngày được thấy mẹ vui khi nhắc đến con trai, hàng năm đôi ba lần lụm cụm cõng mẹ già ra bến xe lam, khi đi thì cười, xế trưa vừa về đến nhà thì lại khóc -  khóc nhớ nồi đồng !
         01.10.22