Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

Thẻ bài dân sự

Thẻ bài dân sự
1. Cầu phao sông Ba
Đến ngày lên xe đi cao nguyên theo lịch trình đã định lại không có cách nào liên lạc được với Mỹ An. Không ai biết lý do vắng mặt và cũng không hề có tin tức gì, người bạn bên Mỹ nghe báo tin đang lo lắng .
Mỹ An đã từng rất chờ đợi chuyến đi này, vội vã đóng tiền sớm nhất bằng cách chuyển khoản, nhận lịch trình tour nội bộ qua mail, điện thoại xác nhận và còn nhắn tin đôi ba lần chắc chắn 100% là tham gia, “ không thể có trục trặc gì cản bước được Mỹ An ! “ - đó là lời nhắn tin gần nhất qua messenger ...

.
Mỹ An chưa phải là bạn học đúng nghĩa, em sau chúng tôi khoảng 4 lớp, tuy là đồng môn nhưng thuộc lớp đàn em khá xa, Mỹ An là em tinh thần của một người bạn rất thân thiện trong hội cựu học sinh hải ngoại nên mới được chấp nhận cho vượt rào tháp tùng theo . Đoàn du lịch sẽ đi thăm các địa danh đã lưu dấu vào lịch sử chiến tranh ở cao nguyên trung phần, thăm đường 7 kinh hoàng mùa hè năm 75 - Con đường di tản mà mỗi một người trong chúng tôi, không ít thì nhiều đều có một phần ký ức khó thể mờ phai, con đường lịch sử đầy bom đạn, máu và nước mắt ...
.
- “ Thôi, biết đâu em nó đổi ý. Việt kiều Mỹ về Việt nam đôi khi có những quyết định bất thường cũng là bình thường !“. Ai đó thốt ra vậy như một cách nói nửa giận lẫy nửa thông cảm rồi lục tục lên xe để khởi hành theo QL 25 ...
Gần đến Ngân Điền, đoàn xuống xe thăm nơi ngày xưa đã từng là cầu phao dã chiến, là nơi không biết bao nhiêu sinh linh đã bỏ mạng, xác theo dòng nước trương sình nằm kẹt vắt qua bờ đập tràn, xác theo kênh nam kênh bắc dạt trôi về hạ lưu .“ Hồi ấy - lời người bạn thuyết minh - Một bãi xe rất lớn nằm ngổn ngang bị xe ủi đẩy chất chồng để lấy đường xuống sông. Thêm số xe quân sự, xe đò, xe tải ... nằm sắp hàng đã bị buộc bỏ lại trên đường 7, chứng kiến đoàn người kinh hãi chen lấn chạy qua cầu phao bắc qua sông Ba, bờ phía bên kia đã là Thạnh Hội, nghe nói đi theo đường 5 là sống, mong tới được miền đất hứa - Tuy Hoà ! “
.
Từ bên này nhìn sang bên kia, dòng sông đoạn này khá hẹp, giữa mùa khô do gần đập Đồng Cam nên mặt nước trông như ngưng chảy. Nhìn sông, tai nghe thuyết minh mà đầu óc ong ong, tưởng chừng như thấy cảnh đoàn xe lặc lè từng chiếc chen lẫn đoàn người thất thần, nháo nhào hớt hải chạy trốn cái chết trên chiếc cầu phao nhỏ hẹp lắp đặt vội vàng :
- ... “ Sự lo lắng càng lúc càng tăng, râm ran tin đồn là quân đội chuẩn bị đặt mìn phá cầu để chặn đứng đà rượt đuổi của phía bên kia ... Vừa khi, pháo kích nổ đì đùng hai bên cầu là lúc hỗn loạn chen lấn thoát thân lên đỉnh điểm. Rất nhiều xe dân sự nép bên lề nhường đường cho đoàn xe quân sự, chưa kịp xuống cầu thì nghe lịnh buộc phải bỏ lại - Nghe hung tin, dù trên xe đa phần là phụ nữ trẻ em đã mệt lả hay kẻ đu người bám trên mui xe đói khát đều nhảy xuống ùn ùn bỏ chạy về hướng cầu phao - Tiếng la hét gào lên gọi nhau tuyệt vọng, tiếng mẹ lạc con gọi khản giọng thảng thốt, tiếng khóc thét do dẫm đạp, tiếng súng từ xa cùng tiếng nổ pháo kích kề bên tai, nhiều phát súng chát chúa thị uy giữ trật tự của quân cảnh cũng không ngăn nổi sự hỗn loạn mất kiểm soát ...”
- “ Chen lấn để lên được trên cầu phao, cảnh tượng càng khủng khiếp hơn, hai bên thành cầu nhiều người rơi xuống bì bõm níu nhau cố bám, người bị thương quẫy đạp cùng xác người chết còn loang máu trong tuyệt vọng ...” người bạn thuyết minh - người có mặt lúc ấy - giọng kể còn đầy uất nghẹn !

2. Cheo Reo

Đúng ngay thời khắc bồi hồi vọng tưởng, tiếng điện thoại chợt reo, nhìn thấy tên Mỹ An tôi vội vàng alo Mỹ An hả, Mỹ An hả ... chưa kịp la mắng gì em thì tiếng Mỹ An run run nói như muốn khóc, tôi nghe mà chỉ trả lời ờ, ừ, ờ ... mọi người xúm lại nhìn tôi, họ cần một lời giải thích. Tôi nói Mỹ An xin lỗi các anh chị, Mỹ An nhờ đoàn đón dùm, em đi máy bay lên Pleiku bằng chuyến sớm nhất sáng nay ! Thế là vài người mặt sưng mày sỉa, có người còn bĩu môi, tôi quá hiểu vài bạn tôi với ánh nhìn đổ lỗi, thất vọng vì để một Việt kiều trẻ khác lớp nhập đoàn, mới ngày đầu đã gây rắc rối, chưa chi đã thể hiện theo kiểu nhà giàu (!). Tôi chỉ biết lắc đầu bỏ lên xe trước để khỏi phải trả lời, bởi cũng chẳng biết trả lời sao !
.
Lên xe chạy tiếp, chỉ qua một sự kiện nghe nhìn cũ mới về chiếc cầu phao năm xưa mà không khí trên xe trầm lặng hẳn, sự háo hức đã thay cho ưu tư, xe qua cầu Sông Ba đến đèo Tô Na ngừng lại. Đây là địa danh cũng không thể nào quên của đoàn người di tản trên đường 7, chúng tôi lắng nghe ông bạn, từng học chung lớp 12 có gương mặt đượm buồn, từng là học trò ở Phú Bổn, đã theo đoàn người di tản, đến Tuy hoà tản cư rồi xin vào học cùng lớp, sau này quay về làm ông thầy gõ đầu trẻ cho tận đến lúc về hưu, anh gắn bó vùng đất có người ở bám dài theo con đường chết chóc, anh kể theo giọng thuyết minh film mà sao nghe buồn thiu chen lẫn nghẹn ngào, tôi nghe mà bồi hồi thở gấp như đang thấy lại cuốn film câm chiếu chậm với quá nhiều gương mặt, một phần vô hồn ba phần hoảng loạn chen nhau sắp hàng đi vào cõi chết ...
.
Đèo Tô Na đường sá mở khá rộng, hai bên đồi núi cao thấp chập chùng, dòng sông Ba uốn lượn bám theo phía dưới, xa xa thung lũng một màu xanh hiền hoà, khung cảnh lãng mạn yên bình ... đâu ai có thể ngờ nơi đây đã từng là hiểm địa, đoàn xe di tản như đàn kiến bị lửa đốt sau lưng hoảng hốt bám đuôi nhau một cách kỷ luật - kỷ luật theo cách phản xạ có điều kiện (!) - đoàn xe trơ mình cam chịu, hứng trọn nhiều loạt đạn từ trên cao nã xuống, từng chùm ...
.
Tại phế tích phi trường Cheo Reo, một sân bay khá lớn với phi đạo dài, hiện nay đường băng được chia ra lô lớn lô nhỏ cho thuê phơi khoai mỳ xắt lát để xuất khẩu . Bạn tôi - người thuyết minh - kể về những trận pháo kích kinh hồn cả ngày lẫn đêm chỉ nhằm vào nơi này và con đường huyết mạch số 7 đi ngang qua Tỉnh lỵ với dân cư đông đúc áp sát kề bên. Cheo Reo là sân bay quá quan trọng cho toàn tỉnh Phú Bổn bỡi Phú Bổn là tỉnh duy nhất toàn miền nam Việt nam, đường bộ bị phong toả hoàn toàn, mọi liên lạc tiếp tế nhận được chỉ bằng đường hàng không !
.
Nhìn đường băng dài cắt xẻ loang lổ dưới nắng chang chang, chói mắt bỡi khoai mỳ xắt lát trắng xát và cỏ tranh vàng cháy, ai đó trong đoàn, hình như giọng của Hùng “thợ cạo” la lên - Nó đã lẳng lặng ra đằng cuối xe ngồi một mình không nói lời nào từ sau khi thăm chiếc cầu phao “ảo ảnh”. Đã quá ngọ khi đi qua thị xã Ayun Pa, không khí hầm hập nóng khủng khiếp, Ayun Pa là tên gọi mới cho Cheo Reo . Đến phế tích phi trường đã đau lòng khi nghe thuyết minh về sự tàn khốc của những ngày tàn cuộc chiến, rồi tận mắt chứng kiến sự hoang phế do phá hoại hay cố tình ruồng bỏ một công trình giá trị, nó nổi điên hay sao mà la to, nó nói tui la hét cho bớt điên bớt nóng đây - “ tui dân xứ nẫu hô bài chòi kiểu nẫu cho nẫu nghe ! “...
Sao nó la nó hát nó hô tưởng chừng như đùa giỡn mà khi ngưng ngang, phần nghe đọng lại thì quá não nề :
- ” Bà con nghe đây nghe đây ...
- “ Cheo Reo không tiến mà lùi, nóng như đít chảo tiếp tục thui, tiếp tục thui cái ... ngàn vàng (!)
- “ Ta tiếc thay ... tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng mán thằng mường, thằng mường ... nó leo ! “
...
3. Chư Pao ( còn tiếp )