Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Chắc Cà Đao

“ Anh về xứ Chắc Cà Đao
Bỏ em ở lại như dao cắt lòng "

Chiếc xe đò chạy tuyến Saigon Châu Đốc thả chúng tôi xuống bên này cầu Chắc Cà Đao. Túm tụm nhau với mớ hành lý ít ỏi, hai cô bạn đồng hành tỏ vẻ lo lắng, tôi đứng dậy nhanh chân đi hỏi thăm đường.
Gặp bác trai tay xách giỏ cá, trên vai quàng tay chài đang lên dốc từ bến đò, ánh mắt dò hỏi khi tôi lại gần xin hỏi đường. Lắc đầu ái ngại sau khi nghe trình bày địa chỉ rồi nói chúng tôi xuống lộn chỗ rồi ...
Trời !

Sau khi nghe giải thích, rõ ràng xuống nơi này không phải lỗi nhà xe mà do tôi nhầm vì tội " tài lanh ! " . Con kinh cùng tên với cây cầu thuộc huyện Châu Thành, còn chúng tôi đi về trường cấp 3 Vĩnh Trạch của huyện Thoại Sơn, cũng là Chắc Cà Đao nhưng tận cuối con kinh !
Giá mà chúng tôi rành thì đã đón xe Saigon - Núi Sập - Tri Tôn rồi xuống giữa đường còn có đường bộ mà đi, đằng này bây giờ duy nhất chỉ đi được bằng đường sông nếu không muốn đón xe khác quay lui về Long Xuyên ngủ lại qua đêm ...
Vội vàng theo hướng tay bác chỉ mà tìm đò đi vô cho kịp, mặt trời đã nghiêng bóng xế chiều .
Lo lắng vì lạc đường đến vậy mà bốn con mắt của hai cô giáo mới ra trường đã mở to nhìn ngang ngó dọc từ khi chiếc tắc ráng khởi động máy đuôi tôm rời bến lướt êm trên dòng kinh đục ngầu phù sa, từng nhóm trẻ em bì bõm tắm sông, mấy đứa lớn thay nhau nhảy ùm từ cành cây ven kinh xuống làm nước tung tóe. Ngay ngả ba con nước chia đôi dòng, xuôi về bên tả gặp chợ Vàm Kinh khá đông đúc với những mái nhà chen nhau như sắp tràn xuống mé nước.
Trời về chiều ráng đỏ phủ ánh màu đồng lên những ngọn sóng rẽ nước đằng sau, cánh đồng bát ngát mênh mông chỉ một màu nâu đất, sóng nước gợn theo ngọn gió cùng nhiều cánh cò chao nghiêng trên mé bờ ranh hoang liêu, thi thoảng gặp một lùm cây rậm rạp ven bờ kinh có ngôi miễu Ông Tà đơn côi vắng lặng.
Mùa nước nổi đang đổ về...
May mà anh đưa đò biết vựa vật liệu Năm Đầy, nên ghé xuống bến này, rồi anh xăng xái lên bờ hỏi thăm dùm chúng tôi nhà anh Ba Thước, người chuyên đục khắc bia đá, anh là người bạn thủa xa xưa từng cùng là lính Tây Nam, kỳ này tôi ghé thăm là có ý nhờ anh giúp cho hai cô em sắp là cô giáo một chỗ ở trọ để xin đi dạy. Sau khi hỏi thăm mới biết Ba Thước đã quay về nhà tổ phụ để kế nghiệp làm chủ hầm khai thác đá xanh ở Óc Eo. Lo trời sụp tối nhanh, anh Năm Đầy vội vàng lên đò dẫn đường giúp chúng tôi theo dòng kinh ngược về hướng núi ...
Ba Thước có tên trong quân tịch là Nguyễn Thước gốc gác ở vùng Thoại Sơn, từ hồi vô lính đã thấy ăn chay, thiệt là “ làm khó “ nhau, làm khó anh nuôi !
Anh quen ăn chay từ hồi còn nhỏ như đa phần bà con quê anh, nơi ấy dù tứ trai hay chay trường nhưng ít ai theo đúng Phật pháp, thường tu tại gia và thờ rất nhiều thần linh. Không hiểu gia đình ảnh ở đây được bao nhiêu đời mà trông hình dong ít nét giống người Việt lẫn người Khmer. Tên thì Ba Thước chớ người chỉ tầm phân nửa, tóc quăn, mắt lộ, miệng rộng có nét cười hệch hạc dễ gần...
Sáng hôm sau dù trận mưa lâm thâm từ nửa khuya đã dứt, nhìn lên sương núi giăng mù, anh thuyết phục đưa chúng tôi thăm núi, anh nói đến đây phải thăm núi một lần để cảm nhận sự huyền bí thiêng liêng nơi mảnh đất tụ khí cuối cùng của một vương quốc đã từng huy hoàng !
Hai chiếc xe gắn máy chạy lên con đường rợp bóng cây phủ mù sương trên đầu và xác lá đầy đường còn đẫm nước bỡi cơn mưa sụt sùi đêm qua, lâu lâu lại gặp một tảng đá to bên lề đường mờ khói bốc lên do lá ủ mục hòa khói nhang ai đó vừa cắm nguyên bó đang cháy quá nửa...
Cuối đường chúng tôi đến ngôi chùa trên đỉnh có tên Sơn Tiên Tự, đứng nơi sân chùa nhìn về đằng tây mờ mờ, cánh đồng mênh mông mút mắt chỉ một màu nước loang loáng, tia nắng sớm xua từng đám sương mù lãng đãng sà thấp, những đường kẻ ô thành hình ngang dọc bằng màu xanh cây cối vươn lên từ biển nước. Có một con kinh dài anh nói đó là kinh Ba Thê nối liền với sông Bassac phía tây, con kinh này có từ trước đây cả ngàn năm do vương quốc Phù Nam cho đào để tạo thế thông thương hàng hải về nước Chân Lạp và giao thương ra biển Đông. Đến thời Pháp cho nạo vét kinh đã thu lượm không biết bao nhiêu là cổ vật chìm đắm dưới lớp bùn dày lưu cữu ngàn năm .
Rời đỉnh núi xuôi về triền phía đông, lấp ló mái nâu vàng cong vút của dáng vẻ ngôi chùa Khmer tĩnh lặng giữa rừng, bên đường anh Ba Thước dừng nơi đâu cũng chỉ chúng tôi nơi thờ phụng, một gốc đại thụ, một tảng đá có hình đặc biệt, một lòng hang hẹp cũng đã là chốn tu hành hương khói ngày đêm...
Quá lưng chừng núi, ghé viếng Linh Sơn Tự, hàng cổ thụ to cao quanh chùa chứng tỏ ngôi cổ tự đã xây dựng từ xa xưa, tuy không bề thế nhưng cổ kính. Trong chùa có một tượng Phật rất lạ, Phật có bốn tay thờ giữa chánh điện, gian bên thờ tượng thần Vishnu cùng những văn bia cổ chữ ngoằn ngoèo bằng đá xám xanh sờn mốc phủ màu thời gian .

Ba Thê là ngọn đồi chơ vơ lạc lõng giữa đồng bằng, nằm xa các đỉnh núi thiêng trong dãy Thất Sơn mờ mờ phía tây. Đi bên cạnh nghe thuyết minh mà tôi không thể nào ngờ là giọng nói của anh bạn Ba Thước hiền lành kín tiếng cả ngày trầm tư của tôi ngày nào. Tôi nhớ ngày anh lắp bắp từ giã khi bị điều động về tuyến sau chỉ vì một chuyện khó dung ở tuyến đầu. Tuyến đầu, nơi người lính lăm lăm tay súng, nã vào bất cứ đâu nghi là có kẻ thù ẩn nấp, anh bị trả về mà không nêu ra lý do nào, chẳng lẽ quy cho cầm súng mà ăn chay trường hay thường lâm râm đọc kinh tiếng gì nghe như “niệm bùa" sao ?
Lời anh nói không sôi nổi nhưng cách anh kể chuyện gì cũng như là chuyện đương nhiên, chuyện gì đến thì phải đúng lúc đúng duyên mới lộ ra dưới ánh mặt trời.
- " Thần Vishnu, là vị thần linh hồn tối thượng, vị thần bảo hộ sẵn sàng che chở và giúp đỡ người đời, ai có lòng tin mới thấy được, dù rằng thần có hóa thân thành nhiều hình tướng, hình tướng nào cũng là thông điệp cảnh báo nhân gian ..."
- " Thất Sơn huyền bí chỉ là của thời cận đại, còn ẩn mình trong núi Ba Thê lưu giữ không biết biết bao nhiêu bí mật từ thủa hồng hoang. Những điều các bạn nghe kể đêm qua không phải là truyền thuyết mà là sự thật, sự thật y như hồi còn thuộc Pháp, chỉ một nhà bác học của viện Viễn Đông Bác Cổ có duyên lành nên được cho gặp để thấy những hiện vật có niên đại gần hai nghìn năm lộ ra dưới ánh mặt trời, những bình gốm cổ, những pho tượng đồng, những phù điêu đá xanh còn nguyên vẹn. Biết bao nhiêu người bổn xứ có duyên lành cũng thỉnh được tượng vàng linh vật dưới lớp đất cày ... Rõ ràng chỉ vùi cạn dưới vài thước đất mà ai chưa đủ duyên thì chưa thể thấy dẫu vùng này biết bao nhiêu hầm khai thác đá, đồng ruộng mấy trăm năm cày xới ! Dấu ấn của vương quốc Phù Nam xưa từ ngàn năm trước, ai được gặp đã là duyên, ai đến một lần cũng là tiền định, nơi khó đến thì không dễ rời xa ... "
- " Hiện giờ Ba Thê có tên là thị trấn Óc Eo bao trọn núi Ba Thê và vùng thoai thoải nghiêng xuống đồng bằng, nơi ruộng vườn bưng biền sông rạch vòng ngoài hằng năm chịu hy sinh làm túi chứa nước khi vào mùa nước nổi trắng trời trắng đất để ngọn núi thiêng thảnh thơi đứng sừng sững thơm lừng hương đất cũ ... "

Tôi và hai cô giáo tương lai lắng nghe, nhìn gương mặt trang nghiêm sáng lóa niềm tin. Trong những bài kinh tôi từng nghe anh đọc mà không hiểu gì, không biết có phần nào cầu nguyện cho ước mơ đơn sơ là sẽ thành một phần của ngọn núi thiêng chăng ?

Bước vào chánh điện thắp hương lần nữa, lúc quay sang bên hữu để ra cửa hông, gian thờ mờ mờ tối bất chợt có quầng sáng hồng phủ lên mái tóc gợn xoăn, ánh chớp lóe lên từ đôi mắt lộ của pho tượng thần Vishnu, tôi hoảng hồn nhắm mắt quay mặt, người loạng choạng vấp vào ngạch cửa, có đôi bàn tay to mềm mại đỡ nhẹ, ngước lên lại thấy pho tượng mốc cời nhìn tôi bằng đôi mắt ốc nhồi, mái tóc quăn không còn hào quang, nụ cười mở rộng với hàm răng trắng bóng ...
Ai trông như Ba Thước, bạn tôi ?

Hôm sau, hai cô giáo tương lai từ cả tháng trước đã nài nỉ nhờ đưa về đây để xin làm giáo viên dạy tiếng Anh theo hợp đồng, nay một mực đòi theo tôi trở về, chuyến về trường Vĩnh Trạch nơi cuối dòng kinh Chắc Cà Đao chưa đến đã rời xa ...
Đường đi theo hướng Chắc Cà Đao chưa bén duyên người !