Kênh Xáng Xà No
" hò ... ơ ....Cái Răng Ba Láng Vàm Xáng Xà No, anh có thương thì mua một con đò, hò ... ơ... để mà qua lại thăm dò, hò ... ơ ...thăm dò ... nông sâu ! "
Từ Cái Răng chạy dọc bờ qua cầu Rạch Kè theo lối về bến phà Vàm Xáng ở Phong Điền để qua sông Cần Thơ, không đi đường lớn qua chợ Vàm Xáng mà men theo con lộ kề bên con kinh rộng và thẳng tắp hướng về tây. Đến thị trấn Một Ngàn, nơi có con kinh cắt ngang đổ nước ra kênh Xà No hình thành ngả tư bên sông đông đúc, dưới nước xuồng ghe từng lớp qua lại không ngưng, trên bờ xe cộ đủ loại chen nhau trước mặt chợ Một Ngàn.
Từ đây, đã bước chân vô xứ Ngàn ...
Xứ Ngàn là xứ của các con kinh đào lớn nhỏ, đào ngang xẻ dọc giữa những cánh đồng bao la cò bay thẳng cánh của miệt Hậu Giang, những con kinh ngang cách nhau một ngàn thước đều đổ nước về kênh Xà No.
Chạy xe qua các địa danh Một Ngàn Hai Ngàn Ba Ngàn Bốn Ngàn ... để tới thị trấn Bảy Ngàn, nơi chúng tôi ghé thăm ngôi đình xưa có tên chữ là Đình Làng Tân Hội để tìm chút dấu tích cũ, nơi từng lưu dấu bước chân hội tề lẫn tá điền từ đồng gần cho đến điền xa, ít nhất xuân thu nhị kỳ hằng năm chèo tam bản theo các con kinh đào tụ hội về tế lễ theo lệ làng từ hơn trăm năm qua ...
Kênh Xà No giữa mùa nước lớn gió thổi lồng lộng dưới bầu trời trong xanh bao la vào cuối mùa mưa phương Nam ...
Bóng chiều đổ màu mây lên sóng nước ngả tư kinh Bảy Ngàn. Tôi hình dung cảnh đâu đây gần 100 năm trước, đại điền chủ Albert mắt lim dim nhả khói từ tẩu thuốc rồi xoa tay thỏa mãn, chủ nhân ông của Lầu Trắng quá hài lòng có được ba chục ngàn mẫu ruộng với hơn ba ngàn tá điền ! Hình ảnh cuối mùa gặt, từng đoàn ghe chài nối đuôi trôi theo con nước xuôi dòng chở lúa từ đồng về kho Lầu Trắng, dòng nước mới đào đục ngầu phù sa pha phèn đỏ quạch giữa miền châu thổ ngày đêm xả trôi ra những con kinh ...
Bạn đồng hành ngồi sau lưng là ông thầy dạy môn địa lý chỉ lo chụp hình các ngả tư giao nhau hai con kinh rồi đếm số, đếm số chẵn cấp ngàn đang ổn thì bất chợt có con kinh mang tên Mười Bốn Ngàn Rưỡi là ngạc nhiên hay rối hổng chừng, chắc chụp hình mỏi tay, quá mỏi miệng khỏi đếm bèn ngồi im ru cho đến khi giựt mình thì đã đến Vị Thanh !
Kênh Xà No rất dài, nối từ Vàm Xáng tới rạch Cái Tư rồi tiếp tục theo một khúc sông Ba Voi để nhập vào sông Cái Lớn thông ra vịnh Xiêm La.
Từ ngày Nam kỳ thuộc Pháp đào được kênh Xà No thì các đại điền chủ như Albert, Duval, Guéry ... hợp lực đào tiếp những con kinh xương cá để xả phèn vùng đất điền bao la đã là sở hữu của mình, nơi đất vừa mới khai hoang còn chua, phèn đóng váng từng lớp dày, con kinh mới đào đã thuận tiện ngay trong việc thu lúa và vận chuyển về kho. Cứ tầm một ngàn thước tây là cho đào một con kinh thông ra kênh Xà No, dòng nước thẳng tắp ngày càng tiến sâu vào đồng bưng châu thổ Hậu giang thuở còn hoang vu ...
Người xưa, cảnh cũ nào đâu tá ? ( Bà Huyện Thanh Quan )
Lầu Trắng của chủ điền Albert đã lạc trôi vùi lấp đâu đây, Lầu Trắng - kho lúa lớn nhất Nam kỳ từ trước năm 1930 chỉ còn một tấm hình tôi chụp lại do được lưu giữ ở đình Tân Hội, không còn dấu vết gì ngoài thực địa dẫu chỉ là cục gạch bể, bỡi hơn nửa thế kỷ cách mạng, chiến tranh rồi cách mạng nối tiếp thành công !
Rời Vị Thanh, tiếp tuc theo con lộ cặp sát bờ đến cuối kênh Xà No tìm đến nhà anh Ba Phước, theo địa chỉ là ngay ngả ba sông Ba Voi, ảnh là bạn vong niên vai lớn, dân "cậu" chính hiệu gốc Saigon mà một hai nhất quyết về làm rể rồi mọc rễ xứ này cũng đà quá ba mươi năm. Tìm đến đúng nơi, thấy nhà cất kiểu nhà sàn thì ngờ ngợ lộn nhà. Rõ ràng như anh ấy nói là gần bến đò kế bên đình thần Nguyễn Trung Trực, vậy mà ...
Cũng may, nghe í ới hỏi thăm thì anh từ nhà sàn bước vội xuống sân ra đường gặp mặt.
Đêm ấy trên căn nhà cao cẳng ván sàn lên nước mát rượi, chúng tôi nghe kể chuyện ngày xưa, xưa hơn nhiều so với ngày anh về làm rể. Vợ anh vốn là con lai có dòng máu người Triều châu, ăn nói nhỏ nhẹ khép nép ngồi bên cạnh, chị có đôi mắt đẹp và sâu thẳm như bước ra từ truyện " Nghìn Lẻ Một Đêm ". Nhac phụ anh gốc người Khmer đã già, chòm râu bạc tua tủa như rễ tre trên gương mặt nâu đen đầy vết nhăn in dấu thời gian nhưng thân hình còn quắc thước và đầu óc minh mẫn, nhớ rất nhiều câu chuyện được người xưa kể lại, ông cùng ngồi với chúng tôi đến tận nửa đêm.
Ông già Khmer râu bạc kể đến phần cuối là đêm đêm ông còn mớ ngủ, in hình nghe văng vẳng tiếng xáng la " két két khẹt khẹt khẹt " từng tràng dài từ nồi súp - de nấu bằng củi trên xáng thổi làm mấy ông hổ mò xuống ven bờ giật mình bỏ chạy cong đuôi !
Anh Bảy Phước trầm tư kể lại những ngày tháng không thể nào quên. Chính eo đất này, xóm ấp kề bến đò này, ngày trước đã từng là nơi chuyên tổ chức đón bà con trên thành phố xuống che giấu ẩn mình một thời gian ngắn rồi đợi đến khi có tín hiệu thì dùng tam bản làm taxi đưa ra ghe lớn đi vượt biên. Trong một chuyến xui xẻo giữa một đêm gió chướng lạc mùa, tiếng gió thổi mạnh hòa sóng biển gào thét lấn át bớt tiếng súng nổ từng tràng ngay sát cửa biển, nửa gia đình anh bị chìm tàu chết hết tại cửa sông Cái Lớn, anh bơi được vào bờ trốn thoát nhưng bị bắt lại rồi ở tù mấy năm liền, nhà cửa của nả ở Saigon bị tịch thu hết, anh chị em thân thuộc còn lại mấy người đều ly tán tứ phương. Vợ anh bây giờ, lúc ấy chỉ là đứa trẻ lỡ cỡ ốm ròm tóc cháy nắng, sống ở vựa lúa đồng bằng cò bay thẳng cánh mà đói ăn giữa thời buổi gạo châu củi quế, cả nhà cố nhịn để giành chút đỉnh, hằng tháng đứa bé ốm đói áo quần in đầy vết mủ chuối xách cái giỏ bàng lỏng lẻo thay người lớn đi thăm nuôi anh, thăm nuôi một người dưng trong trại tù Rạch Sỏi ...
Đêm ở nơi cuối dòng Xà No cơn gió chướng năm nay đến sớm, từ vịnh Rạch Giá thổi phần phật lên tàng cây trong vườn quanh nhà sàn, cái lạnh của mùa bấc trở ngọn se se gợi lại cảnh cũ người xưa :
" Gió chướng hiu hiu, chín chiều ruột thắt
Nhìn sao bên Bắc, nước mắt chảy bên Đông ...”