Má ơi! Đừng gả con xa... Chim kêu vượn hú, chứ chim kêu vượn hú biết nhà má đâu ?... Em yêu anh nên đành xa xứ, xuôi ghe chèo Miệt Thứ Cà Mau. Đêm đêm ra đứng hàng ba, trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn. Sương khuya ướt đẫm giàn bầu, em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai ?”. ( NS Hà Phương )
Chạy theo sau xe anh Ba Phước dọc theo con đường nhựa, hai bên đường dừa xanh ngút ngàn. Đến Tắc Cậu, con phà Tắc Cậu giờ chỉ còn trong ký ức, sứ mệnh " đưa người như đưa sáo sang sông về miệt thứ " đã chấm dứt. Cầu Cái Bé Cái Lớn làm thay nhiệm vụ đưa qua sông cái mênh mông nước tuôn đổ ra vịnh Rạch Giá ...
Qua cầu theo con đường nhựa cặp kênh Xẻo Rô, đi xe gắn máy vẫn cảm thấy cái nhìn chật chội bỡi nhà cửa chen đặc hai bên bờ đường, bờ kênh. Sức sống mãnh liệt đã thể hiện kiểu nhà “ nhứt cận thị nhị cận giang tam cận lộ " khi vừa qua cầu Thứ Hai, nơi có con rạch cắt ngang kênh Xẻo Rô hình thành khu dân cư đông đúc trên bến dưới thuyền trải dài tận thị trấn Thứ Ba.
Chúng tôi ngồi quán nước ven đường thưởng thức món đặc sản khóm Tắc Cậu ngọt thơm mọng nước dõi mắt về miền xa tắp, vùng cận biển có bãi bồi hình thành đã mấy trăm năm bây giờ là những rừng mắm xanh mờ qua hơi ẩm của cơn mưa đêm qua. Đầm tôm gần, bãi bồi xa mênh mông lấp loáng dưới ánh mặt trời, đường màu xanh lá cây kéo dài đến tận chân trời chính là con rạch xẻ dọc dài ra đến giáp biển với cây lùm bụi chen dừa nước hai bên bờ ...
Vẫn tiếp tục chạy xe bám theo con đường ven kênh Xẻo Rô ở miệt Thứ Bảy chứ không đi theo một trong hai con đường nhựa khá rộng đã thưa nhà vắng xe có tầm nhìn quang đãng hơn là hai đường Xuyên Á và QL63 để về Cà Mau.
Ngang thị trấn Thứ Mười Một dừng xe nhìn bên đường phía trái đồng ruộng đã qua bao mùa lúa vẫn còn dấu vết khai hoang chưa lâu, dấu ấn rừng U Minh Thượng sót lại gần con lộ là vài vạt rừng tràm lão chơ vơ chen những đầm những lạch đang được người dân cho xe cuốc vào đắp bờ khai mương. Xa xa là lõi rừng U Minh Thượng một màu xanh ngắt kéo dài.
Bước chân lên chiếc cầu sắt dây văng cong cong khá ấn tượng bắt ngang con kênh Xẻo Rô có tên cầu treo Thứ Mười Một. Từ trên cầu nhìn xuống dòng kênh tấp nập xuồng ghe, những chiếc vỏ lãi làm đò chở khách luồn lách né tránh mấy chiếc ghe chài ì ạch bơi ngược dòng, cô gái lái vỏ lãi khá điệu nghệ cho đò lao đi xé nước làm tung bọt trắng xóa đằng sau, mới đó mà vói nhìn theo dáng đứng cô gái quàng khăn rằn điều khiển chiếc máy đuôi tôm theo dòng kênh đà khuất bóng ...
Khỏi thị trấn chưa xa, chúng tôi gặp vàm Xáng Đông Hưng, nơi ngả ba giáp với dòng Sông Trẹm huyền thoại, dòng sông chia cắt rừng U Minh thành hai phần, U Minh Thượng và U Minh Hạ. Sông Trẹm từ ngả ba Sông Ông Đốc bên rìa rừng U Minh Hạ xuôi về xứ Thới Bình, nơi ấy con sông rộng có khi mênh mộng nước tràn bờ lúc lững lờ lên xuống theo con nước hàng ngày rồi lúc chảy ngược khi trôi xuôi về tây, cuối nguồn theo rạch Mười Một đổ về Vàm Kim Qui ra biển, phần còn lại hợp với kênh Xẻo Rô nối liền đường thủy theo về sông Cái Lớn.
Những chiếc xáng "la" của Pháp chạy bằng củi với nồi " súp de " gần 100 năm trước đã đào hai con kênh huyết mạch là Xẻo Rô và Xà No nối với sông rạch thiên nhiên tạo thành con đường thủy thông thương quan trọng ở phương Nam, nối liền đất mũi Cà Mau về Rạch Giá Cần Thơ đến tận Sài gòn ...
Đêm ấy cặp sông bờ Trẹm kế ngả ba rạch Cán Gáo gần cầu Ngã Bát, trong căn nhà sàn vững vàng kề doi đất bên sông, chúng tôi ngồi cùng anh Năm Lếnh chủ trại nuôi tôm trên đất bãi bồi xưa bên kia sông, anh người bạn tri kỷ của anh Ba Phước, là anh em kết nghĩa từ thuở còn ngồi tù ở Rạch Sỏi hơn ba mươi năm trước.
Đêm rằm tháng mười một, trăng miền hạ sáng vằng vặc rải ánh vàng lên dòng Sông Trẹm. Huyền thoại thời mở cõi của cha ông ngày trước như tái hiện mới nguyên qua câu chuyện đời của anh Năm Lếnh. Với anh, mới ngày nào ra tù tay trắng chèo chiếc xuồng tam bản men theo con nước trôi xuôi về đất mũi, hai bên rừng tràm tiếp nối rừng hoang tìm kiếm kế sinh nhai, đêm chui vô nóp nằm tránh muỗi mơ được như chàng tráng sĩ năm xưa đi tìm đất sống, quăng cây mác lên vùng đất mới mở cõi lập làng !
Vậy mà bây giờ ...