Thường
vào lúc những cơn mưa tháng Giêng bay mờ trắng và ấm áp, thì bầy chim đi tránh
rét từ mùa đông trở về. Cả bãi vải rộng và chạy dài gần một cây số dọc triền
sông quê Ngần trở thành nơi nghỉ cánh của bầy chim.
Không hiểu vì sao bầy chim di cư lại chọn bãi ấy làm nơi nghỉ trước khi bay chặng cuối cùng về một vùng đất ngập nước cách làng Ngần khoảng 50 cây số. Chúng sống trên vùng đất ngập nước ấy từ mùa xuân cho đến đầu đông. Suốt thời gian ấy, chúng kiếm ăn và sinh nở. Bầy chim bay về những vùng ấm áp ở phương Nam theo một đường khác. Khi trở về, chúng chọn một đường khác và nghỉ tại bãi vải vào giữa chiều. Người làng chạy ra mặt đê xem chim về. Bà nội Ngần kể: Ngày trước, có mùa chim về nhiều quá, bãi vải không đủ chỗ cho chúng, bầy chim đậu tràn vào những khu vườn trong làng, nghỉ lại đúng một đêm, và mờ sáng hôm sau lại ra đi. Cả làng như thức giấc bởi tiếng đập cánh ngờm ngợp của bầy chim. Chúng bay cắt qua làng và cất tiếng kêu trong như tiếng sáo trúc. Bà nội Ngầm bảo, đó là lời cảm ơn của chim. Những buổi sáng như vậy, Ngần dậy sớm. Cô chạy ra sân, ra ngõ và đường làng để nhặt những chiếc lông chim rụng.
“Tại sao bầy chim chỉ ở lại bãi vải làng mình có một đêm hở bà?.” Ngày còn bé,
Ngần hỏi bà nội như thế. Và bà nội kể câu chuyện về bầy chim do cụ nội Ngần kể
lại.
Từ thuở xa xưa bầy chim di cư đã chọn
đường bay trở về qua vùng đất bãi quê Ngần. Chúng chỉ bay qua chứ không nghỉ
lại bãi vải. Nhưng một buổi chiều, người làng thấy bầy chim đỗ xuống bãi vải.
Thấy lạ, cả làng đổ ra xem. Trên ngọn của một cây vải to nhất, cao nhất, bầy
chim lượn thành hình tròn như một dải mây khổng lồ. Gió từ cánh của bầy chim
quạt rào rào vào những vòm lá vải. Chúng vừa bay vừa kêu thảm thiết. Trên tán
lá dày nơi ngọn cây, một con chim lớn nằm xõa cánh. Đấy chính là con chim chúa.
Trong chặng bay cuối về vùng đất ngập nước, con chim chúa đã hạ cánh xuống bãi
vải. Nó biết nó không còn đập cánh được nữa. Và nó chọn bãi vải quê Ngần làm
nơi yên nghỉ. Đàn chim bứt những chùm hoa vải phủ kín lên con chim chúa. Đêm ấy
bầy chim ở lại bãi vải. Và sáng sớm hôm sau thì chúng ra đi.
Sau khi bầy chim ra đi, dân làng đổ ra bãi vải và mang xác chim chúa xuống. Con
chim chúa to hơn những con chim khác. Đặc biệt, nó có một đôi cựa như một đôi
ngà voi nhỏ xíu và một chiếc lông đỏ trên đỉnh đầu. Dân làng chôn con chim dưới
gốc cây to nhất, cao nhất và hương khói như đối với một con người. Lạ thay, năm
ấy làng được mùa vải chưa từng có. Hình như cái hoa nào cũng đậu quả, và vải
quê Ngần là giống vải to và hơi chua, bỗng trở nên ngọt và thơm lạ thường. Cho
đến bây giờ, ngoài giống vải thiều ra, không có loại vải nào ngọt như vải quê
Ngần cả.
Và từ đó, làng Ngần đã chọn ngày 13 tháng Giêng làm ngày hội làng, hội thi cây
cảnh. Những cây chối được uốn, tỉa thành hình con chim, có cái lông đỏ trên
đỉnh đầu. Buổi sáng người làng đổ ra mặt đê thắp hương và đợi chim về. Sáng sớm
hôm sau, khi bầy chim đã ra đi, người làng ra bãi vải nhặt những chiếc lông
chim rụng. Nếu ai nhặt được chiếc lông chim màu đỏ thì sẽ gặp phước lành. Người
già nhặt được thì sẽ không bệnh tật và sống đến tận trăm tuổi. Trẻ con nhặt
được thì ngoan ngoãn, thông minh. Con trai nhặt được thì sẽ khỏe mạnh, tài trí,
làm ăn phát đạt. Và con gái nhặt được thì mỗi ngày một đẹp, một thảo hiền và sẽ
lấy được người mình mong ước. Nhưng mỗi lần chim về, trong hàng ngàn chiếc lông
chim rụng, chỉ có một chiếc màu đỏ.
Sau khi nghe bà kể, năm nào cũng vậy, đêm trước ngày hội làng, Ngần hầu như
chẳng ngủ được vì thấp thỏm. Nhưng cho tới bây giờ, Ngần vẫn chưa nhìn thấy
chiếc lông chim ấy. Bởi thế mà Ngần vẫn chỉ ru rú ở nhà với bà. Đám trai làng
hầu như chẳng để ý đến cô. Nếu có chàng nào nói chuyện với cô thì cũng chỉ là
những câu đùa cho vui mà thôi. Ngay cả khi ở tuổi mười bẩy, Ngần vẫn như một cô
gái lên mười.
Đã có một thời gian dài, có lẽ cũng phải mười lăm năm, bầy chim không trở về
bãi vải. Vào một đêm trong chiến tranh, đúng cái đêm mà bầy chim nghỉ lại bãi
vải thì làng bị bom đánh. Hàng chục quả bom đã ném xuống bãi vải. Sáng sớm hôm
sau, người làng chạy ra bãi vải. Một cảnh tượng đau lòng hiện ra. Bãi vải xơ
xác, cây đổ ngổn ngang. Trên mặt đất rụng kín hoa vải và la liệt xác chim.
Người làng nhìn cây đổ, hoa rụng và chim chết mà nước mắt ròng ròng. Sau đêm
ấy, bầy chim di cư không thấy bay về nữa.
Vào những ngày đầu Giêng, Ngần vẫn đôi lúc tha thẩn dọc bãi vải. Chính ở đó
Ngần đã gặp Thư. Đó là một buỏi chiều cách đây bốn năm. Họ làm quen và Thư hỏi:
- Cô có biết bầy chim di cư không?
Ngần đã kể cho Thư nghe về bầy chim ấy, cả câu chuyện về con chim chúa và cái
lông chim màu đỏ.
- Cô đã nhặt được chiếc lông chim ấy chưa?
Ngần buột miệng:
- Chưa. Năm nào em cũng tìm.
Nói xong. Ngần đỏ mặt và vội bỏ đi.
Hôm sau, một cán bộ xã đưa Thư đến nhà Ngần. Lúc đó cô biết Thư là một người
nghiên cứu về những bầy chim di cư. Thư đến để được nghe bà nội Ngần kể về bầy
chim.
- Tôi đang đi tìm bầy chim ấy –Thư nói.
- Bầy chim nào? – Ngần hỏi
- Bầy chim trước kia đậu lại làng mình một đêm ấy.
- Chúng nó ở tận trên trời, làm sao anh tìm thấy chúng?
- Tôi tìm thấy chúng
rồi.
- Ở đâu hở anh? Chúng ở đâu?
- Chúng đã về bãi ven sông, nhưng không như ngày xưa, chỉ có vài chục con thôi.
Thư đưa Ngần ra bãi vải. Anh chỉ cho Ngần thấy một hai chiếc lông chim. Rồi cả
làng xôn xao lên sau buổi Thư nói chuyện ở đình làng về bầy chim, rằng chỉ một
vài năm nữa, bầy chim sẽ lại về. Những ngày sau đó, có những buổi Ngần và Thư
lang thang dọc bãi vải cho đến tối. Thư nói với Ngần:
- Chúng sẽ trở về. Bầy chim biết rõ chúng sẽ phải bay theo nguồn gió nào và hạ
cánh ở đâu.
Vào mùa xuân năm nay, Thư lại lỉnh kỉnh đồ đạc về làng Ngần từ mồng 5 tết. Suốt
ngày Thư ở trên đê nhìn trời. Thi thoảng anh qua sông và đạp xe vào sát chân
núi Mối. Mỗi khi trở về, mặt Thư tím đi vì gió lạnh. Ngần thường đun một ấm
nước nóng cho Thư rửa mặt.
- Anh có thấy chúng về không? Lần nào thấy Thư dắt xe đạp từ ngõ vào sân, Ngần
cũng hỏi như thế.
- Chưa thấy gì - Thư đáp - Nhưng anh tin năm nay chúng sẽ về đông hơn…
Thư bỏ lửng câu nói và
im lặng nhìn Ngần.
Một buổi tối. Thư ở lại nhà Ngần rất khuya. Hai người ngồi nói chuyện với nhau
bên bếp lửa.
- Đúng là những con chim này có một chiếc lông đỏ phải không anh? Ngần hỏi.
- Anh tin là có. Thư nói - Anh cũng muốn nhặt được chiếc lông chim màu đỏ.
- Để làm gì?
- Để anh thực hiện được ước mơ của anh.
Câu ấy, Thư như nói bằng hơi thở. Và sau câu nói ấy, cả hai người im lặng cho
đến lúc Thư đứng dậy. Khi hai người bước ra sân, Thư chợt kêu lên:
- Mưa ấm quá!
Hai người đứng ở sân và cùng ngửa mặt lên bầu trời tháng Giêng tối thẫm. Mưa
tháng Giêng từ xa thẳm đang thì thầm phả vào mặt họ. Cả hai thấy ấm rực lên như
đang ngồi bên bếp lửa.
- Mưa ấm quá! - Thư nói như reo khẽ - Mưa ấm thế này là bầy chim sẽ về!
Nói xong, Thư nắm lấy bàn tay Ngần. Và họ nhận ra hai bàn tay họ cũng đang ấm
rực. Sau khoảng khắc bàng hoàng đi qua, Ngần vội rút tay mình ra khỏi tay Thư.
- Anh về đi, khuya rồi! - Ngần nói vội vã.
- Ngần! - Thư khẽ thảng thốt.
Ngần bước lên hiên nhà. Cô đứng nép vào cột hiên. Chưa bao giờ cô lại thở như
thế. Khi biết Thư đã đi xa, và khi hơi thở dần dần trở lại đều đều, Ngần đẩy
cửa vào nhà. Cô bước lại bên giường bà nội và nói:
- Bà ơi, bà ngủ chưa? Cháu đốt cho bà chậu lửa nhé!
- Bố cô! - Bà nội Ngần mắng yêu - Chờ được cô đốt lửa cho thì tôi đã chết cóng
rồi!
Ngần cười khúc khích và chui vào màn. Cô ôm lấy bà nội.
- Bà ơi, mưa ấm lắm. Mưa ấm như thế bầy chim sẽ về.
- Ai bảo thế? – Bà nội hỏi.
- Anh Thư nói thế bà ạ!
- Thằng Thư à - Bà nội nói – Cháu ạ, bà bảo nhé, con gái mà da khô, tóc cứng và
nóng như cháu thì đường tình duyên khổ lắm. Đứa nào nó yêu cháu thật thì nó
phải là người chân thành lắm.
Đêm ấy, Ngần thao thức mãi không ngủ được. Tiếng Thư gọi Ngần lúc ở sân làm cho
Ngần thấy chóng mặt. Chưa ai gọi Ngần với giọng như thế bao giờ.
Đúng chiều ngày 13 tháng Giêng năm ấy, Ngần theo Thư ra đê. Mưa tháng Giêng bay
mờ cả triền sông. Vải đang trổ hoa. Họ đứng im lặng nhìn về phía trời xa. Bầy
chim trở về thật, chừng vài chục con từ từ đậu xuống ngọn cây vải cao nhất. Thư
nắm tay Ngần chạy xuống chân đê. Cả hai rón rén đến dưới gốc vải và nhìn lên.
Bầy chim đậu sát bên nhau và khẽ kêu lên, tiếng trong như tiếng sáo trúc. Thư
say sưa ngắm nhìn bầy chim cho đến khi trời đổ tối. Thư dắt tay Ngần đi lên mặt
đê. Ngần để yên tay mình trong tay Thư. Lên đến mặt đê, Thư vừa thở vừa nói:
- Anh dự báo đúng. Bầy chim đã trở về rồi, Ngần ơi!
Nói xong Thư ôm choàng Ngần, Ngần gục đầu vào vai Thư. Cô thấy tim mình đập
vang vang tận đỉnh đầu.
Sáng sớm hôm sau bầy chim rời bãi vải ra đi, Ngần lén ra bãi vải. Cô vừa hồi
hộp vừa ngập ngừng tìm dưới gốc cây vải xem có chiếc lông chim màu đỏ không. Dù
trong lòng cô nghĩ chiếc lông chim màu đỏ có lẽ chỉ là chuyện cổ tích. Nhưng
khi không tìm thấy chiếc lông chim ấy thì lòng Ngần dâng lên một nỗi lo âu mơ
hồ. Và rồi, cô buồn hết cả tháng Giêng.
Bầy chim đã đi được mấy ngày thì Thư cũng ra đi. Anh phải trở về vùng đất ngập
nước cùng các đồng nghiệp tiếp tục công việc của mình. Đêm ấy, trong bếp lửa
nhà Ngần, nghe Thư thổ lộ tình yêu của anh, Ngần đã khóc. Lời tỏ tình mà Ngần
đã chờ đợi bao năm tháng lại làm cho Ngần hoảng sợ và đau khổ. Nếu Ngần tin
rằng mình xinh đẹp như các cô gái khác, cô đã chạy ùa đến đón nhận tình yêu của
Thư.
- Làm sao em khóc? – Thư hỏi.
Ngần không thể nói cho Thư biết vì sao cô khóc. Cô ngước mắt nhìn Thư. Cô nhìn
thấy đôi mắt Thư đang nhìn cô đắm đuối và ấm áp vô cùng. Lúc đó, Ngần muốn gào
lên với Thư rằng: “Tại sao anh có thể nhìn gương mặt xấu xí của em đắm đuối như
thế kia được.” Nhưng Ngần không gào lên được. Cô chỉ biết khóc. Thư kéo đầu
Ngần vùi vào ngực mình. Anh vuốt ve mái tóc Ngần. Lúc đó, Ngần cảm thấy mái tóc
mình khô giòn và khét đắng. Đến khi Thư vuốt ve bàn tay Ngần thì Ngần vùng khỏi
vòng tay Thư và nghẹn ngào:
- Tại sao em lại không nhặt được chiếc lông chim màu đỏ?
Câu hỏi của Ngần vừa tủi
thân, vừa oán hận. Thư nhìn Ngần và nhận ra tất cả. Anh thì thào:
- Em sẽ nhặt được, chắc chắn là nhặt được.
Nửa tháng sau ngày Thư đi, Ngần nhận được thư anh. Thư say sưa kể cho Ngần nghe
về những bầy chim di cư trở về trong những ngày xuân ấm áp. Ngần thấy hạnh phúc
và nhớ Thư vô hạn. Đêm ấy, cô đọc thư của anh bao nhiêu lần cũng không thấy
chán. Nhưng khi cô lấy chiếc gương ra soi thì cô lại gục đầu mệt mỏi. Cô luôn
luôn cảm thấy da cô khô và sạm, tóc cô cứng và khét, mắt cô hơi xếch, đôi môi
cô có những vết rộp. Nhưng sao anh ấy lại yêu mình? – Cô thầm hỏi. Hay anh ấy
chỉ yêu bầy chim thôi? Ngần nhận được thư của Thư, nhưng cô không viết lại cho
anh.
Thư viết cho Ngần mỗi lúc một thưa và bặt hẳn. Lá thư nào, Thư cũng xin được
cưới Ngần và mong câu trả lời của Ngần. Nhưng Ngần đã im lặng suốt cả một năm.
Những lúc thấy Ngần thẫn thờ, bà nội lại bảo: “Bà biết cháu chờ nó. Nhưng cháu
ơi, người ta khác mình lắm. Xem có đứa nào trong làng tốt bụng hỏi thì lấy.
Tuổi cháu đứng rồi, đừng viển vông, trong nhà, bà lo và thương nhất mày. Nếu
xinh đẹp như người ta thì lại đi một nhẽ, đằng này… Thôi, ông trời cho thế nào
thì được thế, cháu ạ.”
Năm ấy, bầy chim di cư trở về đông lắm, có tới hàng trăm con. Cả làng xôn xao.
Những người già trong làng họp lại để bàn về lễ đón chim năm sau. Sau khi bầy
chim bay đi, chẳng có ai ra bãi tìm chiếc lông chim màu đỏ, chỉ có Ngần. Nhưng
Ngần không tìm được chiếc lông chim mong ước ấy. Và năm đó, thời gian đối với
Ngần trôi đi quá chậm.
Nhưng rồi mùa xuân lại trở về, dù rằng năm nay mùa đông như về quá muộn. Nhưng
mùa đông vẫn phải trả lại thời gian cho mùa xuân đúng quy luật của nó. Mới chỉ
ngoài tết mấy ngày mà mưa phùn đã ấm như hơi nước nóng. Cũng vào lúc đó, có một
người đến tìm Ngần. Đó là một người đàn ông tóc đã điểm bạc. Ông là một nhà
nghiên cứu chim di cư. Ông làm cùng Viện với Thư:
- Cậu Thư đang lặn lội tận đồng bằng sông Cửu Long. Người đàn ông nói vậy. Sau
đó ông không hề đả động đến Thư, mà chỉ chăm chú hỏi về bầy chim.
- Tôi đọc hồ sơ của cậu Thư về bãi đỗ chim làng cô và cả câu chuyện về chiếc
lông chim màu đỏ…
- Chuyện cổ tích ấy mà, bác quan tâm làm gì. – Ngần buồn bã nói.
- Tôi lại tin chuyện đó là thật.
- Thật, sao chẳng thấy chiếc lông chim màu đỏ – Ngần nói giọng chợt xa xăm – Có
người tìm cả đời chẳng thấy.
- Người nào có lòng tin thì sẽ gặp được điều mình mong muốn – Người đàn ông
nói. Mỗi người phải tin vào một điều gì đấy. Trước hết phải tin vào chính mình.
Đêm ấy, Ngần lại mở thư của Thư ra đọc. Cô biết, cô vừa mong đợi những lá thư
như thế, lại vừa nghi ngại những gì Thư viết cho cô.
Sau bao nhiêu năm, ngày 13 tháng Giêng năm nay, làng Ngần lại tổ chức đón bầy
chim. Khoảng hai giờ chiều, người làng đã tụ tập kín mặt đê. Một chiếc bàn phủ
gấm điều bày bánh trái, hoa quả và một chiếc lư đồng. Trầm được đốt lên tỏa
hương thơm ngát. Ngần cũng có mặt trên đê. Nhưng cô đứng ở phía cuối đoàn
người, khăn len che kín mặt. Với mặc cảm về sắc đẹp của mình, cô luôn luôn né
tránh đám đông. Cô đứng đợi bầy chim trở về mà lòng buồn bã.
Khoảng ba giờ chiều thì bầy chim trở về. Chúng xuất hiện phía xa như một đám
mây. Đám mây mỗi lúc một lớn. Và những người đứng lên trên mặt đê nghe thấy
tiếng đập cánh của bầy chim như tiếng mưa rào đang đổ xuống. Và trong khoảng
khắc, bầy chim có lẽ đến vài ba ngàn con ngờm ngợp đập cánh trên đầu họ. Tiếng
kêu của bầy chim vang lên như tiếng sáo trúc rộn ràng. Bầy chim lượn một vòng
quanh làng Ngần rồi từ từ đậu xuống bãi vải. Mọi người đứng trên mặt đê reo hò.
Ngần đứng im lặng, mắt không chớp nhìn bầy chim.
- Tôi đã nhìn thấy con chim chúa.
Nghe tiếng người nói sau lưng, Ngần quay lại và nhận ra người đàn ông cùng Viện
với Thư.
- Bác nhìn thấy thật à? - Ngần hỏi - Sao bác biết?
- Con chim bay ở giữa đàn - Người đàn ông nhìn về phía bãi vải, nói. Nó có đôi
cánh dài, rộng gấp đôi những con khác. Nó bay nhanh nhưng đập cánh rất ít. Chỉ
có con chim chúa mới có chiếc lông màu đỏ.
Câu nói của người đàn ông bỗng làm cho Ngần dâng lên một cảm xúc lạ lùng. Cô mở
chiếc khăn ra. Gió xuân ấm áp phả lên mặt cô. Và từ đó cho tới khi đi ngủ, Ngần
náo nức lạ thường. Ngày mai cô sẽ dậy thật sớm để đi tìm chiếc lông màu đỏ.
Và Ngần đã khóc nấc lên trong buổi sớm mùa xuân. Khi bước ra sân, cô thấy những
chiếc lông chim rụng ở sân nhà cô. Sáng sớm hôm nay, bầy chim từ bãi vải đã bay
cắt qua làng cô để trở về vùng đất ngập nước. Và giữa những chiếc lông chim màu
trắng là một chiếc lông chim màu đỏ như lửa. Ngần nhặt chiếc lông chim lên. Cô
để chiếc lông chim trong lòng bàn tay. Chiếc lông chim khe khẽ rung lên bởi hơi
thở của Ngần. Cô vội mang chiếc lông chim màu đỏ vào nhà, mở chiếc khăn tay và
đặt nó lên đó ngắm nhìn, lòng ngập tràn hạnh phúc.
Suốt ngày hôm đó, Ngần cười nói khác thường. Đến khuya, khi tin chắc mọi người
đã ngủ say, Ngần rón rén trở dậy. Cô vặn to đèn, run rẩy lấy ra chiếc gương rồi
lại ấp chiếc gương vào ngực, người run bắn. Cuối cùng cô đưa chiếc gương lên
ngang mặt mãi lâu sau mới lấy hết can đảm và từ từ mở mắt ra. Cô nhìn vào
gương. Và thật kỳ lạ, cô thấy mình không hề xấu xí như những ngày xưa, nước da
không phải khô và sạm, mà rám nắng, khỏe mạnh, đôi môi không hề có vết rộp mà
mọng ướt. Cô từ từ đưa tay lên mái tóc. Mái tóc cô dày và mềm mại.
Cô soi gương, rồi bỏ gương đi. Rồi cô lại soi, lại bỏ, mỗi lúc lòng tin về nhan
sắc của mình càng mạnh mẽ.
Ngày hôm sau, cô đi chơi khắp làng. Bạn gái cô kéo cô lại và thì thầm: “Yêu rồi
phải không?”, “Yêu ai mà yêu” – Cô cãi. Bạn gái cô nói: “Đừng có giấu tao, mày
đẹp ra như thế này thì chỉ do hơi đàn ông chứ còn gì.” Cô đỏ mặt sung sướng. Cô
không muốn nói về chiếc lông chim màu đỏ. Cô không tin chuyện thần tiên. Nhưng
cô không lý giải được vì sao lại thế. Chỉ có điều không ai cho là cô xấu. Chỉ
có cô nghĩ mình xấu xí và tự ti về nhan sắc của mình.
Điều ấy chỉ mình Thư biết. Và anh yêu cô lạ lùng. Anh phải kéo cô ra khỏi sự
mặc cảm ghê gớm đó. Chỉ làm như thế, anh mới có được cô. Và anh đã bỏ mọi công
sức lang thang đến nhiều vùng để tìm được một chiếc lông chim màu đỏ. Anh đã
nhờ một đồng nghiệp về làng Ngần trong mùa chim đi di cư trở về và bí mật thả
chiếc lông chim màu đỏ xuống trước cửa nhà cô.
Mấy ngày sau, người đàn ông cũng ra đi, Ngần viết lá thư đầu tiên cho Thư và
nhờ người đàn ông ấy chuyển giúp. Lá thư chỉ vẻn vẹn mấy dòng: “Em yêu anh.
Ngày nào em cũng mong anh trở về. Hãy về với em ! Ngần.”