Hồi đó, cả nhà sau nhiều cảnh tản cư từng đợt rồi cuối cùng cũng được “đoàn tụ“ về xóm này. Xóm nằm sâu phía cuối hàng keo, xóm chưa có tên không điện không nước không số nhà, thuộc vùng dễ bị uy hiếp bằng pháo kích nhất thị xã bởi vì xóm nằm chen chúc trên con hẻm nhỏ gần như sắp tựa lưng vào hàng rào có nhiều lô cốt phủ kẽm gai lớp trong lớp ngoài của Ty Cảnh Sát .
Dựng được căn nhà nhỏ mái tole vách ván thùng cũ tận dụng kế bên bụi tre, thợ mượn làm nhà tuy đông nhưng toàn tay ngang, làm lén vội vàng trong mấy tiếng đồng hồ từ đầu hôm phải xong trước giờ giới nghiêm trên thẻo đất mạnh ai nấy chiếm bỡi đây là con đường dự phóng nằm song song giữa hai con đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ, chính quyền ban ngày đi ruồng không cho cất nhà, đêm khuya mà ồn ào đục đẽo đóng tole ầm ầm không khéo bị nghi, dễ bị ăn đạn lạc !
Nhà có ông anh đầy sáng kiến, tính toán kiểu “đói thì đầu gối phải bò“, ổng lanh lợi nên đi học lóm ở đâu đó rồi về yêu cầu má tui góp sức để tổ chức “sản xuất“. Vốn để làm cà rem thì không bao nhiêu, chỉ nhiều ở chỗ mua cho được mươi mười lăm thùng đựng kem cho người ta mang đi bán dạo thì tốn bộn tiền, bỡi thùng đựng kem thời đó giống như một bình thủy đựng nước sôi chỉ có lớn hơn khá nhiều mà thôi, bình thủy thì mắc mà cấu tạo có hai lớp mỏng bao bọc ở giữa là chân không nên dễ bể nếu va chạm mạnh, mua cái ruột về rồi bắt chước cách làm vỏ bình thủy mà gia cố chèn thêm trấu cùng rơm rồi bọc bên ngoài bằng cách gò một lớp vỏ bằng tôn kẽm ôm trọn bình thủy bên trong, bình cà rem hình khối chữ nhật sơn màu xanh có dây đeo bản to vòng qua vai, chủ yếu là trẻ em đi bộ lắc chuông báo hiệu, rảo khắp nẻo đường bán cà rem …
Thùng dùng sản xuất cà rem có hai lớp ván ép cách nhau khoảng một tấc chèn trấu để cách nhiệt, bên trong bọc tole kẽm gò mí rồi hàn chì cho thật kín nước, thêm những thanh ngang đều nhau nhằm giữ các “gắp“ khuôn cà rem nằm lơ lửng trong hỗn hợp sinh hàn, cứ sáu khuôn cà rem kết thành một “gắp” . Phía trên thùng có nắp đậy cũng bằng ván ép hai lớp. Bộ phận khá quan trọng nữa là một thanh quậy có khung hình vuông gắn vào khung thùng bằng bù lon để lắc trộn, thanh quậy bên dưới chìm vào hỗn hợp chứa nước đá cục, muối hột và nước. Còn thanh quậy phía trên cũng bằng cây láng mướt do được bào nhẵn và thêm bàn tay người thỉnh thoảng cầm lắc qua lắc lại, quậy cho hỗn hợp bên dưới được lạnh đều …
Còn cà rem thì thời đó hình thức chỉ là cà rem khối vuông dài hoặc hình khối dẹp cắm trên que tre chứ chưa có cà rem hình khối tròn, cà rem có nhiều loại nhưng chủ yếu vẫn là cà rem mùi lá dứa có màu xanh lá cây đậm rất thơm, thứ đến là cà rem sữa màu trắng đục có vị béo của sữa bột và loại thứ ba là cà rem sữa sô cô la hai màu, bên trên là màu trắng đục của sữa còn bên dưới là màu nâu thơm mùi sô cô la, loại này làm cầu kỳ hơn bỡi phải vô nguyên liệu vào khuôn hai lần cách nhau ba bốn tiếng đồng hồ. Ở nơi khác thì có cà rem đậu, cà rem dừa nạo nhưng không có gì quá ngon và trẻ con cũng không chuộng lắm nên anh tui không làm.
Mỗi ngày đêm chỉ sản xuất ra hai mẻ, làm ban đêm thì mờ sáng lấy cà rem ra khỏi gắp, do ngâm cả đêm đủ dư độ lạnh nên cà Rèm lạnh cứng vun đít gỡ bỏ vô bình sẵn chờ người đến nhận đi bán rồi tiếp tục làm một mẻ mới, tầm hai giờ chiều mới ra lò mẻ cà rem thứ hai.
Cà rem thời ấy bán đồng giá, có nghĩa là cà rem giá một đồng thì mua ở nơi bán dạo một đồng một cây thì đến nơi sản xuất giá cũng một đồng, trẻ em hay người lớn đi bán thì giao một chục mười hai, không cần trả tiền trước, bán được thì lời hai cây còn vốn trả lại, còn bán không hết hay trời mưa bán không được cũng không sao, mang về trả thì nơi sản xuất cũng chỉ tốn công bỏ lại vô khuôn … lắc qua lắc lại hôm sau cà rem cứng ngắt bán ra bình thường !
Cà rem là món mê nhứt của tuổi thơ, thỉnh thoảng được cho tiền ăn quà là chạy ù ra ngõ sốt ruột ngóng chờ tiếng chuông rung leng keng báo hiệu, thấy bóng dáng thùng cà rem đang đi tới là reo lên sung sướng, cẩn trọng đón nhận cái que tre là đã cảm nhận hơi cà rem phà ra mát lạnh rồi, chưa mút được miếng nào mà nước miếng đã tuôn. Ở trường học đôi khi là tấm lòng của tình bạn tuổi thơ, cả hai ăn chung một cây cà rem cũng sốt ruột hít hà chờ đợi đến phiên mình, có lúc là nỗi thèm thuồng khi thấy đứa khác ăn, thậm chí đau khổ vì không thể chạy bu theo người bán cà rem háo hức chờ cà rem đến tay mình …
Theo thời gian, chỉ một hai năm sau thì những lò kem sơ khai này cũng tự nghỉ bởi không cạnh tranh nổi với những hãng cà rem lớn chạy bằng điện, cái bình thủy bán cà rem cũng nhường chỗ cho những thùng mốp to chứa vài trăm cây cà rem đặt phía sau chiếc xe đạp tỏa đi mọi ngóc ngách xa gần, thị xã có thêm nhiều loại kem mềm xốp đựng trong ly thơm ngon hơn nhưng vẫn mê cà rem cây quê mùa cứng ngắt để có thể cắn nhín từng miếng nhỏ tê đầu răng hay mút từng chút một cố kéo dài thời gian sung sướng. Thế hệ nào cây cà rem vẫn là nỗi thèm thuồng của trẻ nhỏ không bao giờ vơi, là nỗi nhớ ngày xưa ấy một thời được làm trẻ con của người lớn ...
Người lớn mỗi khi nhớ, lại tủm tỉm cười một mình, tự hỏi không biết trên đời còn món gì ngon hơn cà rem tuổi thơ chăng (?)