Kỷ niệm tuổi học trò, chuyện bây giờ mới kể :
Nhớ hồi vô trường trung học, hào hứng thì rất nhiều nhưng háo hức nhứt là được học một môn ở tiểu học không có là môn sinh ngữ Anh.
Đến thời này thì cách học tiếng Anh theo kiểu mấy ông thầy dạy tiếng Pháp do thời thế thay đổi nên tự học để chuyển qua dạy tạm tiếng Anh cho lớp đàn anh đàn chị theo kịp chương trình như thầy Huỳnh Tô đã không còn nữa, kiểu học tiếng Anh thuộc lòng từng chữ, như là :
...
and và if nếu when khi
but nhưng for để bỡi vì because
long dài short ngắn tall cao
look for tìm kiếm nơi nào ...vật rơi !
look like nó giống làm sao
look after săn sóc look down khinh hèn
... vân vân...
Còn muốn được học tiếng Anh như thế nào thì một học sinh nhỏ ở tỉnh lẻ nên cũng chưa từng biết, trăm sự theo Thầy ...
Lịch sử học tiếng Anh của tui thiệt là gian truân. Có ba ông thầy dạy xoay tua 4 năm liền là thầy Hoàng Diêu, thầy Trần Thinh và thầy Nguyễn văn Hàng ... còn ám ảnh đến tận bây giờ !
Thầy Hoàng Diêu dạy giảng văn là chính, không hiểu sao lớp 8C được thầy ưu ái nhảy qua dạy Anh văn ! Tất nhiên thầy cũng dùng tiếp tục quyển English For Today book two. Thầy tới lớp bữa nào không dò bài hay làm bài tập thì việc đầu tiên là “quắc“ tui lên bảng, không nói không rằng mà thầy dùng ngón trỏ chỉ vào bài rồi thầy ra ngoài hút thuốc lá hay tán gẫu với thầy cô giáo nào rảnh khi đi ngang qua hành lang trước cửa lớp ...
Việc của học trò là ngồi một chỗ nhìn trời mây qua khung cửa sổ hoặc ra dấu rủ bạn im lặng cùng chơi ca rô để chờ, còn việc của tui là lên bảng chép bài từ quyển sách ra, chữ học trò viết phấn trên bảng đã xấu mà còn phải “rị mọ” tiếng Anh viết cho trúng y như sách đâu phải chuyện đùa (!), ngày nào có giờ tiếng Anh là đa phần phải tháo mồ hôi mẹ mồ hôi con ... Trong cái rủi có cái may là tuy học môn này cũng tầm thường như cả lớp thôi nhưng điểm số cũng không đến nỗi, đặc biệt do luyện lâu ngày nên việc viết phấn trên bảng ở trong lớp coi cho được được chắc cũng không có ai tranh phần !
Nói tiếp về thầy : Viết xong thì thầy vô lớp cầm cây thước đọc từng câu ngắn, gõ thước rồi cả lớp hoà nhiều bè đọc theo, chỉ vậy thôi còn lại học trò về ... tự học ! Cuối năm thi đệ nhị lục cá nguyệt cả lớp cũng trên trung bình, từ ngữ thì thuộc được chút ít nhưng chẳng ai nói được một câu ngắn tiếng Anh, trừ OK và How are you !
Qua năm sau, thoát khỏi lên bảng và hoà giọng ê a tiếng Anh nhiều bè thì gặp ông thầy nói tiếng Anh lục cục và trúc trắc mà tui nghe y như tiếng ... Quảng Trị (!).
Thầy Nguyễn văn Hàng dạy học rất nhàn hạ và chúng tôi nguyên năm cũng được thế !
Nguyên năm lớp 9 không hiểu đã học được gì trừ vốn ngữ vựng phong phú, có được bởi ... một trò chơi !
Năm ấy nổi lên trò chơi nối chữ thuộc vocabulary, khi chơi phải có một quyển tự điển của Lê Bá Kông kèm theo để tránh cãi, tránh ăn gian (! ) . Cách chơi là người đi trước ghi một mẫu tự, người đi sau chọn một mẫu tự tiếp tục ráp vô, khi đã thành chữ có nghĩa của tiếng Anh mà người sau bí không thêm mẫu tự nào vô được thì coi như thua ... Trong xóm hẻm Tao Đàn ngoài tui còn có Huỳnh Văn Toàn, Bùi Văn Đoàn, Đào Quốc Hưng, Võ Ấn..., Đào Quốc Hưng luôn thắng mà lúc đó không ai hiểu sao nó giỏi thế, sau này mới biết là nó cố hướng đến các từ tiếng Anh có 3, 5,7 chữ cái nó biết nếu nó đi trước và 2,4,6 nếu đi sau. Một vài lần vào thế bí, nó còn biết cách nối thêm tiếp vĩ ngữ vô một chữ hoàn chỉnh để ra một chữ mới đủ nghĩa !
Nhờ môn chơi này thịnh nên cả lớp cũng gần như qua được môn tiếng Anh bỡi khá về vocabulary, còn khi lên trả bài đàm thoại thì có nói tiếng nghe ” in như là” tiếng Anh tiếng Mỹ nhưng ai ngoài thầy hiểu được học trò nói gì mới là chuyện lạ !
( Nhân việc học kiểu này làm tui nhớ đến câu chuyện về cụ Huỳnh Thúc Kháng mà ráng học từ vựng, chuyện kể rằng Huỳnh Thúc Kháng là nhà nho học rất có tài cùng trí nhớ siêu hạng trong lớp “ đàng cựu ”, làm chủ bút báo Tiếng Dân, năm ấy cụ bị Pháp bắt bỏ tù ở Côn Lôn nên sách nào mang vô xà lim đều bị cấm, cụ buộc mang theo quyển tự điển Pháp Việt của Phạm Quỳnh để có cái mà đọc cho khuây khỏa, trong tù cụ rảnh lại chỉ một mình nên tự học thuộc mặt chữ theo kiểu học chữ nho. Vậy mà khi ra tù cụ cũng đọc sách báo hiểu được gần hết tiếng Pháp, chỉ không thể nói ra bất cứ câu tiếng Pháp nào mà người “ tây dương” dễ dàng hiểu được !
Vì mặc cảm dốt môn tiếng Anh nên không dám vào ban C toàn anh hùng hảo hán, nghe đồn do có đi học thêm chỗ thầy Ngọc hay chỗ thầy Quế nên bắn tiếng Anh như bắp rang ... Tui đành xin vô ban B, hy vọng lên đệ nhị cấp thay đổi cách học sẽ khá hơn, lại nghe bạn Trần Tấn Khải tiết lộ tin bí mật là sẽ có ông thầy đã từng tu nghiệp dài hạn tại Huê Kỳ về dạy, nếu mà được thế thì cuối năm sẽ nói tiếng Mỹ như “ lặt rau “cho mấy đứa ỷ được học ông thầy từng làm thông dịch viên hết hồn chơi ! Cầu được ước thấy, lời bạn mình nói đã chắc cú như đinh đóng cột : Thầy Trần Thinh về dạy Anh văn cho 10B2 !
Lớp đã chọn ban toán tất nhiên môn của thầy học trò trôi qua 4 năm đệ nhứt cấp toàn cỡ ... “ dốt lỏng lỏng” !
Trình độ học trò thì thấp mà thầy dạy cao quá hay sao ấy, thầy toàn dạy văn phạm hết present continious đến past perfect theo kiểu lên công thức có dấu +, có dấu = y như học toán hay có dấu + rồi có dấu mũi tên ra kết quả, giống công thức phản ứng trong môn hoá học làm học trò đã dốt càng rối, rối lại càng quên ... Riêng tui sợ đến nỗi dù sau này có học nhảy tùm lum chớ gặp chuyện cần nói gấp thì lại nhớ đến thầy, lại sợ sai văn phạm nên phát hoảng, toàn dùng một thì duy nhất cho chắc, present simple !
Cuối năm cũng không thấy khá lên chút nào bởi thầy nói tiếng Anh có ngữ điệu kiểu chặt khúc từng tiếng một, kiểu nói chắc cú chém to kho mặn chữ nào ra tiếng ấy, ráng nghe thì hiểu vì từ ngữ thầy cố ý dùng đơn giản từ các bài đã học nhưng nói theo thầy thì hay ... bị cà lăm !
Rồi xong “ chín mươi ngày qua chứa chan tình thương ...” cũng hăm hở tựu trường lên lớp 11B2, học ban B mà ngỏng tai nghe đồn giáo sư Anh văn nào sẽ dạy, lạ chửa !
Việc lạ nhứt là chúng tôi gặp lại lần nữa, học nguyên năm với ông thầy nói bất cứ câu gì tiếng gì cũng theo đúng giọng Quang Tri !