Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Miếng ăn và đôi dép

Miếng ăn và đôi dép
Trên trục đường Trần Hưng Đạo, phía bên trái tính từ hướng ngả năm đi xuống biển, qua khỏi rạp cine Hưng Đạo rồi đến ngả tư cắt ngang với đường Trần Bình Trọng, giữa ngả tư này và ngả tư Tân Tiến có trụ sở xã Châu Thành - tên gọi thời ấy, xã này bao gồm nhiều ấp theo tên cũ như là Bình Nhạn, Bình Tịnh, Bình An, Bình Mỹ, Bình Hoà, Bình Lợi. Các ấp này gần như tương ứng các phường 1,2,3,4,5,6 của thị xã.
Sau năm 75 vật đổi sao dời, trụ sở trở thành cửa hàng ăn uống phường tư. Buổi sáng bán cà phê, từ trưa đến chiều có bán chè đỗ đen, nghe đâu còn có bán bún bán phở nữa nhưng thời đói rách ấy chúng tôi làm gì có tiền nên cũng không biết tô bún tô phở nó ra làm sao ...
Đói triền miên nên thèm ăn đủ thứ, làm gì dám mơ đến thịt thà dầu mỡ, nghĩ đến miếng ăn có vị ngòn ngọt cũng đã khó chớ đâu như hồi còn ở nhà ít ra cũng còn trái chuối hay cục đường đen. Đi học trường trung cấp, ở nội trú được nuôi ăn ngày hai bữa lưng lửng, áo rách quần vá thìcũng đành, đói ăn thì ráng chịu đựng, đôi khi gia đình có tiếp tế vài đồng thì đợi khi thuận tiện rủ vài ba người bạn đi bộ ba cây số lên cửa hàng ăn uống phường tư ăn chè đỗ đen.
Chuyện ăn chè này không nói thì thôi, nói ra cũng như là ăn miếng nhục, đói khát lỡ ăn một lần rồi thôi chứ tệ như ăn mày, này nhé đầu tiên là mua phiếu một nơi rồi đem đến chỗ quầy đứng chực chờ, mậu dịch viên ( người bán hàng thời đó được gọi như thế ) khi đến thì thò tay giựt cái phiếu, mặt câng câng múc chè ào ào rồi đặt lên kệ nhểu nhảo tràn lan, chè múc vô những cái tô sành, loại tô này lạ là không hề thấy cái tô nào có miệng tròn đều, nó đều hơi méo miệng một chút, chắc là hàng phế phẩm thì phải, để bình trên kệ thì nó cứ nghiêng nghiêng ... Rón rén bưng tô chè từ quầy ra bàn ngồi phải dùng hai tay bê cẩn thận, tuy chè không nóng nhưng lỏng bỏng lại được múc lấp xấp gần miệng tô trong khi tô thì do méo miệng chực chờ sóng sánh đổ ra tay. Để được trên bàn gỗ rồi thì nó cũng hơi nghiêng, cứ như muốn đổ bớt cái nước chè màu đen thui tốn cả đồng bạc ra ngoài.
Chúng tôi cố bỏ qua mọi thứ để ăn cho xong rồi về thì hỡi ơi, cái muỗng múc lên chỉ múc được những hạt đậu chớ nước thì chảy long tong xuống tô, hoá ra họ đã dùng đinh đục thủng một lỗ, nhìn qua tô muỗng các bạn đi cùng thấy ai cũng vậy, trố mắt ngạc nhiên, đi tìm muỗng khác để đổi thì không ngờ họ trả lời cái nào cũng thế !nói trổng không là chống ăn cắp muỗng ! Thẩn thờ ngơ ngẩn một lúc rồi nhìn cái bàn toan tính cách ăn, bàn thì thấp so với chiều cao chiếc ghế đẩu bằng gỗ bởi bàn này dùng chung với bàn uống cà phê . Không thể để tô trên bàn mà múc ăn được vì nước sẽ chảy theo cái muỗng đục thủng một lỗ sẽ đổ tùm lum trên bàn hay trên áo trước khi đưa được vô miệng, còn nếu muốn chắc thì phải cúi đầu thấp như cách con vật ăn, để miệng người gần sát miệng tô, múc ăn ngay may ra bớt đổ. Chúng tôi tính nhanh rồi chọn cách dùng một tay bưng tô, một tay dùng muỗng múc xác hạt đậu trong chè ăn trước, ăn hết cái thì bỏ chiếc muỗng thủng lỗ ra, dùng hai tay bưng cái tô méo đưa lên miệng húp nước .
Trời ơi, bỏ tiền mua để ăn mà ăn như thế này là sao, ai là lãnh đạo đã nghĩ ra chiêu này họ đã tính là để không chỉ chống mất muỗng !
Chúng tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán ...
Việc lập đi lập lại nhiều lần sai trái, nói thì giỏi mà không chịu thay đổi để tốt dần lên thì sẽ gây cho nhiều người chán chường đến mức nếu ai không biết cúi đầu chấp nhận thì phải lảng tránh xa...
Sau này và đến tận bây giờ, cảnh cửa hàng ăn uống thời bao cấp không còn nữa thì tinh thần ấy vẫn không hề mất mà chuyển sang hình thái khác, ví dụ như đi đâu lỡ thuê khách sạn có thấy đôi dép cắt trước mũi một miếng nham nhở với mục đích như họ nghĩ là chống mất cắp, cũng nên bình thản xỏ chân, nếu cần ra ngoài đi dạo với đôi dép bị cóc gặm cũng đừng bực tức, bởi xã hội đã chấp nhận như thế bởi một bộ phận người ta muốn thế !
Không còn nhiều dịp đày đọa nhau nữa thì thôi đi, sao nỡ áp suy nghĩ của chính mình là vu cho người có ý đồ ăn cắp ? Đáng thương cho xã hội mải lo hô khẩu hiệu học tập suốt đời ...