Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Hùng Migon

" Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa..."
 Hùng Migon

      Cắt ngang đường Võ Di Nguy nối dài, xe lửa kéo một hồi còi chạy chầm chậm về hướng Cầu Hang, chếch xéo phía bên phải có con hẻm khá rộng, dạng hẻm cụt tựa một đầu vào hàng rào đường rầy xe lửa, hai dãy nhà lợp tole của khu gia binh quay mặt vào nhau, đầu bên kia thông với đường chính. Nhìn phía trái giữa hai cây gòn là cái miếu thờ ai không rõ, nhiều hỏa lò cũ bát nhang trang thờ ông địa bỏ tứ tung đằng sau, phía còn lại là khoảnh sân to cũng có một cây gòn lớn, tàng lá che một phần căn nhà kiểu cổ lợp ngói âm dương, trước hiên nhà là xe mì coi bộ tuổi đời cũng đã cao, tuy bánh xe đã hỏng phải kê trên bốn cục đá xanh đen nhưng các thanh gỗ đã lên nước bóng lộn chắc là do lau chùi tối ngày nên có màu đẹp như vậy. Các hình vẽ Quan Công Triệu Tử Long múa đao, Tề Thiên Đại Thánh đằng vân, Bát Tiên đi dạo kề bên con rồng con phụng trên những miếng kíếng còn sáng lóa...

     Bảng hiệu tuy cũ kỹ lòi rỉ sét nhiều chỗ vẫn đọc được rõ ràng tên tiệm Tuyên Ký Mì Gia sơn màu đỏ trên nền vàng. Vậy mà cả khu vực từ nhà thờ Xóm Thuốc đến tận ngả tư Bình Hòa không ai gọi đúng tên mà cứ gọi là Mì cây gòn. Mì cây gòn nổi tiếng lắm, buổi sáng xe đạp và xe gắn máy để tràn từ trước cửa tiệm sang miếu thờ, thỉnh thoảng một chiếc xích lô dừng lại bỏ khách xuống, khách vô ăn phải thiệt kiên nhẫn mới được vì ông chủ quán rất tỉ mỉ, trụng từng vắt mì nhẹ nhàng như tập khí công, chăm chút từng cọng hành trần trên bề mặt miếng xá xíu cho đến khi múa một vòng vá lớn khuấy múc chan nhẹ nước lèo vô tô. Bà vợ làm việc phía sau trong ánh sáng mờ mờ, căn nhà chỉ sáng rực khi A Múi đi học về, em tươi rói hồng hào như bước ra từ bức tranh tiên đồng ngọc nữ đi theo hầu các ông tiên râu dài dự tiệc bàn đào dán lên tường nhà... Hai anh con trai phụ việc, anh lớn lo bưng mì và sau đó tính tiền, còn anh nhỏ có cái khăn màu cháo lòng guộng bên lưng quần, sau khi lau bàn thì thỉnh thoảng trán có ra mồ hôi là len lén cúi xuống, lau luôn !

      Học trò sống ở khu vực Bà Chiểu Gò Vấp rất nhiều đứa biết đến hẻm Mì cây gòn bỡi thế hệ nào cũng có bạn bè xóm này, do là đến xóm này chơi thì rất vui mà lại tự do, lúc nhỏ thì cùng chơi chung đủ trò trẻ con, có phá phách cũng không bị ai la, lớn lớn chút xíu thì lấy chỗ tập đàn tập hát, lén trao thư tình rồi tập tành hò hẹn ... Ở khu gia binh nên cha đều là lính, bà mẹ nào cũng một nách lo cả bầy con nên ai mà quản con cho xuể ! Có bạn bè ở đây cũng tự hào lắm bỡi học chữ có thể không quá giỏi nhưng chơi món gì cũng giỏi, từ làm diều mùa hè làm pháo mùa Tết đến đá banh đánh lộn văn nghệ văn gừng kể cả đi lùng sục mua đồ cũ để tự sửa tự ráp đủ thứ ... Do ảnh hưởng lối sống của cha anh theo kiểu “huynh đệ chi binh” nên khi đã coi là bạn bè thì quý nhau lắm, nhà trong khu gia binh thì không giàu có rộng rãi gì nhưng bạn bè đến chơi tới bữa cứ lấy thêm chén ăn cơm, cần ngủ thì chen nhau trên chiếc đi văng như cá mòi đóng hộp là chuyện bình thường... 
      Tôi có người bạn khá thân ở đây, tên Hùng, như bạn bè cùng lứa hay có tên đệm dễ nhớ và đáng nhớ, thực lòng tôi cũng chưa hiểu sao có tên Hùng Migon. Chịu !

     Sau năm 1975, dân trong khu gia binh lo sợ lắm, hốt hoảng rồi tan tác như chim vỡ tổ, sau vài ba tháng mới tụ lại và buộc phải thích ứng dần rồi đi làm những nghề trước đây chưa từng làm. Hùng Migon phải nghỉ học thay cha đang đi tù cải tạo để phụ mẹ kiếm gạo nuôi các em, Hùng lanh lợi nên là người đầu tiên tiếp cận bộ đội bằng nghề bán cà rem, Hùng bán rất đắt hàng tuy khách gần như chỉ là bộ đội, sau một thời gian thì chuyển thùng cà rem cho thằng em trong xóm để đi mua đồng hồ seiko cũ, quạt máy Nhật, xe đạp thậm chí cả với xe Honda, tất cả đều bán cho bộ đội đã từng là khách cà rem đặt hàng ... Nơi Hùng đi mua chẳng phải xa lạ gì mà toàn là nhà người thân của bạn bè, tất cả đều rơi vào cảnh khốn cùng, nhờ Hùng bán dùm đồ nhà để có tiền mua gạo....

       Rồi cái lo sợ lớn nhất đã đến ! Sau hơn một năm vợ con bươn chải chống chọi để sống sót khi người đàn ông trụ cột của gia đình chưa biết ngày nào trở về, đùng một cái lại bị càn quét bỡi chiến dịch đưa người thành phố đi các vùng KTM, xóm hẻm Mì cây gòn tan tác tứ phương. Bỡi vướng lý lịch nên cả khu gia binh chẳng ai được làm việc gì chính thức có ăn lương nhà nước, trừ những gia đình bỏ nhà đi đâu không rõ thì số còn lại đều phải đi về vùng KTM, các tên miền xa xôi lạ lẫm Bù Đăng Bù Đốp Suối Tre Suối Nho Phạm Văn Cội Dương Minh Châu...trở thành tên gọi quen thuộc như tên số hiệu đi thăm nuôi K4, A30, T21 đã từng quen với dân có gốc hẻm Mì cây gòn...

     Chúng tôi thỉnh thoảng cũng còn gặp nhau khi Hùng có về thành phố mua bán gì đó, nghe kể là gia đình sống ở khu KTM gần một sóc người dân tộc ở Bù Đốp giáp ranh biên giới Campuchia, Hùng cùng đứa em kề thường đi bộ rất sâu qua bên đó đổi quần áo, vật dụng lấy bắp và sắn mì đem về ăn. Lần nào chúng tôi cũng ngồi bên hông quán Mì cây gòn, Hùng luôn cố tạo ra ánh nhìn vô cảm về hướng cuối con hẻm, nơi căn nhà cũ đã có chủ mới thể hiện qua cái sào rất lạ vì sào phơi quần áo lại để trước cửa nhà, áo quần phụ nữ tã lót trẻ con bay phất phới cùng với quần áo bộ đội, tôi nhìn theo rồi quay mặt ra đường Lê Quang Định vắng xe cộ gió thổi tung bụi buồn xo, tự nhiên nhớ bài mới học về định luật bảo toàn vật chất " Vật chất không tự sinh ra cũng không tự mất đi chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác " ...
      Vào những năm đó quán mì còn bán, ông chủ vẫn tỉ mỉ trụng từng vắt mì, vẫn anh lớn xớ rớ lâu lâu mới bưng một tô ra bàn, anh nhỏ vẫn với cái khăn màu cháo lòng guộng lưng quần đi ra đi vô chẳng làm gì, khác biệt lớn là tô mì có miếng thịt xá xíu bây giờ đã y như tên xíu tiếng Việt, nhỏ xíu ! 
       Một thời gian sau chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc, sau này nghe tin đồn từ người quen kể lại rằng nghe đâu người mẹ đã chết vì bệnh sốt rét, thằng anh dẫn mấy đứa em đi bộ vượt biên giới qua Campuchia không thấy trở lại, chẳng biết bây giờ sống chết ra sao...

     Năm 1979, gia đình ông chủ Mì cây gòn sau mấy lần chần chừ trì hoãn rồi cũng đăng ký đóng tiền lên ghe đi về cố hương, một kiểu vượt biên bán chính thức. Hôm ấy, căn nhà đổi chủ nhanh cấp kỳ, một người lạ, mặc quần tây áo bộ đội có đôi mắt quá nhiều lòng trắng đảo láo liên đến tiếp quản cửa tiệm trước khi cả nhà lếch thếch theo cửa sau thông qua hẻm Mì cây gòn đi ra đường Lê Quang Định để leo lên chiếc xe lam chờ sẵn. Đoàn người thất thểu chân bước mà đầu ngoảnh lại với nhiều đôi mắt đau đáu nhìn lên bảng hiệu Tuyên Ký Mì Gia. Tiếng đóng cửa bóp ổ khóa, ông chủ Mì cây gòn quay lại mắt mở trân trân, chết lặng !

    Hơn 20 năm trời, tuy không thuận đường đi làm nhưng tôi vẫn thường cố ý tạt ngang qua hẻm Mì cây gòn để được nhìn, để gợi nhớ bạn bè ngày xưa ...Cảnh cũ thay đổi chóng mặt, cả con hẻm khu gia binh nay đã gần mất dấu.
     Trong năm ấy có hai sự kiện liên quan đến hẻm Mì cây gòn. 

     Một hôm tình cờ tôi đi qua thấy cảnh đau lòng của ông chủ nhà mặt tiền đầu hẻm, căn nhà trước đây nguyên là tiệm Tuyên Ký Mì Gia, một thời gian sau khi ông tiếp quản làm chủ đã đập bỏ căn nhà cổ xây thành nhà lầu, bây giờ ông bị liệt nửa người, cô độc ngồi trên chiếc xe lăn do người làm đẩy, trên gương mặt tuy chưa già nhưng bệnh tất và đau khổ đã làm biến dạng, không ai lau giúp dòng nước mắt tuôn nghẹn ngào khóc tiễn đưa con trai khi xe tang dừng đậu trước nhà trên đường đi ra nghĩa trang . Đám tang nào không buồn nhưng buồn đến não lòng bỡi sự vắng lặng không kèn không trống, nỗi cô đơn của thân nhân người chết được chà xát thêm bằng sự thờ ơ của đám người hiện sống trong hẻm Mì cây gòn hôm ấy; Nhìn quanh, đạo tỳ còn đông hơn người đưa tiễn ! 
       Và tiệc hội ngộ Tất niên của một số người xưa cũ đã từng sống, từng có nhiều kỷ niệm tại khu gia binh hẻm Mì cây gòn tại nhà hàng Vườn Cau. Trừ tôi là người đã biết chút ít vì là người có góp sức tổ chức tiệc Tất niên này thì không một ai trong bữa tiệc tin được là người lên sân khấu nói lời chào mừng bà con hội ngộ lại là Hùng Migon ! Nhiều tiếng ồ xen tiếng huýt sáo cùng tiếng vỗ tay vang lên. Anh bảnh bao ở tuổi gần bốn mươi bên cạnh người phụ nữ xinh xắn mặc xường xám màu đỏ bordeaux có dáng đứng khép nép bẽn lẽn trông rất đáng yêu. Một tiếng ồ nữa lại vang lên khi anh giới thiệu vợ mình có tên khai sinh là Tiêu Bội Cơ, còn tên ở nhà chắc nhiều người còn nhớ, A Múi !
      Khỏi nói là sau đó mọi người tràn lên sân khấu ôm nhau, vỗ lưng nhau, nhiều đôi tay choàng qua vai nhau, tiếng cười nói xôn xao, đôi mắt nào cũng long lanh... tôi nhìn xuống phía dưới, có một bàn không ai đi lên sân khấu mà đều đứng dậy, hai ông trung niên mập tròn không biết nói gì cứ bối rối tay xoắn vào nhau chỉ mở miệng cười, còn ông bà già tóc bạc đang trả lời gì đó với một ông già khác rồi gật đầu, lấy mu bàn tay chùi nước mắt...
       Tôi biết chút ít thông tin về bạn mình nhưng không ngờ tin Hùng Migon chia sẻ sau đó làm tôi cùng mọi người trong buổi tiệc nhảy cẫng lên như chính mình trúng số : Hùng thông báo sau 20 năm làm việc và tích góp rồi phải chờ hai năm gần đây không ra mặt mà bí mật nhờ luật sư tìm cách mua lại căn nhà cũ, nay chính thức có căn nhà mà gia đình đã từng ở trong hẻm Mì cây gòn, đặc biệt hơn nữa là mua lại được cả căn nhà mà ngày xưa là tiệm mì có bảng hiệu Tuyên Ký Mì Gia !

      Mì cây gòn có sống lại hay chăng, hẻm Mì cây gòn được mấy người trở lại chúng tôi chưa cần biết, chúng tôi chỉ là một nhóm người xưa cũ đã từng sống, từng có nhiều kỷ niệm tại khu gia binh hẻm Mì cây gòn cứ tận hưởng, sự sung sướng và hạnh phúc kéo dài từ hôm Tất niên qua hết tháng Giêng mà trong lòng vẫn còn lâng lâng say men rượu mừng ...NĂM MỚI !

25 Tháng Chạp