“ Ngựa quạ mi ơi ! “
Năm lớp 12, là học sinh cũ bước chân vô trường cũ để học tiếp, lại được ghép vào lớp mới với cái tên khá “ choáng ngợp “ là lớp học sinh mới tập trung tu dưỡng dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, tu chưa được bao lâu thì trúng ngay dịch ghẻ ngứa …
Mùa đông năm ấy không hiểu sao lạnh và gió nhiều hơn mọi năm, mấy đứa học trò hay nói giỡn là bỡi gió tha hồ thổi thông thống qua cầu Hiền Lương !
Rồi tiếp theo là xảy ra dịch kỳ cục mà có quá ít người ngoài tầm ảnh hưởng : Dịch ghẻ ngứa ! Ghẻ tấn công không chừa ai, ngứa nhiều nhất những chỗ hở như ở mu bàn tay và trong các kẽ ngón tay. Lúc đó vào lớp thấy bạn bè ai cũng nắm chặt hai bàn tay xoắn qua xoắn lại như e thẹn điều gì mà không dám nói ra, thì ra là đang làm cho đã ngứa. Thầy cô trên bục giảng đôi khi cũng không thể nhịn ngứa nên cũng phải ...xoắn. !
Không có chó đành bắt mèo, nên được xúi dùng một loại thuốc nước gì đó màu xanh, mùi hôi hôi, xức vào làm hai bàn tay xanh lè lốm đốm, y như bị lem mực, bôi hoài nhưng cũng không hết ngứa. Tội nghiệp nhứt là những “bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa” của nữ sinh bị nạm đầy “ đá quý saphia” . Mà phải công nhận lúc bị ghẻ ngứa, xoắn hai bàn tay lại với nhau, vặn tới vặn lui đã gì đâu á, thiệt là sướng (!). Ngứa đâu chỉ trên hai tay mà còn trong mình trong mẩy, len lén không để ai thấy là thò vô gãi, bọn tui thường gọi là “móc guitar classique”!
Tu dưỡng thì tu dưỡng chớ tật cũ còn nguyên, nghĩa là trưa trưa chiều chiều gì cũng còn cảnh “ em tan trường về, đường mưa nho nhỏ ... “ . Bữa nọ làm cái đuôi chợt thấy áo dài cứ uốn éo, lắng tai nghe mái tóc thề này nói với mái tóc kia “ ngựa quạ mi ơi “ thì hai thằng tui đầu óc nguội ngắt, đi chậm dần rồi từ từ tan một chuyện tình ảo mộng !
Giá mà đừng vội vàng, bỡi tự nhiên loại ghẻ ngứa này cũng biến mất từ lúc nào không rõ.
….
Gần một năm sau, nhiều bạn có lý lịch khá gần gũi với giai cấp công nông được chọn để “ thoát ly” gia đình lên đường nhập ngũ, dép râu mũ cối đồng hành …
Rồi dần dần tui cùng vài bạn còn lại thuộc nhóm không đậu trường nào cũng phải lên đường “ thoát ly “ gia đình – nói gọn là đi làm công nhân ăn tập thể ở tập thể…
Mới xung vào giai cấp tiên tiến chưa bao lâu là dính tiếp dịch lác (!), ngồi đâu cũng lắc qua lắc lại, uốn éo như con lăng quăng cho bớt ngứa. Thời đó có loại thuốc đã quên tên, dạng sệt sệt có màu “ hẩm hẩm “ được nhập từ nước đàn anh xã hội chủ nghĩa không biết để chữa bệnh gì, nghe đồn cũng có thể trị được lác nhưng xức hoài cũng không ăn thua. Có bịnh thì vái tứ phương bèn thử nhiều cách, hết lá muồng đến nước thuốc lào vừa đen vừa hôi… Có câu chuyện xạo kể vui làm quà khi về phố thị cho bạn bè nghe – Có anh kia bị lác hỏi người bạn làm sao trị cho hết. Anh bạn chỉ cách về làm thịt con gà, lấy hai cái chân phơi nắng cho thiệt khô, khi nào ngứa quá thì lấy xuống, cào gãi cho đã ! Hay chuyện khác – thằng kia bị lác nặng đến nỗi phải chổng khu cho đứa khác xức thuốc vào mông, vừa xức thuốc vừa quạt phành phạch cho bớt rát. Tối ngủ gãi đít tróc mày, sáng dậy ra sân giũ chiếc chiếu, con gà nhảy vô ăn mắc cổ ngã cái rật, tắc thở ! Thiệt tình, nói nào ngay hồi đó hai cái mông công nhân đội tui như hai giề cơm cháy !
Rồi đến giặt đồ bằng xà bông cục cứng như đá, chà xát mạnh cũng ra chút bọt, bọn rệp khoái xà bông, chỉ hít mùi nồng nồng khét khét của xà bông đá mà nhanh cấp kỳ đẻ con đẻ cháu đông kinh hoàng, rệp ở mọi lúc mọi nơi từ giường ngủ, áo quần, mùng mền chiếu gối cho đến bàn ghế. Mỗi lần lấy cái vạt giường dộng xuống đất, rệp rớt lộp độp nhìn nổi da gà. Cái mùng vải màu cháo lòng luôn điểm trang mới bằng nhiều vệt máu ...
Tuổi thanh niên vừa thiếu ăn, vừa bị lác, ghẻ ngứa, vừa bị rệp cắn hằng đêm nữa. Đúng là mạt rệp.
…
Nhớ lại còn rùng mình nhởm chưn lông .
Than ôi, ai làm cho cuộc tình chưa chớm vội tàn ?
Mãi tới ngày rời giai cấp tiên tiến đi vô nam làm “ thơ” làm mướn tui vẫn chưa có được mảnh tình vắt vai, đích thị là do bọn thù địch ghẻ, lác, rận rệp gây ra, chính là lỗi của bọn chúng, chớ ai nữa ?