Tam Quốc Thư Hùng, tam quốc ơi...
Năm ấy, đi thực tập theo nhóm về nhiều công ty xí nghiệp, nhóm xuôi nam rải đều các thành phố xa nhất đến tận Cần Thơ nhóm ngược bắc chỉ đến Đà Nẵng là điểm cuối suốt mấy tháng liền. Khi về lại trường thì phải chờ đợi cả mươi ngày nửa tháng để trường sắp xếp lại lịch học cùng chỗ ở khác. Số là trong thời gian chúng tôi đi vắng thì có đợt tuyển sinh khoá mới, trường không ngờ học viên nhập học nhiều hơn sức chứa của phòng học lẫn KTX, làm mọi tiên liệu đều sai gây nên nhiều lúng túng ...
Thế là tự nhiên có được khoảng thời gian rảnh rổi ngoài luồng từ trên trời rớt xuống, tha hồ vui chơi “ngắm nghía và bình phẩm” các nàng học viên mới vô trường còn đầy nét dịu dàng, líu ríu ngượng nghịu dắt nhau băng qua “sa mạc cát “ vào mọi buổi chiều để ăn cơm để lấy nước uống, sa mạc ấy không cây gì mọc nổi, trừ vài ... cây si, mới trồng !
Đang đu theo hóng cùng lũ bạn đợi cơ hội để cuốc lỗ trồng, tin truyền miệng lan nhanh như điện xẹt, chưa giáp tuần mà ai cũng coi như đã biết tên biết dung nhan biết dáng biết hình gần đủ mặt nữ lưu khoá mới. Ví như là em Như Lan Mỹ Hảo “buồn ngủ”, Mai nhí “ demi gạc son” sao y bản chánh ca sỹ Thanh Mai , “ búp bê Kachiusa” Thanh Đào, em Hương “giáo chủ “, nàng Kiều Vỹ Loan “lộng lẫy” trong phiên bản mới của Thẩm Thuý Hằng, em Ngọc Ánh “ đá lông nheo “...vv... và ...vv...
Rồi thì một sự kiện nhỏ tuy âm thầm nhưng đã biến tôi cùng một số bạn bè tuổi con mọt mất cơ hội, chỉ nửa tháng chưa kịp trồng, khi ngoảnh lại đã thành kẻ ngoài cuộc, xót xa nhìn một rừng si !
“Công Tử” Quách Đình Lượng, con nhà Nam Tín lừng danh phố cổ nơi đất cũ PY xưa, bấy giờ thuộc tỉnh PK. Công tử Lượng vừa mang xuống trường một quyển sách bìa cứng sờn gáy, giấy đã ố ngả vàng, nặng kinh khủng bởi sách dày ước chừng hai nghìn trang, mới trông qua tưởng sách thuốc đông y !
Khi nghe đó là sách quý, biết được nó chính là một trong ba bộ tiểu thuyết cổ xưa nổi tiếng nhất thế giới cũng bởi từ miệng lớp trưởng Phúc “già”, người đã từng mài đũng quần vài ba năm nơi giảng đường đại học Luật Saigon bậm môi trợn mắt kể lại, kể xong anh còn mạnh dạn phán một câu xanh dờn - phàm trong cuộc đời nam nhi, để xứng đáng gọi là hiểu đời hiểu người cần phải đọc ít nhất một lần !
Nghe ảnh nói như vậy ai mà không nôn nao háo hức mượn đọc, thế nhưng, phải chờ ! - bỡi theo lẽ tất nhiên ảnh sẽ là người được đọc đầu tiên, mặc dầu như ảnh nói, ảnh đã đọc hai lần rồi (!), nghe vậy càng thèm càng ganh tỵ với ảnh rồi lại sợ bỡi đã sách quý là phải giữ gìn, sách thì dày như thế mà hoàn cảnh ở KTX không biết phải đọc làm sao ...
Việc gì đến rồi cũng đến, mắt tròn mắt dẹt trông ảnh mà bắt chước: Ngồi xếp bằng cung kính trên giường, tìm mền tìm gối xếp thật thẳng xong kê sách lên, cao vừa đúng tầm mắt, liếm đầu ngón tay lật nhẹ từng trang, Woah !
Sách quý thì cả lớp biết nhưng chỉ hơn một tá người xin mượn đọc.
Biết mình biết ta, biết khó tranh đoạt cũng không đủ kiên nhẫn chờ đến lượt, bèn dùng kế mọn là ... mượn sách từ sau 12 giờ đêm !
Từ ấy, đọc mê đắm ròng rã đúng một tuần liền
Từ ấy, ngày ngủ đêm thức, chưa kể thời gian phải đi canh chừng sắp đến giờ là tới đứng ngồi canh me chờ đứa kia đọc đến 12 giờ đêm là nhanh tay... na mang về luyện !
... Bóng đèn tròn đỏ quạch bởi luôn sụt áp vì quá tải lại treo gần sát trần nhà chiếu sáng mờ mờ lên trang sách ố vàng, vậy mà lật qua vài trang là quên hết chỉ còn con chữ nhảy múa hiện hình, có đoạn phải liếm ngón lật trang cho lẹ, tim đập nhanh ngửi được mùi máu phun, tai chạm tiếng binh khí hoà tiếng thét giữa tiếng ngựa hý trống trận giục thúc vang rền ... Khi đôi mắt nhoà muốn loà vào gần sáng, giật mình vì có người khều ... lấy sách, thần thờ một lúc rồi cơn buồn ngủ ập tới lập tức, vật ngã xuống giường .
Đó chính là quyển Tam Quốc Diễn Nghĩa, lúc ấy tình thiệt ham đọc cho nhanh là chính nên lật bỏ hẳn lời giới thiệu ở những trang đầu nên nào có biết tác giả là ai, chỉ nhớ người viết lời bàn là Mao Tôn Cương, bỡi ông này hay quá, bàn việc thì trên thông địa lý dưới rõ lòng người, lời bàn sâu sắc đến nỗi giá ổng sống cùng thời ấy chắc là giỏi hơn cả người giỏi nhất thời Tam quốc là Gia Cát Lượng ! Cùng thời ấy mà có thêm Mao Tôn Cương thì Gia Cát Lượng chỉ còn cách bắt chước Chu Du mà ngửa mặt lên trời than " Trời hỡi, đã sinh Lượng sao còn sinh Cương !".
Người dịch ra tiếng Việt trong quyển Tam Quốc Diễn Nghĩa văn tài phải nói là quá sống động, tuy chẳng rõ người dịch có nổi danh hay không nhưng riêng cái tên làm tôi nhớ mãi đến tận bây giờ : Mộng Bình Sơn !
Nhờ Tam quốc diễn nghĩa mà sau ngày về lại trường mới biết nhiều điều, mong gặp mà bái lạy ông thầy Lương dạy chính trị. Nói cho cùng nếu nghe và tin theo thầy thì thầy còn giỏi còn hơn cả Mao Tôn Cương - người chỉ biết bàn chuyện đã xảy ra, thầy Lương là người chuyên bàn về điều chưa thấy chưa hề xảy ra bất cứ nơi đâu, học viên hỏi những câu cắc cớ lẫn không tưởng, thế mà thầy im lặng suy tính rồi gục gặt đầu phun ra dự đoán chắc như đinh đóng cột, như là năm nào hoàn thành CNXH và bao nhiêu năm nữa sẽ lên chủ nghĩa cộng sản, lúc đó chỉ làm theo năng lực tha hồ hưởng thụ theo nhu cầu !
Hôm gặp lại ông thầy, người mà tôi đã từng có ý định quỳ lạy thì mới vừa thấy dáng khắc khổ với gương mặt nhàu nhĩ hợp cùng mái tóc muối tiêu xơ xác, tôi thấy thương và tội nghiệp thầy, cũng không biết sao lại chợt nhớ thuở theo đuôi người thầm thương lẽo đẽo đi vô nhà thờ nghe giảng, có nhớ được câu kinh lời giảng nào đâu, thế mà cái tưởng quên thì hôm ấy lại nhớ : Phúc thay những kẻ chưa thấy mà tin !
Khi trong đầu tiếng binh khí chan chát va đập vào nhau đã lặng, máu ở thủ cấp cũng ngừng rơi, tiếng trống thu quân vang lên, người nào được ngồi chỗ ấy nơi kinh kỳ hưởng lộc của bên thắng cuộc thì bộ Tam quốc diễn nghĩa cũng gấp lại sau trang cuối ... Tôi tiếc nuối thở dài, ngủ vùi ...
Xế chiều thức dậy ể oải bước chân về hướng “ sa mạc cát ”, trở lại giấc mơ khác về những bóng hồng và mong có chỗ đứng chen vào hàng cây.
Ôi ! Mới qua quá nửa tuần trăng mà hàng cây si đã thưa dần, cây thì hớn hở xanh tốt, cây thì ủ rũ héo khô ... Từ khi xem Tam quốc như đã thấy rõ tình trường như ... chiến trường, muốn được thiên hạ nếu không mạnh về võ nghệ thì phải giỏi về mưu kế, kể cả mưu hèn kế bẩn, còn dở cả hai mà được thì ắt là do Trời định !
Xét lại mình, e rằng nên chăng trồng cho lấy có và mong chờ ... trời độ !
Nghe đồng bọn kể lại rằng anh trai điệu nghệ khoá đàn anh, người đến từ Gia định thành, không biết trồng được mấy ngày mà rễ mẹ rễ con tua tủa, nhiều cây si ủ rũ tiếc hùi hụi, có kẻ chết đứng khi thấy anh tỉnh bơ đút một tay vô túi quần vào nhiều đêm trăng, những đêm không trăng thì ... có sao, men theo rìa “ sa mạc cát ” hướng về tiếng sóng dìu dặt sánh đôi cùng phiên bản người đẹp Bình dương. Còn em gái yêu kiều liên tục đá lông nheo với mọi chàng trai đi ngang qua làm anh nào cũng tưởng bở, mãi cho đến khi biết em ấy sống ở vùng nhiều gió cát nên có hàng mi dài che đôi mắt ướt luôn chớp chớp vì đã từng đau con mắt bên phải xốn con mắt bên trái lâu ngày thành tật, sau này không rõ ai đặt cái nick thiệt hay - “ nháy " ! Ánh “ nháy “ đã tay trong tay với anh học trò xứ Quảng đẹp trai ngang ngửa nằm giữa hai ông nổi tiếng Alain Delon và Don Juan .
" Sa mạc " sân trường bóng hồng vẫn còn nhiều lắm
Nhưng cây si tôi trồng ngày càng héo lá, chờ lâu cũng mỏi khi nhìn lại mình văn dốt võ nhát, ngửa mặt lên trời định hỏi, mà e trời khó độ mấy đứa khờ khờ ...
Thôi rồi, tam quốc ờ hờ tam quốc ơi !
Phú Đặng