Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Quê nhà trống rỗng



Hình như khá nhiều buổi chiều ngày thứ 6 hàng tuần, hai đứa tay xách nách mang hai ba món đồ từ trên chung cư xuống, gặp vài người đứng tuổi quen quen trong thang máy hay dưới nhà để xe cũng thường được nghe hỏi " vợ chồng bay dìa quê hả ? " 🙂 🙂
Cuối tuần về nhà, thành phố nơi làm việc chỉ xa tầm một trăm cây số, tuần làm việc năm ngày, đủ xa để phải ở lại, không ngủ nhà vỏn vẹn bốn đêm, thấy cũng bình thường mà cứ nghe hỏi lại tưởng như nhà mình xa lắm !
Quê nhà trong trang sách thời học trò là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi gia đình sinh sống, có cha có mẹ cùng bà con thân thuộc, có mồ mả ông bà tổ tiên, có vài ba cây dừa hay hàng tre đong đưa theo gió hòa cùng bờ bãi ruộng đồng với tiếng chim hót líu lo vọng xa đến tận bờ con sông nhỏ nước trôi lững lờ ...

Mùa dịch, chấp hành lịnh "ai ở đâu ở yên chỗ đó". Hơn bốn tháng liền ru rú trong phòng, ám ảnh từ tiếng còi xe cứu thương, ám ảnh từ tin tức trên các phương tiện truyền thông nên lo càng thêm lo.
Quê nhà tuy khác xa trang sách, quê nhà gần sát bên tưởng chừng vói tay là gặp bỡi cách nhau chỉ hai tiếng chạy xe. Quê nhà mùa này tưởng gần mà xa, quê nhà như mây trắng cứ trôi qua gần ngay bên khung cửa sổ !
Ở nhà có cha có mẹ tuy tuổi đã đổ về chiều nhưng còn khỏe mạnh, có em vẫn còn đi học, cả hai đều chưa đáng lo nhưng nỗi lo mùa dịch, sự rảnh rổi không mong muốn kéo theo nỗi lo vẩn vơ về quê nhà bản xứ.
Khi quê nhà là ở thành phố này, dòng sông con rạch nào cũng phải đổi màu đen nên bơi lội thỏa thích dù trong giấc mơ cũng là điều không tưởng, quê nhà khói bụi mù mù che khuất mây trắng tựa bông gòn bay trên nền trời xanh đủ hai mùa mưa nắng không né ngày nào, quê nhà đôi khi bước chân lạc mất con đường quen cũ bỡi đào xới, che chắn và di dời, quê nhà không còn mồ mả ông bà để viếng thăm khi tưởng nhớ, thay thế bằng hũ tro cốt lạnh lẽo sắp hàng san sát mới tinh dù không phải ra lò cùng lúc ...
Nhiều hàng cây có bóng đổ dài trên hè phố thời đi học nay đã trống vắng, huống hồ tiếng chim !
.
- " vợ chồng bay dìa quê hả ? " - " dạ " - dạ là xác nhận còn có quê mà về !
Rồi mai đây, cha mẹ già sẽ lần lượt khuất bóng, các yếu tố gần đủ để gọi nơi ấy là quê nhà không khéo được coi là ảo tưởng. Tờ giấy kỷ niệm đáng nhớ ngày giờ cùng nơi chôn nhau cắt rốn do bệnh viện cấp là giấy chứng sinh thì địa phương đã thu giữ rồi cấp cho tờ giấy khác, tờ giấy khai sinh vô hồn có đóng dấu đỏ ghi phường xã quận huyện tỉnh thành là nơi có hộ khẩu của mẹ ( ! ), rồi thời gian cũng lãng quên những thứ cần nhớ, đừng chỉ vin vào tờ giấy khai sinh làm tin, cố mà nhớ !
Các yếu tố tinh thần khác về quê nhà không chỉ là địa lý đơn thuần trên bản đồ, cái cần tồn tại luôn phải đánh mất từ từ, luôn bị đánh cắp đột ngột !
Cha mẹ mất rồi thì tổ ấm ngày nào cũng dần mờ phai, mồ mả dấu tích tâm linh cũng chẳng có, bơ vơ tội nghiệp khi một ngày nào đó, lúc xớ rớ buồn phiền đi tới đi lui nơi vừa quen vừa lạ, có nhớ lại câu " vợ chồng bay dìa quê hả ? ". Lúc đó mong rằng chưa phải đến nỗi buộc miệng thở than :
" Khi về dấu cũ mù tăm
Tôi tìm tôi giữa tháng năm phai mờ "
( trích thơ Nguyễn Sông Trẹm)