Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn

“ Chiều giông Mả Ngụy cũng giông
“ Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây
“Sống thời gươm bén cầm tay
“Chết thời một sợi lông mày cũng buông
.
“Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn .
( ca dao )
Trời cuối tháng Chạp lành lạnh, vật vờ đi bộ cho bớt căng thẳng khi từ đầu giờ chiều đến đây chỉ biết lo lắng đứng lên ngồi xuống chờ bên ngoài .
Băng qua đường, từ Cao Thắng xuôi theo lề đường đi như vô định, băng qua ngả ba ngả tư rồi còn biết né những đống tro do đốt vàng mã cúng đưa ông Táo về trời, tàn tro bay theo gió vương vấn dưới ánh đèn đường vàng vọt. Miếu thờ nhỏ bên phải đường nhang khói u uất, bó nhang mới cắm, bình bông còn tươi ...
.
Đêm về cuối năm ngoài đường người xe cũng thưa, băng qua ngả tư khá dễ dàng, lề trái đường Cao Thắng nối dài rộng rãi vắng vẻ, tôi ngừng lại đốt điếu thuốc nhìn về cuối hàng cây, ánh đèn đêm sâu hun hút, vô tình quay mặt hướng bên phải, nơi ban ngày là khu phố nức tiếng sang trọng Sendosa Garden với nhiều biệt thự cùng nhà phố kiểu shophouse lộng lẫy bây giờ đã đóng cửa nghỉ sớm. Ngước nhìn về đằng đông, vươn cao hơn hẳn những mái nhà đen mờ trong đêm là hàng loạt chung cư cao lớn đứng sừng sững, bóng in trên nền trời nhạt nhòa nhấp nháy, tôi liên tưởng đến hàng bia khổng lồ ai phục dựng nơi đầu Mả Biền Tru !
Gần nơi tôi đang đứng, hơn hai nghìn nhân mạng là tay chân bộ hạ thân tín, là lính dưới quyền của Lê Văn Khôi cùng dân chúng trong thành đều bị chém rồi vùi chung xác ở đâu đây.
Lòng oán hận lẫn tiếng than khóc ngút trời hai thế kỷ qua liệu được mấy oan hồn tan vào sương khói ?
Mả Biền Tru, Mả Ngụy dùng để gọi theo cách nhà Nguyễn muốn gọi chỉ nơi xảy ra cuộc xử tử tập thể rồi vùi lấp chung hơn hai nghìn người già, trẻ, trai, gái vì tội phản nghịch trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi dưới thời vua Minh Mạng.
Cánh Đồng Mả, Đồng Tập Trận hay Mô Súng do người Pháp chiếm được Sài gòn rồi tự đặt tên. Tên gọi cũ hay tên gọi nào cũng chỉ dẫn đến một nơi đầy oan khiên, tôi muốn khóc ...
Tôi khóc không vì tội lỗi nếu có hay không của ông Lê Văn Khôi hay vua Minh Mạng, bỡi sự phán xét là khôn cùng nếu nhìn từ nhiều khía cạnh của lịch sử.
Tôi khóc vì mới hai trăm năm mà nỗi đau hơn hai nghìn người, thây không nguyên vẹn đã vùi chung mấy ai còn nhớ, còn thương cảm !
Tôi khóc vì chỉ có nhân dân chớ chính quyền nào mà động lòng đến nỗi đau hằng nghìn người bị kết tội xử chết chém dù đã trôi qua hai trăm năm. Chỉ có đồng bào mới thương cảm đồng bào, họ đã lén lút làm ngôi miếu nhỏ thờ phụng những oan hồn chết thảm. Hôm nay tôi lang thang trên lề đường Cao Thắng, thấy bó nhang sưởi ấm linh hồn lạnh lẽo vẫn còn đỏ lửa ...
.
Ngài Nguyễn Du ơi, ngài từng than:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"
là ngài than vì sợ thế nhân quên ngài !
Thế thì đúng thật, còn gì khi chỉ mới “ nhị bách dư niên hậu “ mà mấy ai còn nhớ ? Mấy người còn khóc thương hơn hai nghìn nhân mạng trong thành Phiên An chịu án, cùng chịu vùi thây đầy oan khiên nơi này ?
Dẫu ai nhớ ai quên gì, ít ra trong lòng dân cũng còn có một miếu thờ nhỏ bé, tuy ngày thường nhang khói bữa có bữa không, chiều nay khói hương bay vấn vương quanh bình bông vạn thọ cũng đỡ tủi nhiều hương hồn hoang lạnh ...
Thế thì có cần chờ đến sau hai trăm năm như Mả Nguỵ, Mả Biền Tru đã ra bình địa để thành đất vàng đất kim cương xa hoa, ai nhớ ai quên ? - Nỗi đau lớn mới xảy ra tức thì : Hơn hai mươi nghìn nhân mạng già trẻ gái trai tử vong trong một kỳ dịch hại, hơn gấp mười lần số người vùi thây nơi đây liệu có nơi nào thờ phụng chung chăng ?
Thế thì sau hai trăm năm, từ thành Phiên An cũ sau vài lần đổi tên, nỗi đau mất mát ngày nay đã nhân lên gấp mười lần, hơn hai vạn đồng bào mình không ai được ra đi êm đềm, mồ mả ai có mà hỏi nơi nao ? Hay tất cả chỉ được xếp hàng chờ để hóa thân thành tro bụi sau khi chịu đựng đớn đau về thể xác, bồi thêm nỗi đau về tinh thần giống như hai trăm năm xưa ? Giờ phút lâm chung chẳng ai có thân thích bên cạnh, chẳng có lời cầu nguyện an lành nào khi rã rời tơi tả đi về cõi vô cùng !
Không có nắm mồ nào làm vật chứng dấu tích ngoài bình tro cốt gởi tạm đâu đây nơi cõi tạm ...
.
Mả Nguỵ, Mả Biền Tru là dấu tích nơi có người ra lệnh giết hết rồi vùi lấp, hôm nay ai nhớ ai quên.
Hằng vạn hũ tro cốt cùng nỗi đau thương xót xa này chắc là không ai ra lệnh, há dễ phôi phai hay ai rồi cũng sẽ quên luôn ?
Ngậm ngùi tìm chỗ trú, nhìn quanh :
“ ... Thương thay Mả Nguỵ mưa tuôn ! “