Chuyện tầm phào số 18:
Phụ huynh chúng ta giỏi thật !
Sáng chủ nhật, trời trong veo nhưng lòng tôi thì không. Chị tôi năn nỉ: “ Cậu đi họp phụ huynh cho cháu, chị được cho tăng ca. Khi cô giáo bàn chuyện quỹ lớp thì cậu cố ngồi im, nói gì ra cũng chỉ tội cho Vân Anh thôi !“
Cũng hồi năm kia, chỉ vì “quỹ lớp” che dấu bỡi từ “tự nguyện“ đã ám ảnh tận bây giờ còn rùng mình. Lo lắng chờ nghe phán giá của “quỹ lớp“ chẳng khác gì lo lắng né mìn cóc 652A che giấu dưới lớp lá khô ở chiến trường Kam !
Nhưng việc gì cho Vân Anh là nên làm, tôi đến cổng trường mà trong đầu vẫn luôn tự kỷ ám thị : Bịt mồm giữ miệng làm khán giả ngoan ngoan ngoan …
Cô giáo bước qua cửa lớp, dáng người nhỏ nhắn nhưng quyền uy ngút trời. Chỉ cần ánh mắt cô lướt qua, cả phòng im lặng, tiếng cựa quậy khe khẽ của ai đó làm chiếc băng ghế gỗ ngang nhiên kêu cót két! ... “ Kính thưa các bậc phụ huynh!” – cô giáo bắt đầu, giọng ngân nga như một ca sĩ vừa bước lên sân khấu. – “Năm nay, lớp chúng ta sẽ phấn đấu trở thành lớp kiểu mẫu. Nhưng để làm được điều đó, không thể thiếu sự đồng hành hợp tác của quý vị....”
Tôi chưa kịp tiêu hóa hết câu “đồng hành hợp tác” thì mắt đã dừng lại trên bảng đen. Cô đã viết sẵn nội dung buổi họp: “ HỘP PHỤ HUYNH – QUỶ LỚP”.Tôi dụi mắt, thầm nghĩ: “Không lẽ cô giáo này viết sai chính tả? Ai sửa hay đây là một ẩn dụ sâu sắc mà đầu óc hạn hẹp của tôi không hiểu nổi?”
Chương trình họp sau phần điểm danh phụ huynh của học sinh là nhanh chóng chuyển sang phần kêu gọi tài trợ.
Một phụ huynh đứng lên đầu tiên. Anh ta mặc vest sáng màu không đeo cà vạt, đứng lên co tay mắt liếc nhìn chiếc đồng hồ sáng loáng , rồi mới cất giọng sang sảng: - “Khoản đó cô giáo đừng lo, cứ để tôi tài trợ bảng tương tác thông minh cho lớp. Cô nói phải đó, trẻ con thời nay phải học công nghệ cao!” Chưa đầy 10 giây sau, một phụ huynh khác – chị Lan, tóc uốn lọn và đeo khá nhiều nữ trang ánh lên mặt mày bóng lưởng – vội chen vào: “Bảng tương tác có cần hay chưa cũng cứ nên có! Năm ngoái tôi đã tài trợ náp - tốp rồi, năm nay tôi tài trợ thêm máy chiếu đồng bộ cho các cháu học theo chuẩn bốn chấm không. Các cháu học trên nền tảng kỷ thuật số mới phát triển trí tuệ được.”
Tôi ngồi trong góc, nhìn lại chiếc áo sơ mi hơi nhàu của mình, tự nhủ: “Phụ huynh bây giờ cũng nhiều người giàu, ai cũng giỏi thi đua”. Khi cô giáo hỏi thêm ý kiến, tôi định nói tôi có thể góp vài quyển sách hay cho thư viện nhưng lời chưa kịp thốt ra đã bị chìm trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt cho một đề xuất tài trợ rèm cửa chống nắng từ một phụ huynh khác bị bác bỏ thẳng thừng thay bằng ai đó xung phong tài trợ máy điều hoà không khí cho phòng học ...
Đến phần bầu hội trưởng hội phụ huynh, không khí tạo căng thẳng với đủ bộ tịch đầy kịch tính như phiên họp quốc hội được trực tiếp truyền hình !
Cô giáo nở nụ cười ngọt ngào, quay sang chị Lan: “Chị Lan năm ngoái làm hội phó rất tốt, tôi nghĩ chị nên đảm nhiệm vị trí này.”Chị Lan đứng dậy, giọng lảnh lót: “Ôi, em xin, em thì có làm gì được đâu. Tất cả là nhờ sự chỉ dẫn chỉ đạo của cô giáo. Cô đúng là người mẹ thứ hai của cháu! “ Nhưng chưa kịp ngồi xuống, anh mặc vest đã vội đứng lên: “Khoan đã! Tôi nghĩ chức hội trưởng nên để người có quan hệ rộng. Tôi từng làm việc với hiệu trưởng trường quốc tế XYZ, nên sẽ dễ dàng kết nối các dự án lớn.”Mọi ánh mắt dồn về phía cô giáo, chờ đợi sự phân xử. Cô mỉm cười, nụ cười mà tôi tin là có thể làm rã đông cả một tảng băng: “ Tôi nghĩ hai anh chị nên trao đổi thêm ngoài giờ họp nha... “
Rồi cũng đến phần mà tất cả đều đợi chờ trong sợ hãi: Thu quỹ lớp. “Quỹ lớp là tự nguyện, nhưng để các cháu có điều kiện tốt nhất, phụ huynh chúng ta nên tự nguyện để thống nhất ... cao !” – cô giáo tuyên bố bằng giọng chắc nịch, như thể vừa ban ra một điều luật. Chị phụ huynh ngồi bàn đầu vội đứng lên, nói lớn: “ Năm trước quỹ lớp là 2 triệu, năm nay vật giá tăng cao, tôi tự nguyện đề nghị tăng lên 3 triệu một cháu.” Cô giáo vỗ tay và lác đác có vài phụ huynh vỗ tay theo rất to. Có anh phụ huynh ngồi cuối lớp, giơ tay rụt rè: “ Cô ơi, tôi làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh, không biết có thể tự nguyện đóng ít hơn không ạ?” Nụ cười trên môi cô giáo lập tức biến mất. Giọng cô trở nên sắc lạnh: “Chúng ta đều muốn con mình có điều kiện tốt nhất, đúng không? Nếu phụ huynh nào không đóng góp đủ, e rằng các cháu sẽ bị thiệt thòi. Tôi cũng rất khó xử.” Phụ huynh nọ cúi mặt, không dám nói thêm. Tôi nhìn anh, lòng thầm nghĩ nên chăng nói cho ảnh hiểu: “Ở đây chẳng ai tự nguyện cả. Chỉ diễn vở kịch mang tên tự nguyện thôi.”
Buổi họp kết thúc, cô giáo tươi cười tổng kết: “Cảm ơn các bậc phụ huynh đã ủng hộ nhiệt tình. Tôi tin lớp ta sẽ dẫn đầu toàn khối!
Trên đường về, tôi đã từng choáng váng khi đi họp phụ huynh từ năm kia, năm nay dạn dày sương gió, làm mặt lì ngồi im thin thít nhưng không khỏi nghĩ suy: Chị tôi cần mẫn đi làm thường xuyên mà luôn phải năn nỉ xin tăng ca thêm bất kể giờ nào cấp trên cho. Đồng tiền ít ỏi nhận lại, một phần đã bổ sung vào nơi để chứng minh mình cũng còn nằm trong nhóm ... phụ huynh chúng ta, giỏi thật !