Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

37. SƠN ĐỪNG - XUÂN ĐỪNG & XIN ĐỪNG !


Khoảng 1978, Bùi Giáng đi đâu cũng mang trên lưng một hòn đá.
Có người thấy ông nhỏ con ốm yếu nên hiếu kỳ hỏi :
“ Ông mang hòn đá chi vậy?"
“ Nếu không có hòn đá nầy tui đã bay đi xứ khác rồi " 😞 😞 😞
SƠN ĐỪNG - XUÂN ĐỪNG & XIN ĐỪNG !
Cũng năm 1978 chúng tôi trầy trật leo lên chiếc ghe chài từ Vạn Giã đi ra đảo Khải Lương, thành viên đoàn còn đang mặc áo học trò lúc bấy giờ chỉ còn lại tôi và Cao Tấn Thành ở Saigon, hai anh Phạm Đình Tài cùng Quách Đình Lượng đã kịp sung vào " đại đoàn boat people " vài năm sau đó rồi định cư luôn ở Hoa Kỳ, anh Võ Đặng Tươi thì về lập nghiệp nơi vùng đất "nắng như Rang gió như Phan"... Cùng đoàn còn có anh Nở "cao như cây trụ điện", anh Minh chuyên gia "săn cá" bị cá đuối gai đâm, tay sưng ú ù và anh Châu "xã đội" chịu trách nhiệm chính dẫn đường - anh ấy nay đã ra người thiên cổ !
Đảo rất to, những vịnh hẹp ven bờ là những rạn san hô rất đẹp, chúng tôi đóng vai y như đám con nhà tư sản còn sót lại sau lần cải tạo công thương nghiệp, vừa đến nơi là tha hồ vùng vẫy lặn ngụp khám phá tầng tầng lớp lớp san hô xa gần nông sâu với nhiều đàn cá đa sắc đa hình tung tăng bơi lội giữa quang cảnh lộng lẫy xứ thuỷ cung, khi bụng đói và tay chân đà ngấm lạnh chúng tôi mới chịu quay về bến. Khu dân cư nằm kề bên bến tàu Khải Lương rất đông đúc và sầm uất, tuy sống sát biển làm nghề biển là chính nhưng lại mang rất ít hình ảnh của một làng chài truyền thống chúng ta thường gặp, nó giống một thị trấn nhỏ ven biển nhiều hơn.
Thủa ấy, nghe kể từ xa xưa trên đảo đã có truyền thống làm nghề lưới đăng cũng gần hơn nửa ... trăm năm (!) , nghề này cần rất nhiều kinh nghiệm nên có những lão ngư giỏi đến mức giữa muôn trùng sóng nước mà đoán được đường đi của cá để tổ chức đặt lưới đón " lõng " buộc cá bơi vô " rọ " . Nghề đăng dùng lưới dài và rộng, mắt lưới lớn nên đã trúng mùa thì bắt toàn cá thu cá ngừ con to nguyên bầy, nhiều đến nỗi mỗi lần kéo lên phải dùng vài ba tàu gỗ to máy lớn vận chuyển vào bờ mới kịp hết cá, làng nghề năm nào cũng làm ăn phát đạt nên kéo theo phần lớn người dân trên đảo cũng khá giả, rồi thì như mọi ngành nghề, vài năm sau 1975 cũng buộc phải vô tập thể, là HTX hay tập đoàn gì đó kêu tên na ná như là... gì gì đó Lưới Đăng Khải Lương !
Nghe đâu vài năm sau thì kiểu làm ăn này cũng rã đám bỡi ngư dân bắt được bao nhiêu đều phải bán cho bên thu mua, mà nhà nước thì rất giỏi trong học tập kiểu đón " lõng " của ngư dân, đặt trạm thu mua cá ngay đầu bến không sót một con theo giá " tay không bắt giặc " , mà lưới cùng ngư cụ hư hao thì không có để thay thế, còn tìm đỏ con mắt cho ra thì có giá " trên trời", ngư dân càng làm càng đói càng nghèo... Có nhiều người nhanh nhạy đã nghĩ ngay đến đoàn tàu cá vừa to vừa nhiều chuyên phục vụ nghề lưới đăng rất thích hợp chở người đi vượt biên số lượng lớn (!)
Ừ, thì ba bước đà ra biển lớn, chớ mấy !
Tàu thuyền vắng dần
Dân thưa hẳn ...
Bốn mươi năm sau, hè năm nay chúng tôi đi bằng đường bộ ra bán đảo Đầm môn nằm trong vịnh Vân Phong . Đầm môn gồm nhiều đảo lớn nhỏ, có rừng nguyên sinh, phong cảnh núi cao kề bên biển xanh hữu tình, biển êm có nhiều rạn san hô nên lắm cá nhiều tôm, có nhiều làng chài như là Đầm Môn Hạ, Đầm Môn Thượng, Khải Lương, Sơn Đừng... Lúc này mới biết Khải Lương không hề là đảo mà là phần đất vươn ra biển nối tiếp với đất liền thông qua bán đảo Đầm môn. Sơn Đừng hiện nay là điểm cuối có con đường nhựa mới làm xuyên qua vùng cát hoang vu từ hàng trăm năm qua không bóng người đi, nay xe có thể chạy " một lèo" là nối liền với QL 1A tại chân đèo Cổ Mã...
Đã đi qua vài chỗ thì thấy có nhiều nơi " tự coi " là nơi cực đông của đất liền để thu hút khách du lịch hay làm chất gây nghiện check in của các bạn trẻ đi phượt . Ngẫm cho cùng, tinh thần " tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu" của ông Bút Tre luôn đúng với mọi không gian và thời gian, 50 năm sau câu ông nói vẫn nhiều địa phương quyết theo để được tiếng ... nhất, mọi thứ ! Hồi chưa đến đây mà đi Mũi Điện Vũng Rô cũng thấy trụ xi măng khắc ghi tọa độ cực đông, còn tại Mũi đôi Hòn đầu gần Sơn đừng cũng có trụ khắc ghi rất rõ..., nghe đâu bên nào cũng nói bên mình đúng, có kẻ thức giả bên kia đèo Cả đã từng "ê a" giải thích nơi đón bình minh sớm nhất vì đường kinh tuyến đi.. xeo xéo theo mùa hè hay mùa đông gì đó, người dân thường có nghe cũng không hiểu gì đâu (!), có người bên nay đèo thì chỉ gãi đầu, cười trừ (!). Hãy đợi đấy, nay mai mở đường tiến về phía đông xa hơn, nơi để gọi điểm cực đông trên đất liền hay nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền, biết đâu có thể là ... Khải Lương !
Vạn vật bất biến nhưng đặt tên là ... tùy biến !
Lớp người ra đi gần ba bốn mươi năm trước cùng con cháu không còn đường quay về chốn thiên đường xưa để sống cùng kỷ niệm cũ, giấc mơ cuối đời chăm nom mồ mả ông bà và chọn chỗ cho mình, hết cửa thì cũng đành (!). Chỉn e hàng nhiều đời ngư dân sống chết cùng sóng biển Vân Phong cũng mất luôn chỗ chứ nói chi sự mất đứt của người Đàng Hạ, dẫu rằng họ trú ngụ nơi đây hằng mấy trăm năm !
Vạn vật bất biến nhưng khi cần là, ... biến !
Ôi dào, đất nước trọn niềm vui, khéo lo !