Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

Thạch Càdây


                                                      Thạch Càdây

     Tôi về Dù Tho nhận nhiệm sở, bao nhiêu háo hức lạ lẫm sau những ngày đầu đi thăm phố xá xa lạ ở một phần của đất Nam kỳ phai dần. Thị xã nằm gần cuối sông Hậu trông cũ cũ, buồn buồn, đi đâu cũng thấy hình ảnh chầm chậm trôi như lục bình mùa hạn, thời gian như dài thêm có cảm giác mọi thứ chờ tan biến ...



    Đi qua ngôi chùa cổ tĩnh lặng trong chiều hôm, hàng cây cao đứng yên nhìn mây trắng trên đầu bay về hướng hoàng hôn, những con dơi treo mình dưới tàng cây ngủ vùi trong đôi cánh xếp, nét kiến trúc mái chùa cong cong màu nâu đỏ, bên dưới nhiều miếng ngói đã chuyển sang nửa màu nâu đất nửa màu rêu, những pho tượng đá sa thạch xám đặc trưng Khơ Me mờ tối tạo nét hoang phế tiêu điều thêm bỡi khoảnh sân lót gạch tàu vỡ cạnh còn nguyên vết rêu phong từ mùa mưa trước, cỏ dại mọc bò liếm qua khoảnh sân chùa úa tàn khi gió mùa khô bắt đầu thổi qua, mùi phân dơi từ đầu gió hăng hắc khai khai ...


    Giật thót mình giữa thời khắc vắng lặng, thình lình tiếng vỗ cánh mạnh của con chim nào đó vụt bay lên kèm kêu tiếng ré thảng thốt chát chúa, vài trái khô khốc màu xám đen tròn tròn vừa rớt lộp độp chen đầy khoảng sân sau không ai quét, ba vị sư già nua nước da khô nhăn nheo ló ra từ chiếc áo cà sa vàng đậm bước ra sân nhìn sự vật bằng đôi mắt xa xăm chẳng biểu hiện ngạc nhiên gì với khách lạ rồi theo hàng một bước nhẹ như chiếc bóng về hướng hậu liêu cuối sân chùa.


     Quang cảnh buổi chiều cô liêu đã ám ảnh làm cho cái nhìn càng bi quan đến nhiều nơi khác ở vùng đất này. Đi ra khỏi ngôi chùa cổ, tôi lang thang trên con đường dài rồi quẹo trái theo một đường đất đỏ rải đá xám lởm chởm, xóm người Khơ Me này toàn nhà lá vách lá, trống trơ trống hoác, ruộng vào mùa hạn còn vài bụi lúa đang chết khô cắm trên vũng sình đặc quánh, đất nứt nẻ phô bày sự cằn cỗi mệt nhọc, nhìn quanh không có dấu hiệu nào thể hiện người dân có làm nghề gì khác. Đàn ông ngồi chồm hổm nhìn ra đường hút thuốc, xà rông cũ sọc vàng nâu, làn da khô khốc cũng màu nâu mốc cời, họ làm gì để sống khi đám ruộng đã khô phía trước, có thể sẽ đi làm mướn làm thuê khi nào đó, tôi nghĩ thầm hổng chừng họ chờ ngày lên chùa đi tu hay thanh thản chờ thời khắc đi qua kiếp khác !

...

Chính nơi này tôi được gặp Thạch CàDây, cô học trò ở lớp bổ túc ban đêm, em theo chương trình một năm học nhảy ba lớp. Nhìn sâu trong đôi mắt to tròn đen láy biết bao nỗi niềm, hiện tại và quá khứ đan xen nhau mà chưa bao giờ ai có thể lý giải được …


    Chính em, một đêm trăng rằm tháng 3 
    Tôi ngồi nhớ lại và viết lên bài thơ này :
CHOL CHNĂM THMÂY 

Rồi em : Tóc xỏa môi cười
Mắt đen lúng liếng mắt cười hoang sơ...
Chân giữ nhịp tay đong đưa
Bàn chân trần nhỏ bước đùa cùng trăng
Ôi ! Chol - Chnăm - Thmây - Sóc Trăng...

Em giờ bao tuổi, mừng tuổi mới ?
Tôi nhớ năm nào ... khoảng mười lăm!
Cũng cười cũng bước theo nhịp trống
Lóng ngóng chân trần, trăng tháng ba
Đôi mắt long lanh nhìn kẻ lạ
Cũng đủ hớp hồn khách phương xa...
Long lanh đôi mắt sâu thăm thẳm,
Quá khứ nào về từ ngàn năm ?
Đôi mắt cười rất lạ:
Thuở hồng hoang xa xưa ?
.....

Ta về
Đôi mắt người đưa tiễn
Trăng trát vàng đường hẻm vắng tanh
Một màu vàng rực trong ký ức :
Mắt long lanh hay sương long lanh ?