Mưa xuân vẫn bay đều nơi ấy ...
Rời phi trường, chiếc xe lăn bánh trên mặt đường đẫm ướt như cơn mưa nào qua đây vừa dứt hạt, bầu trời bảng lảng mù sương, ở giữa đường là dải phân cách khá rộng người ta trồng hoa, hoa bé nhỏ nở đều rắc một màu vàng nghệ lên nền lá xanh mướt. Chúng tôi vừa đặt chân đến “ xứ hoa vàng trên cỏ xanh” vào sớm mai một ngày xuân muộn ...
Lập xuân gần ngày Nguyên tiêu nên tuy đã qua Giêng mà khí trời cứ như ngày Tết, gió từ biển từng cơn thổi dạt theo bãi bờ con sông, thổi trơ cồn nổi lau lách lơ thơ trên cát mù mù trong sương sớm, chúng tôi đê mê thưởng thức không nói không rằng mãi cho đếnj khi cái gạt nước khuấy động bởi cơn mưa nhẹ làm mờ .
Qua An Nhơn, do nằm trên trục đường nên cả đoàn ghé viếng ngôi chùa đã từng nổi tiếng nhiều điều, tuy là chùa nhưng hình ảnh đã từng nghe nói đẹp tựa Phượng hoàng cổ trấn ở Trung hoa, tiếng tăm thì lừng lẫy vang vọng tận kinh thành. Thế mà giữa tiết xuân lại khá vắng bóng người, mặt tiền sân đậu xe to rộng chỉ thấy lẻ loi vài chiếc, bên trong chùa như một khu phố cổ với lầu các, đền đài tường nâu cột tròn mái cong, hoa viên uốn lượn tiếp theo hồ sen nước trong xanh soi bóng, vắng hẳn tiếng bước chân người ... Ngẫm ra nơi thanh tịnh hồi xưa nghĩ ngay đến chùa chiền, ngày nay chùa chiền là tụ hội xa hoa, rồi cũng bị nhiều tác động của
những sự kiện vu hồi !
Quay về hướng biển, núi hai bên đường xô nghiêng theo chiều gió chở mưa, xe chạy ngược người nhìn ngang cứ trôi dần về phía ánh mặt trời cố rọi xuyên qua mưa bụi bay bay .
Đường ven biển qua huyện Phù Cát, cát nhiều y như người xưa đã chọn đặt tên, đường mới mở trên nền những động cát trải dài theo bờ biển, từng đụn cát nhấp nhô, chồi dương non mới trồng chưa hình thành ra rừng dương hay ra rặng phi lao nhằm chắn cát, cát thấm ướt nên hằng muôn triệu hạt mưa xuân đã thay bụi cát bay theo gió biển thổi mờ quang cảnh phía trước. Bỗng xa xa trong mưa trong sương nổi lên một pho tượng Phật màu trắng lơ lửng giữa trời hoà quyện vào mây, càng đến gần càng rõ nét, tượng Phật Thích Ca to lớn sừng sững giữa muôn trùng rừng núi sau lưng, nơi dãy Trường Sơn đã đuối sức cứ phải thấp dần để đi về phía biển... Còn thiền viện Thiên Hưng, nghe đâu như là chi nhánh 2 của chùa trên, tuy đang xây dựng nhưng đã tận dụng khai thác dần, phía đằng sau còn ngổn ngang chưa xong, nghe nói khi hoàn thành sẽ to không tưởng !
...
Theo đường Trường Sa phía hữu ngạn sông Trà Khúc, chúng tôi từ thành phố Quảng Ngãi xuôi về biển, qua sông với mong ước tìm lại dấu xưa : Cổ luỹ Cô thôn - nơi từng có một cảnh sắc tuyệt vời tựa tranh thủy mặc với hàng dừa cong đổ bóng bên sông ung dung đứng nhìn chiếc cầu phao bằng tre dập duềnh và những chiếc sõng con con cùng vài bóng người lặn hụp xúc đãi con don con hến. Cổ lũy Cô thôn nơi còn có hằng hà đá tảng lô nhô bên sườn núi, gió biển và mưa mùa bào mòn phần lưng bạc phếch vẫn trơ mình ngóng sông hóng biển. Cổ luỹ Cô thôn, địa danh đã được khắc vào cửu đỉnh cùng với nhiều thắng cảnh của đất nước để trưng bày trong đại nội kinh thành Huế... Thế mà tất cả đã đổi thay, tầm nhìn hướng về Cổ lũy Cô thôn không còn dấu vết nào, tầm mắt buộc phải hướng về núi Thiên Mã, núi nay như bé lại, lưng cõng một ngôi chùa to mái lợp bằng ngói đen sắc lạnh, phía trước xây dở dang một trụ bê tông vừa cao vừa to chưa rõ để làm chi, trông xa tựa cột chống trời .
Mưa xuân vẫn bay bay, du xuân thì khó lòng đủ thời gian để viếng vài ba kiểng chùa dẫu chỉ mới vừa đi qua hai tỉnh duyên hải miền Trung trên trục lộ chính. Tiết lập xuân thì ngắn mà chùa thì dày và to...
Mùa xuân đi rong chơi do tình cờ có người nhắc ghé lại thăm chùa, chỉ ghé lướt qua mà sao trong tâm đầy xáo động !
Phú Đặng