Món ăn từ quá khứ - khoai lang chà
Đi học giữa thời bao cấp ở nội trú thì cái ám ảnh nhất là... đói !
Trừ hai bữa ăn lưng lửng lấy có mỗi ngày để uống nước vô cho bụng óc ách gọi là no thì sáng trưa chiều tối gì cái bụng cũng đều trống rỗng. Đêm đã khuya thường không ngủ được vì một cái bịnh hành hạ : Đói !
Trừ hai bữa ăn lưng lửng lấy có mỗi ngày để uống nước vô cho bụng óc ách gọi là no thì sáng trưa chiều tối gì cái bụng cũng đều trống rỗng. Đêm đã khuya thường không ngủ được vì một cái bịnh hành hạ : Đói !
Phòng tập thể ở nội trú thời ấy " bỏ rẻ " cũng chen chúc không dưới 12 " trự " thì thế nào cũng có vài tên gốc ... khu 5 ! Mà mấy đứa thuộc "5 eo" như tụi tui đa số thuộc thành phần nghèo ... chí tử, nên cả năm trời không thấy thằng nào nhận được đồ ăn tiếp tế từ quê nhà. Mỗi năm có hai dịp đi về quê là hè và Tết, quà đem vô cái gì không cần biết nhưng chắc chắn là ăn hết nhanh cấp kỳ ! Thường thường chỉ còn lại món chứa trong lon guigoz dự trữ là ... khoai lang chà !
Nửa đêm đói quá, khều được thằng bạn còn khoai lang chà đem ra hành lang cứu bồ là cả bọn ngồi tụm lại, dùng cái muỗng - vật bất ly thân của dân ở tập thể - múc từng muỗng nhỏ nhai trệu trạo, nước miếng hòa những hạt vụn lổn nhổn khoai chà, lúc đầu còn cứng từ từ mềm rồi đến lúc trong miệng hình thành một lớp bột ngọt ngọt bùi bùi như chè bột mịn thơm thơm ... Miệng nhai đà mỏi, bụng bớt réo sôi là vội vàng uống nước một hơi dài, vươn vai khoái trá leo lên giường tầng nằm đợi giấc ngủ. Đôi khi trong mơ mùi nắng mùi gió len vào mũi, hình ảnh rõ nét cảnh mẹ già ngồi lựa từng củ khoai lang, gọt phần bị sùng ăn cho heo cho gà, phần còn tốt xắt lát phơi khô để giành cho mùa giáp hạt, củ nào nhỏ nhỏ bỏ sang cái rổ con bên cạnh để độn cơm chiều và cái thúng bung vành chứa mấy củ mập mạp trơn láng, đợi lúc rảnh làm khoai chà cho con ...
Cạo sơ lớp vỏ lụa bên ngoài, rửa sạch luộc chín, luộc làm sao khi khoai chín cũng là lúc nước trong nồi cạn hết để khoai khô ráo, không bị nhão khó chà rồi phải phơi lâu qua hai nắng, màu sẽ thâm đen mùi thơm cũng mất. Khoai luộc xong để nguội, bỏ lên cái sàng bằng tre đan có mắt nhỏ, tiếng địa phương gọi là cái dừng, dùng tay chà cho khoai nát ra lọt xuống lỗ dừng, đem ra sân lúc nắng to trải mỏng phơi khô rồi bỏ vào hũ sành bảo quản ăn dần ...quanh năm !
.
.
Ở quê thường hái vài chiếc lá mít hay lá ổi trong vườn thay muổng xúc khi ăn. Khoai chà đã lạ mà cách ăn khoai chà bằng lá lại càng lạ hơn. Bẻ cong cái lá, xúc một miếng khoai chà rồi từ từ cảm nhận hương thơm của lá, sau đó nhai thật nhỏ từng hạt khoai, những hạt tinh bột vỡ ra, đọng lại trên lưỡi. Người ăn sẽ dễ dàng cảm nhận được những hương vị ngọt ngào của khoai, nồng nàn của nắng gió quyện lẫn vào nhau, tuy quê mùa dân dã nhưng cả một mùi hương gần gũi đã dần phai ...