Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

Birthday

Birthday

Người xa ngàn dặm người xa ngái 
Một ngày chợt nhớ một năm quên 
Bơ thờ bóng nước thời gian chảy
Giữa những muôn trùng thu mênh mông ...

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Thu mơ

thu mơ

Mùa thu chết ? - không, mùa thu trốn mất 
Uổng công tôi chờ đợi rủ đi cùng.
Con rạch nhỏ trưa qua chang chang nắng,
Chiều nay ngồi bó gối - mưa trên sông !

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

THỦ ĐỨC


Chợ Thủ Đức của ông Tiền hiền Tạ Dương Minh
Người dân cố cựu sống ở Thủ Đức không gọi người có công lập nên chợ là ông Thủ Đức mà kính trọng gọi là ông Tiền hiền. Ông Tiền hiền Tạ Dương Minh có tên hiệu Thủ Đức – một thủ lĩnh thiểu số người Hoa trong phong trào “phản Thanh phục Minh” bị nhà Thanh truy đuổi chạy lánh nạn sang Việt Nam xin thần phục nhà Nguyễn và được cho định cư ở vùng đất An Ngãi thuộc tỉnh Biên Hoà. Theo lịch sử địa dư, năm 1868 khi Pháp chiếm xong Gia Định, tên gọi Thủ Đức mới xuất hiện từ việc tách huyện An Ngãi thành một khu độc lập sáp nhập vào tỉnh Gia Định, mang tên khu thanh tra Thủ Đức.

Trôi

Tiền trình cỏ lạ xông ngây ngất 
Con mắt khô rồi ngó ngửa ngang “ ( Bùi Giáng ) 

Trôi 
...
    Tú nhẹ nhàng ôm gọn người yêu trong vòng tay, mắt Vân nhắm hờ, đôi môi hé mở tựa cánh hoa hàm tiếu, hơi gió thoảng qua từ nụ hôn lướt nhẹ làm đôi mi dài từ từ khép lại, đôi má ửng hồng nóng bừng...

Về phố núi

Về phố núi   

Ngước về núi thoảng nghe mùi mật mía
Nhớ vạt tóc nghiêng theo gió triền đồi
Mùi lúa trỗ đang giữa thì con gái
Gió sau lưng nổi gợn sóng bồi hồi 

Ngày chưa biệt lối mờ chờ tối nhận
Người chưa qua còn phảng phất hơi người 
Bồ kết thì thầm hương treo trong nắng
Mắt lưng chừng nửa ngóng nửa nghiêng lơi

Về phố núi gió rùng mình chuyển lạnh
La Hai ngủ mê sương trắng phủ mờ
Ừ thì gió - mặc, trân mình đón gió 
Gió sau lưng cứ mát, dẫu sang mùa 

Ngày trở lại nơi ngày nao người ghé
Đừng bứt đài hoa nhỏ ngậm trên môi
Đừng e lệ bỡi tôi đà vắng bóng
Vắng từ ngày người nỡ bỏ cuộc chơi ...

Phú Đặng

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Ngôn ngữ trái tim

Ngôn ngữ trái tim

    Đã từ quá lâu rồi, tôi chưa từng dự lễ cưới nào có cảm xúc thật sự tuy rằng đám nào cũng thấy cảnh vui bỡi ai cũng cười ai cũng nói những lời hay, quà tặng là vàng là bạc kèm lời chúc lời dặn dò nào cho hai trẻ cũng y khuôn như tập. Vài đám đến cao trào tưởng chừng sắp có nước mắt chực chờ, cũng có - rồi thôi !  

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Màu nhớ


Màu nhớ 

" Xuân hồng có chàng tới hỏi :
- Em thơ, chị đẹp em đâu ? "
                  ( thơ Huyền Kiêu )

Màu nhớ 

" Xuân hồng có chàng tới hỏi :
- Em thơ, chị đẹp em đâu ? "
                  ( thơ Huyền Kiêu )

     “ Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn ... “ bài hát nỗi buồn hoa phượng và hình ảnh cành hoa phượng nở cháy màu lửa hạ đã gắn chặt, như mặc định màu hoa đỏ thắm ấy là màu hoa của tuổi học trò, là màu của mùa tạm biệt ...
     Màu đỏ rực rỡ trên tàng cây phượng vỹ với font nền màu trời xanh thẳm đôi khi gợi rất nhiều người nhớ về nỗi buồn xa vắng, thế mà trong anh mãi nhớ nơi hoa mùa tạm biệt chỉ mỗi một màu vàng tươi nhanh chóng vàng vọt héo tàn rồi nhẹ nhàng lìa đời theo tiếng ve ran ran gọi vào hè, dưới tàng cây lim xẹt lá nhỏ khô vàng hoà cùng xác hoa vàng bay vờn theo gió.  Anh nói anh luôn thương nhớ hàng cây cổ thụ vỏ xù xì đứng thành hàng lầm lũi từng mùa qua trên con đường xưa ...
.

   Nơi ấy, đã từng là con đường học trò với hai gam màu xanh - trắng của đất trời của con người phối hợp bất kể xuân hạ thu đông. Nơi ấy, hàng cây ven đường luôn biết cảm nhận trước khi cơn gió nồm trở ngọn, trên đọt cao chen lá chen cành đã nhú lên từng chùm hoa điểm nụ hé vàng chờ đợi mùa sang ...
   Phố xá rất ít cây phượng vỹ, cũng có thể bởi thân cành giòn lại khá mảnh mai khó chịu đựng nổi qua nhiều mùa hứng giông bão. Nhớ đến hoa phượng đỏ đa phần từ nhạc từ thơ .
  Nơi ấy, con đường nào hơi nhiều gió là chắc chắn có những hàng dương hay ít ra cũng còn vài cây già cỗi cô đơn đứng riêng lẻ lắc lay đung đưa cành lá kim xơ xác với chùm trái khô khốc rơi rụng vô chừng. Cây điệp vàng, cây lim xẹt, cây phượng vàng chỉ là tên gọi khác của loại cây được chọn để trồng nhiều con đường hơi im gió, nhất là ở sân trường nơi cần bóng cây râm mát và cần hình ảnh tràn đầy sức sống ... Sức sống phượng vàng mãnh liệt đến nỗi qua mỗi mùa giông bão nhiều cành to gãy lìa nhanh chóng mọc lên chồi nhánh mới, gốc ngày càng to vỏ thêm xù xì rễ đâm sâu vào lòng đất.
  .
 .
   Tuổi hoa em vừa chớm như búp phượng hồng cuối xuân, mùa hẹn hò còn thẹn thùng chưa dám nghĩ. Anh tự tưởng  mình hoá thân thành lá cây rung rinh che nắng, tàng cây đong đưa vẫy chào ngày hai buổi, cội rễ mong đủ sâu để đợi để chờ ...
   Thế rồi, mùa lại mùa qua :
  “... Hạ đỏ cũng chàng tới hỏi 
- Em thơ, chị đẹp em đâu ? "
     

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

HƯỚNG ĐẾN NGÀY 31-7-2022

3 điều nói nhỏ nhưng mà nói thiệt với đồng môn nghe nghen : 

  1. Từ hôm 24 tháng 7 năm 2016 đến nay chỉ gần tròn 6 năm chớ mấy ! Thế mà sĩ số hao hụt kha khá, liệt kê ra đây làm chi bởi chỉ thêm buồn ... Còn thân thể ai cũng hanh hao, sức khỏe bào mòn chớ mà được như lời hát “ thêm chút hao gầy “ thì đỡ quá (!) Ấy vậy mà may nghen : Tinh thần chúng ta vẫn còn tràn đầy năng lượng: Quí anh vẫn luôn cười híp mắt những khi có dịp “nâng lên hạ xuống” bên bằng hữu, quý anh vẫn tươi cười làm dáng bên chị bên em xinh tươi... Còn quí chị em lúc thì vẫn tươi rói thướt tha cùng tà áo bay bay, khi thì “ tí tửng nhí nhảnh” bên phong cảnh hữu tình hay bên người yêu người bạn chung nhiều thứ. Được vậy là cũng có chút xíu sung sướng, hạnh phúc rồi chớ hả, anh chị em mình ???
  2. Về hưu “ rảnh rổi sinh nông nổi “ : Nghĩ xa nghĩ gần, nghĩ đến mình dăm năm nữa, do xã hội chưa quen chớ như thời cũ sẽ thấy hình ảnh lúc ấy cầm ba-ton hay run run tay cầm gậy dò từng bước chầm chậm đi về cuối phố, rồi đứng đực mặt gãi đầu không nhớ mình định rủ bạn nào cùng uống cà phê mà ... quên rồi nhỉ !!!  Kệ, cứ thêm mấy bước rồi sẽ nhớ, rồi sẽ tính ... thì đụng phải bà già còng mắt mũi để đâu mà đâm sầm vào mình - nheo mắt nhìn, thấy quen quen !!!
  3. “ còn tuổi nào cho em ?...” Lần này, nếu nói không quá lời là lần cuối được ngắm nhìn tà áo lụa bay bay trong gió của những người xưa cũ xinh tươi tự tin nơi sân trường cũ. Lần này, nếu nói không quá lời sẽ là lần sung sướng lắm lúc giành nhau chụp hình kỷ niệm với hết thảy mọi người. Đồng môn yêu dấu ơi, khi đã được lần này xin cứ hẹn lần sau và nhiều lần sau nữa ... Được lần này để không bao giờ hối tiếc khi vào ngày 31-7 ở nhà một mình rồi sau này nhớ lại “ .... về sau và nhiều năm sau nữa, có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay !” 

Phú Đặng

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

Nỗi Buồn Phơi Khô

“người đi vào cõi vô cùng
nắng mưa cũng tạnh, bão bùng cũng ngơi "
( Đoàn Vị Thượng )
Nỗi Buồn Phơi Khô
Áng chừng đã già nửa buổi sáng mà cửa nhà còn khóa kín, nhóm bốn năm người sốt ruột đứng lên ngồi xuống, họ chờ theo lời hẹn trong bữa tiệc chiều hôm qua sau khi thu tôm là đến để nhận trước một phần tiền nợ gối đầu của ba vụ tôm liền mà chủ nhà chưa mùa nào thanh toán dứt điểm được ...
Vài người gọi điện thoại chỉ nghe ò í e ngoài vùng phủ sóng, ai đó đập rung hai cánh cửa cũng không có tiếng trả lời thì chợt đâu chiếc xe gắn máy chạy nhanh lao tới dừng đột ngột và la lớn :
- Có người thấy vợ chồng ổng đón xe ngoài lộ chính hồi khuya, chỗ trạm chờ xe đi Bình Dương .
- Thôi rồi, nó bỏ nhà bỏ cửa trốn lên Bình Dương rồi ! Tiếng ai đó chép miệng chắc lưỡi rồi bật ra tiếng như than thở một điều đã thường xảy ra mấy năm nay .
Người khác lớn tiếng bực bội
- Tiền bạc đã không có, thu tôm không được bao nhiêu mà bày đặt tiệc tùng làm khổ lây người ta !
Sau tiếng e hèm, có giọng ai rè rè cất lên từ tốn nhỏ nhẹ :
- Chắc là nó tính làm bữa tiệc ngay sau khi trả tiền công như cách trả ơn người làm phụ, vợ chồng nó chắc bí quá mới chọn cách lủi đi bỏ nhà bỏ cửa bỏ cha mẹ lại chắc cũng đau lòng lắm.
Ông già một tay lập bập rít hơi thuốc, tay còn lại dợm đứng dậy phủi đít, chưởi khơi khơi :
- Tổ cha nó chớ cây gì con gì, đang yên đang lành nhà có của ăn của để mà nghe xúi bùi tai đi nuôi tôm, mới mấy năm cả ngày không dang nắng thì xuống ao mò, có hồi nào thấy cái quần đùi nó phơi kịp khô đâu, giờ đến mức trốn chui trốn nhủi thế này !
- Thấy cũng tội, thôi chuyện đâu còn đó, mình về để xem ra sao rồi tính .
.
Vậy là gia đình Tư Bông thực sự tan đàn xẻ nghé, mới năm kia gả đứa gái lớn cho Đài Loan tưởng rằng lo cho con êm ấm, nào ngờ nó đi là đi biền biệt chớ nghe đâu qua bển cả năm có điện thoại về được vài lần, làm ăn chẳng ra sao, nghe nói ở nông thôn làm rẫy đâu có tiền bạc chi, muốn trở về thăm cha thăm mẹ coi bộ cũng hết đường !
Tiếp năm vừa rồi tôm tép thất bát nữa, không xoay kịp tiền trả nhà trọ lẫn tiền học phí ở trường, thằng con trai gần mười sáu buồn lòng bỏ học theo lên Bình Dương làm công, tết nhứt cũng không thấy mặt, nghe nói nó ráng kiếm chút tiền lương tăng ca khá cao trong ba ngày Tết, không dám nghỉ !
...
Thằng nhỏ chưa đủ lớn để gọi là thanh niên, ốm ròm tóc bù xù da sạm nắng dừng xe, người phụ nữ khó nhọc vịn vai trèo xuống khỏi chiếc xe gắn máy cà tàng là vợ Tư Bông, tuy chưa già mà đã héo queo mệt mỏi cùng mớ đồ đạc dọn gom về theo thiệt thảm hại : Cái túi từ vỏ bao cám cho gà túm tụm nhét vội còn lòi áo quần mùng mền một bên, cái quạt bàn cũ cùng màu sơn tróc từng mảng của chiếc nồi cơm điện móp treo một bên hông xe. Không biết đi từ trên ấy lúc nào mà đến nhà thì xe cùng người đều rệu rã, đứa nhỏ gỡ nón bảo hiểm và khẩu trang lộ đôi mắt đỏ hoe, người phụ nữ ngồi sau coi bộ muốn xỉu ...
Xóm làng vắng teo bỡi còn ảnh hưởng lịnh nhà nào ở yên nhà nấy, nó run run bước lên thềm tìm cách mở cửa mà không sợ ai bắt gặp. Khóa cửa rỉ sét ngoáy một hồi cũng mở ra được, bước vô nhà tối om mạng nhện giăng đầy.
.
Bật ngọn đèn để thấy đường dìu mẹ đi cà nhắc đến bộ ván ngựa phủ bụi ngồi đỡ mệt đỡ tê chân, thằng nhỏ lật đật đi tìm miếng giẻ lau vội cái bàn đặt trước tủ thờ rồi quay ra hàng hiên bước xuống đến bên chiếc xe.
Phía trước yên xe có lắp một cái yên phụ, nơi thường thấy gắn thêm để chở trẻ em thì bây giờ trên đó là cái hộp vuông bao phủ bằng túi nhựa ràng buộc chặt vào yên . Thằng nhỏ cẩn trọng mở dây, cúi mặt thổi bụi đường bám rồi ôm vào lòng, ngần ngừ bước lên bậc thềm chầm chậm đi vô cửa, tiếng khóc nghẹn không ngăn được người mẹ đứng lên giành đón lấy từ tay con, thằng nhỏ ôm vai dìu bà bước tới đặt để lên giữa bàn .
Căn nhà cô đơn chứng kiến tiếng khóc nức nở của thằng nhỏ không kìm nén được, không biết tự bao giờ đứa nhỏ cố làm người lớn, làm đôi vai cho mẹ vịn vượt thời gian và không gian khốn cùng của đời người ... nhưng, về đến căn nhà cũ đầy dấu xưa giờ tang hoang trống vắng, nó yếu đuối khóc òa như chưa từng được khóc...
.
Ngoài sân, cơn mưa đêm cuối mùa ở phương nam chợt rớt hột đều đều, tiếng mưa lớn dần phủ che tiếng khóc xót xa thân phận kẻ ở người đi ...
Miền châu thổ đất ẩm thấp sũng nước nay mai rồi cũng khô cong dưới ánh mặt trời, nước mắt cùng nỗi đau còn trải dài rồi sẽ ra sao ?



Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn

“ Chiều giông Mả Ngụy cũng giông
“ Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây
“Sống thời gươm bén cầm tay
“Chết thời một sợi lông mày cũng buông
.
“Thương thay Mả Ngụy mưa tuôn .
( ca dao )
Trời cuối tháng Chạp lành lạnh, vật vờ đi bộ cho bớt căng thẳng khi từ đầu giờ chiều đến đây chỉ biết lo lắng đứng lên ngồi xuống chờ bên ngoài .
Băng qua đường, từ Cao Thắng xuôi theo lề đường đi như vô định, băng qua ngả ba ngả tư rồi còn biết né những đống tro do đốt vàng mã cúng đưa ông Táo về trời, tàn tro bay theo gió vương vấn dưới ánh đèn đường vàng vọt. Miếu thờ nhỏ bên phải đường nhang khói u uất, bó nhang mới cắm, bình bông còn tươi ...
.
Đêm về cuối năm ngoài đường người xe cũng thưa, băng qua ngả tư khá dễ dàng, lề trái đường Cao Thắng nối dài rộng rãi vắng vẻ, tôi ngừng lại đốt điếu thuốc nhìn về cuối hàng cây, ánh đèn đêm sâu hun hút, vô tình quay mặt hướng bên phải, nơi ban ngày là khu phố nức tiếng sang trọng Sendosa Garden với nhiều biệt thự cùng nhà phố kiểu shophouse lộng lẫy bây giờ đã đóng cửa nghỉ sớm. Ngước nhìn về đằng đông, vươn cao hơn hẳn những mái nhà đen mờ trong đêm là hàng loạt chung cư cao lớn đứng sừng sững, bóng in trên nền trời nhạt nhòa nhấp nháy, tôi liên tưởng đến hàng bia khổng lồ ai phục dựng nơi đầu Mả Biền Tru !
Gần nơi tôi đang đứng, hơn hai nghìn nhân mạng là tay chân bộ hạ thân tín, là lính dưới quyền của Lê Văn Khôi cùng dân chúng trong thành đều bị chém rồi vùi chung xác ở đâu đây.
Lòng oán hận lẫn tiếng than khóc ngút trời hai thế kỷ qua liệu được mấy oan hồn tan vào sương khói ?
Mả Biền Tru, Mả Ngụy dùng để gọi theo cách nhà Nguyễn muốn gọi chỉ nơi xảy ra cuộc xử tử tập thể rồi vùi lấp chung hơn hai nghìn người già, trẻ, trai, gái vì tội phản nghịch trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi dưới thời vua Minh Mạng.
Cánh Đồng Mả, Đồng Tập Trận hay Mô Súng do người Pháp chiếm được Sài gòn rồi tự đặt tên. Tên gọi cũ hay tên gọi nào cũng chỉ dẫn đến một nơi đầy oan khiên, tôi muốn khóc ...
Tôi khóc không vì tội lỗi nếu có hay không của ông Lê Văn Khôi hay vua Minh Mạng, bỡi sự phán xét là khôn cùng nếu nhìn từ nhiều khía cạnh của lịch sử.
Tôi khóc vì mới hai trăm năm mà nỗi đau hơn hai nghìn người, thây không nguyên vẹn đã vùi chung mấy ai còn nhớ, còn thương cảm !
Tôi khóc vì chỉ có nhân dân chớ chính quyền nào mà động lòng đến nỗi đau hằng nghìn người bị kết tội xử chết chém dù đã trôi qua hai trăm năm. Chỉ có đồng bào mới thương cảm đồng bào, họ đã lén lút làm ngôi miếu nhỏ thờ phụng những oan hồn chết thảm. Hôm nay tôi lang thang trên lề đường Cao Thắng, thấy bó nhang sưởi ấm linh hồn lạnh lẽo vẫn còn đỏ lửa ...
.
Ngài Nguyễn Du ơi, ngài từng than:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"
là ngài than vì sợ thế nhân quên ngài !
Thế thì đúng thật, còn gì khi chỉ mới “ nhị bách dư niên hậu “ mà mấy ai còn nhớ ? Mấy người còn khóc thương hơn hai nghìn nhân mạng trong thành Phiên An chịu án, cùng chịu vùi thây đầy oan khiên nơi này ?
Dẫu ai nhớ ai quên gì, ít ra trong lòng dân cũng còn có một miếu thờ nhỏ bé, tuy ngày thường nhang khói bữa có bữa không, chiều nay khói hương bay vấn vương quanh bình bông vạn thọ cũng đỡ tủi nhiều hương hồn hoang lạnh ...
Thế thì có cần chờ đến sau hai trăm năm như Mả Nguỵ, Mả Biền Tru đã ra bình địa để thành đất vàng đất kim cương xa hoa, ai nhớ ai quên ? - Nỗi đau lớn mới xảy ra tức thì : Hơn hai mươi nghìn nhân mạng già trẻ gái trai tử vong trong một kỳ dịch hại, hơn gấp mười lần số người vùi thây nơi đây liệu có nơi nào thờ phụng chung chăng ?
Thế thì sau hai trăm năm, từ thành Phiên An cũ sau vài lần đổi tên, nỗi đau mất mát ngày nay đã nhân lên gấp mười lần, hơn hai vạn đồng bào mình không ai được ra đi êm đềm, mồ mả ai có mà hỏi nơi nao ? Hay tất cả chỉ được xếp hàng chờ để hóa thân thành tro bụi sau khi chịu đựng đớn đau về thể xác, bồi thêm nỗi đau về tinh thần giống như hai trăm năm xưa ? Giờ phút lâm chung chẳng ai có thân thích bên cạnh, chẳng có lời cầu nguyện an lành nào khi rã rời tơi tả đi về cõi vô cùng !
Không có nắm mồ nào làm vật chứng dấu tích ngoài bình tro cốt gởi tạm đâu đây nơi cõi tạm ...
.
Mả Nguỵ, Mả Biền Tru là dấu tích nơi có người ra lệnh giết hết rồi vùi lấp, hôm nay ai nhớ ai quên.
Hằng vạn hũ tro cốt cùng nỗi đau thương xót xa này chắc là không ai ra lệnh, há dễ phôi phai hay ai rồi cũng sẽ quên luôn ?
Ngậm ngùi tìm chỗ trú, nhìn quanh :
“ ... Thương thay Mả Nguỵ mưa tuôn ! “


Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Quê nhà trống rỗng



Hình như khá nhiều buổi chiều ngày thứ 6 hàng tuần, hai đứa tay xách nách mang hai ba món đồ từ trên chung cư xuống, gặp vài người đứng tuổi quen quen trong thang máy hay dưới nhà để xe cũng thường được nghe hỏi " vợ chồng bay dìa quê hả ? " 🙂 🙂
Cuối tuần về nhà, thành phố nơi làm việc chỉ xa tầm một trăm cây số, tuần làm việc năm ngày, đủ xa để phải ở lại, không ngủ nhà vỏn vẹn bốn đêm, thấy cũng bình thường mà cứ nghe hỏi lại tưởng như nhà mình xa lắm !
Quê nhà trong trang sách thời học trò là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi gia đình sinh sống, có cha có mẹ cùng bà con thân thuộc, có mồ mả ông bà tổ tiên, có vài ba cây dừa hay hàng tre đong đưa theo gió hòa cùng bờ bãi ruộng đồng với tiếng chim hót líu lo vọng xa đến tận bờ con sông nhỏ nước trôi lững lờ ...