Hè năm 1975, những con hào chống bom đạn trong và ngoài khuôn viên trường Nguyễn Huệ chưa kịp
lấp xong hết. Vết nham nhở do đào lên lấp xuống chưa liền mặt như những vết sẹo
chạy ngoằng nghoèo trên sân trường.
Những cây phượng già cứ đến hẹn lại lên, vô tư nhả từng chùm từng chùm hoa đỏ. Không hề có hồi trống trường báo tin niên học đã mãn, không hề có cảnh cắm trại hè tạm chia tay bạn bè…Lũ học sinh chúng tôi lặng lẽ vào hè, vội vã rời phố thị…
Những cây phượng già cứ đến hẹn lại lên, vô tư nhả từng chùm từng chùm hoa đỏ. Không hề có hồi trống trường báo tin niên học đã mãn, không hề có cảnh cắm trại hè tạm chia tay bạn bè…Lũ học sinh chúng tôi lặng lẽ vào hè, vội vã rời phố thị…
Mùa hè này lạ lùng nhất trong thời học trung học của bạn bè chúng tôi. Cảnh đá banh, tắm biển, đi chơi đã thay thế bằng nhiều cách… Hồi cư về quê nhà, cùng tiếp tay gia đình dựng cái chòi trên nền đất hoang còn nhiều vết cháy sém bỡi bom đạn. Mờ sáng đi theo trai tráng vào rừng, lựa chặt những cây nho nhỏ vừa sức vóc thư sinh vác về làm cái cột cái kèo, chắt mót từng chuyến đi núi để cả nhà cố dựng tạm được mái nhà tranh vách đất trú ngụ mà vỡ đất bỏ hoang hóa nhiều năm . Đôi tay học trò yếu ớt tập quen dần cây cuốc vỡ hoang, tập đánh tranh chẻ lạt. Đêm ánh đèn dầu hột vịt soi một khoảng nhỏ như cái nong mờ mờ, cả nhà nằm chèo queo dưới nền đất, ngoài kia trời tối đen cầm canh bỡi tiếng dế cóc nhái ễnh ương…Số còn lại cũng cùng cha mẹ anh em sáng đi chiều về, tập lao động bằng cách trồng chút ít giồng khoai bụi sắn lo xa cho nhiều ngày sắp tới trên những khu đất vườn nhà khô nẻ vì thiếu nước…
Mình còn ở phố, đi ra đi vô, quê nhà thì cũng gần nhưng không biết làm gì, bạn mình thì thuộc nhóm bạn “ đi học bằng máy bay ! “ – Quê ở tận Củng sơn , đối với mình thời ấy quê bạn mình xa thật xa, xa lắm …
Bà con quen biết cho bạn mình hai con ngỗng con, bạn mình muốn đem về quê làm quà cho má , bà ao ước có được cặp ngỗng từ nhiều năm trước để nuôi làm kiểng cũng như giữ nhà đuổi…ma (!). Cách nào mang về cho má thật là nan giải, trước đây thì máy bay không chở, đoàn xe công voa thỉnh thoảng một năm chạy một đôi lần lên Củng sơn tiếp tế càng không chở vì sợ …xui !
Năm nay và nhiều năm sau nữa, bạn mình đã hết cơ hội leo lên máy bay về quê nghỉ hè .Đường 7 từ Tuy hòa về Củng sơn thì xa và lạ lẫm ngay cả với bạn mình, dám chắc bạn mình chỉ nhìn thấy con đường này qua cửa kính máy bay chứ làm gì biết đường bộ ! Thế mà y dám nảy ra …sáng kiến đi bằng xe đạp ! Có sáng kiến, tìm được xe đạp thì phải tìm đồng đội ...Chắc y nghĩ đến mình vì do chủ quan của y là chính – nghĩ rằng đã là Hướng Đạo Sinh chắc giỏi băng rừng lội suối - nhầm lẫn tai hại khi tin cậy vào 1 HĐS “ hạng ruồi” như mình ! – y chọn và rủ rê mình, tất nhiên một thằng đang ngáp lên ngáp xuống đến trẹo quai hàm vì vô công rỗi nghề sao lai không ừ ?
Chẳng chuẩn bị gì chúng tôi vẫn …hăm hở lên đường ! Hành trang không có gì ngoài hai con ngỗng bé xíu có bộ lông măng vàng rơm, bốn con mắt thiệt là hiền trong hoàn cảnh rất đáng thương do bị nhốt trong cái bị cói cũ tàn tàn…
Chiếc xe đạp cũng đáng thương y như hai thằng tôi, nước sơn tróc ghẻ, chẳng vè chẳng thắng cái baga bằng mấy cọng sắt hàn lại không nệm lót đập tê tái đôi mông ít thịt nhiều xương... Quá chợ Phong niên một đoạn mới thấy mấy ổ gà xe đã đi qua chẳng là gì so với ổ trâu, ổ voi bắt đầu xuất hiện trên con lộ qua vùng Hòa định.
Đường càng lúc càng gập ghềnh, con mương dẫn thủy nhập điền nằm sát bên đường khô cạn đáy, không xa về bên trái là Sông Ba nước chảy lừ đừ chen nhau với bãi cát chạy dài hai bên bờ sông, cỏ lau khô héo ngả ngọn theo cơn gió đầy mùi nắng hanh khô…
Lò mò đạp xe né vô vàn ổ gà ổ trâu lổn nhổn đá trên mặt đường làm đứa đạp xe mỏi tay mỏi chân, đứa ngồi sau đau mông và buộc lòng cả hai phải ngừng nghỉ giữa đường nắng chang chang không tìm được một bóng cây… Bên kia con mương có một ngọn đồi nhỏ cháy sém cả vạt do bom, dấu tích chiến tranh trên con đường 7 mùa xuân 1975 đã hiện ra…
Vừa mệt vừa khát, đứa dắt đứa đẩy để xuống và lên dốc một con đường dã chiến, con đường có là do cái cầu nhỏ trên đường đã bị đánh sập từ lâu rồi. Lội qua đáy dốc có nước chảy tràn như một con suối nhỏ, cả hai vô tư rửa mặt rửa tay chân và bụm hai tay lại vốc nước uống như chưa từng được uống…
Qua Đồng Cam một đoạn, bãi chiến trường xe nằm tênh hênh ngả nghiêng bên vệ đường, nào là xe tăng, xe quân sự, xe be chữ A kéo gỗ, xe tải, xe khách Renaul…nằm chất đống chen chúc như có chiếc xe ủi khổng lồ nào đẩy khỏi mặt đường để lấy lối đi. Dưới nắng hè, mùi cháy khét còn đọng trong không khí.
Con người chai sạn với chiến tranh hay không đủ sức dọn dẹp nên bãi xe bị bỏ lại vẫn nằm ken dày từ nhiều tháng trước kể từ ngày ra đi khỏi Tây nguyên bằng lộ trình đường 7 để về với vùng đất nuôi hy vọng là Tuy hòa. Nó không thể đến nơi cần đến, chỉ đến được vùng đất cận kề rồi đành xuôi tay nằm lại…
Thiên nhiên vô tình, mặc cho giới động vật cao cấp lẫn thấp cấp xâu xé chém giết hay ăn thịt nhau... Một vạt đất bên kia đường nằm thoai thoải cao dần chạy dài đến tận chân núi, một rừng sim nở hoa đồng loạt khoe màu tím ngan ngát. Cũng nắng đó, cũng gió đó sao thổi qua trảng sim lại nhẹ nhàng mơn man đến thế…
Cái đói thì có nhưng chưa cảm thấy bỡi cái mệt che khuất nhưng cái thèm của thời nhỏ dại đã trở về trong hai chúng tôi, mặc gai cào và cũng chẳng biết để mà sợ bom mìn còn trong bờ trong bãi, chúng tôi lao vào trảng sim, không phải để hít thở hương hoa mà chỉ tìm những trái sim tím chín mọng ngọt ngào …Tìm hoài chẳng thấy trái nào, bỡi chúng tôi đâu biết mùa sim chín chưa đến !
Đoạn đường tiếp theo có vẻ khá hơn, tuy giữa đường vẫn là đá lởm chởm nhưng hai bên lề đường đã mòn thành lối dễ đi hơn, thỉnh thoảng gặp một xóm làng với những căn nhà bé nhỏ còn tươi màu tranh, chung quanh nhà là đất vườn trống cuốc cày nham nhở nửa chừng còn lẫn cỏ dại khô héo chưa được trồng tỉa gì… Tìm ra được một chòi lá ven đường bán nước và các thứ linh tinh, không rõ bạn mình nói từ ngữ ngoại giao gì với chị chủ quán mà chị giao quán lại cho chúng tôi trông coi rồi xách nón te te đi về xóm nhà hơi cách xa mặt đường. Khá lâu sau, chị quay laị với một cái nồi mì gói nấu sẵn, cái món mì gói những ngày này không hiểu sao ở Tuy hòa nhiều đến vậy và chúng tôi dùng cũng quá nhiều đến phát ngán thì trưa này hai đứa ăn thiệt là ngon…
Chiều muộn, Củng sơn hiện ra, nhận biết qua tên vài bảng hiệu, hai con mắt láo liên muốn thu vào hết nhà cửa cảnh sắc của phố núi nhỏ bé lần đầu tiên đặt chân đến mà thằng bạn đồng hành không chịu ngơi chân đạp xe, nó chạy như ma đuổi làm mình không hiểu năng lượng được để dành từ lúc nào … Qua vài khúc đường vắng, hai bên đường có ruộng lúa còn xanh, quẹo gấp vô căn nhà nằm giữa vườn không có cổng rào, nó quăng chiếc xe cái ịch, chạy thẳng ra nhà sau, mình suýt té do mất thăng bằng, tay ôm giỏ lát chứa hai chú ngỗng ngơ ngác…
… Tổ cha mày, tổ cha mày chen tiếng gì như tiếng vỗ vai vỗ lưng, tôi vô nhà nhìn thấy cảnh má đánh yêu bạn mình, đôi mắt cay cay tôi lí nhí câu gì đó như là một lời thưa…
Cái thằng, chẳng nói gì chỉ ngệch mặt cười, bao nhiêu lo lắng bao nhiêu nhớ nhung của má hình như bay đi dần qua những cái phát tay đánh trúng lên người đứa con lẫn tiếng lầm bầm chưởi cha nó …
Má chưa già lắm lại cộng thêm năng lượng được cung cấp thình lình bỡi hình ảnh đứa con bằng xương bằng thịt trở về, má nhanh chóng xô thằng bạn ra, quấn lại cái khăn, má bỏ đi về phía xóm…
Chúng tôi, những đứa có khả năng ổn định chỗ ở khá tốt do đi cắm trại đã quen huống hồ đây là nhà cửa bạn ! Chưa đến năm phút sau hai thằng đã ra vườn …khám phá cây trái và miệng vừa ăn vừa nói, mặc cho bụi đường còn dính tận mang tai.
Chúng tôi ăn như chưa từng được ăn, bao nhiêu gói mỳ trong vài tháng gần đây đã là dĩ vãng. Mòn sức đường xa, ê mông trên yên xe tan dần tan dần qua thức ăn ngon má nấu. Má có ăn gì đâu, ngồi đầu bàn gần nồi cơm xoong cá chỉ làm nhiệm vụ múc cơm múc canh và hối hai thằng giặc đói ăn.
Đêm nhà má thiệt yên bình, nhà có điện nhưng cúp điện, má nói điện ít khi có lắm, hình như từ ngày hết giặc giã lâu lâu mới có một đêm có điện vài tiếng đồng hồ…Đêm không điện chúng tôi cũng đã quen dần từ khi chúng tôi ở phố mấy tháng qua, má nằm đưa võng cọt kẹt, hai thằng tôi nằm trên tấm phản mát rượi sát cửa sổ nhìn ra vườn có ánh trăng non mờ mờ, trong nhà ánh sáng từ một cây đèn nhỏ xíu sao tôi thấy không hiu hắt mà cảm thấy ánh sáng dịu dàng Tôi thì thường già chuyện, hay hỏi chuyện nọ xọ chuyện kia mà má thì đang vui nên má trả lời có lớp có lang, bắt đầu bằng chuyện …cây đèn !.
Cây đèn dầu nhỏ ở quê, nhà ai cũng có, được kêu là đèn hột vịt là do cái bóng đèn có hình hột vịt, má giải thích vậy, má còn nói đèn Hoa kỳ cũng là đèn hột vịt tuy ít nhà sắm nhưng nó tiện lợi lắm, nó có một cái khung tròn phía sau, trên cái khung được uốn lại để móc vào cây đinh trên vách hay trên cột, nó sáng về ba phía để xách đi soi đường trong nhà trong cửa bớt chói mắt do bị che bỡi một vòng tròn bằng thiếc có in trang trí hình cờ Hoa kỳ chớ hổng phải sản xuất tại Hoa kỳ ! Trời - hai thằng tôi nào có biết !
Vui miệng má nói qua cây đèn tọa đăng, nhà đêm ấy không có dùng cũng không biết trong nhà có hay không nhưng qua lời má kể làm chúng tôi tưởng như đang thấy ánh sáng rực tràn vào gian nhà chính … Tọa đăng, nhà khá giả một chút thì sắm về để dành khi có dịp giỗ chạp thì đem ra dùng. Để dưới bếp thì cả chục chị em có thể thấy rõ như ban ngày mà gói bánh, nấu nướng cho cúng quải, giỗ chạp ngày mai. Để gian chính trên bàn chữ U trước bàn thờ cho người lớn ngồi nói chuyện thì sáng đến nỗi cô dâu trẻ về nhà chồng đem trà nước lên mời cũng phải đỏ mặt vì sáng quá, nhìều người nhìn thấy rõ mặt quá ! Ô hô, sáng đến vậy sao má ?.
Chưa đâu, má nói còn có cây đèn sáng nhứt xứ này là cây đèn măng xông. Hồi đó chỉ có đám hát về mới có hay khi cúng đình thì đi về phủ mướn ( phủ ở đây hiểu theo ý má là Tuy hòa ). Nhà giàu nứt đổ đổ vách mới dám mướn một hai đêm cho dịp đám cưới đám tang…Cái lạ là nhà này đã từng mướn đèn măng xông không phải một hai đêm mà suốt một tháng liền kìa… Là sao, má ? Thằng bạn mình đang nằm ườn vội nhổm dậy, mình cũng bật dậy, hai thằng giờ không còn nằm ưỡn trên phản mà ngồi chồm hổm chăm chăm nhìn má.
Má chậm rãi kể :
” Hồi đó
ba mày chưa cưới má, ổng làm thợ may, rồi má về cũng theo học nghề thợ may của ổng.
Nói thiệt mà nghe chớ hồi đó mắc cười lắm, ổng làm thợ may mà vài hôm thì làm ở
nhà này rồi hôm khác lại làm nhà khác chớ có tiệm đâu (!) đồ nghề đựng trong
cái tráp nhỏ như là đồ nghề hớt tóc dạo, chỉ có vài ba thứ, quý nhứt là cây
kéo, rồi đến cái thước dây với vài ba cây kim cuộn chỉ…, may thì may tay chớ
đâu có may máy nhưng do khéo tay nên cũng đẹp cũng chắc lắm, khách may đồ ngày
càng nhiều rồi từ từ sắm được máy may loại Sin rơ của Pháp, người học trò và
cũng là thợ đầu tiên của ba bọn bay là má chớ ai, sau này mới có học trò, mới
có thợ may làm tại tiệm ăn ở tại nhà, lúc đó tiệm chung với nhà còn ở mặt phố…
“ Lần hồi cũng đâu vào đó, nhà cửa sắm sanh được ít nhiều, hồi còn con gái má thì thích nghe ca nghe hát, Lấy ba bay một thời gian, ổng mua cho cái ra dô mở tiếng ọt ẹt lúc có lúc không, nghe đỡ ghiền chớ nhiều lúc tức chết được, đang nghe hát nghe hò thì tự nhiên rọt rẹt mất sóng, nấu cơm nửa chừng cũng vội vàng chùi sạch tay tắt máy chớ sợ hư, sợ tốn pin !
“ Rồi có dịp nào đó mà má quên rồi, hai vợ chồng đi về phủ, ngang qua chợ chính nghe tiếng hát mùi mẫn, lấn vô coi, thì ra máy hát…má đứng như trời trồng ở đó, tai lắng nghe, mắt nhìn lom lom cùng bầy trẻ nhỏ, ba bay giục mấy lần mà má nào chịu đi…Về nhà, đầu óc má lúc nào cũng nhớ cái máy, tai lúc nào cũng nghe vọng vọng tiếng hát. Năn nỉ ỉ ôi không được bỡi lẽ nó nhiều tiền quá, sau nhiều đêm tính nát óc, má mới nghĩ ra cách hùn tiền mua về làm ăn trước đã…
“ Nói chung ba bay cũng chìu má cộng với từ ngày về với ổng má tính đâu ra đó nên ổng tin tưởng lắm, má bàn với mấy chú thợ cũ đã ra nghề…
“ Ngày ba má đi về phủ để mua máy thì ở nhà mấy chú mày mua bồ cót về che xung quanh cái sân lại cao quá đầu người, kê ghế kê băng đâu vào đó, hàng phố qua lại cũng không biết nhà mình định làm gì …
“ Máy mua kèm một chồng dĩa to hơn cái dĩa bàn lớn, bỏ cục pin, lắp dĩa là máy quay, có cây kim cà lên, tiếng hát tròn trịa cất cao, mở to mở nhỏ vặn cái núm một bên cái loa như cái bông xòe nở, là xong…Mấy đêm đầu đâu đủ chỗ ngồi cho khách bỏ năm cắc vô vừa coi vừa nghe, cái đèn măng xông sáng rực tuốt ngoài đường…
“ Một đêm ba bốn dĩa thay phiên đủ loại nhạc, đủ loại tuồng cải lương…khách không ngớt, nhiều đến nỗi bên kia đường có xe mực khô nướng, bắp luộc do ké ánh sáng đèn măng xông mà buôn bán đắt hàng…
“ Đông như hội như hè rồi cũng bớt dần bớt dần trong khi má và mấy chú mày thu tiền về nhiều hơn cái máy với chồng dĩa mà chưa thay cây kim nào ! Nghỉ, ai cũng vui, mấy chú thợ được chia tiền thì vui hơn còn vui nhứt là má, má sở hữu được cái máy hát dĩa đầu tiên của xứ này …
“ Từ ấy tiệm may mở máy hát luôn trong giờ mở cửa, khách may đồ đông hơn do đến chơi nghe máy không còn tốn tiền, còn má nghe riết bài nào cũng thuộc, tuồng nào cũng thuộc, từ Trần Minh khố chuối, Lưu Bình Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài… của tuồng hát đến giọng chị em Thái Thanh Hà Thanh, nam tài tử Ngọc Bảo, tiếng hát cặp vợ chồng Nguyễn Hữu Thiết– Ngọc Cẩm đến tiếng khẩu cầm Tòng Sơn… Nghe quen đến nôĩ xuống dưới phủ Tuy hòa nghe ra dô tiếng kèn Tòng Sơn phát trên đài má không chịu được vì có lẽ mình nghe từ dĩa hát nó chuẩn quen tai mất rồi…
Chúng tôi nghe má kể chuyện bình thường sao mà hay hơn chuyện cổ tích nghe hồi còn thơ ấu
Nghe má kể thì không mỏi, nghe xong chúng tôi nằm dài xuống tấm phản, tai mơ màng nghe tiếng hát văng vẳng đâu đây…ngoài kia trăng non sáng dịu ....
“ Lần hồi cũng đâu vào đó, nhà cửa sắm sanh được ít nhiều, hồi còn con gái má thì thích nghe ca nghe hát, Lấy ba bay một thời gian, ổng mua cho cái ra dô mở tiếng ọt ẹt lúc có lúc không, nghe đỡ ghiền chớ nhiều lúc tức chết được, đang nghe hát nghe hò thì tự nhiên rọt rẹt mất sóng, nấu cơm nửa chừng cũng vội vàng chùi sạch tay tắt máy chớ sợ hư, sợ tốn pin !
“ Rồi có dịp nào đó mà má quên rồi, hai vợ chồng đi về phủ, ngang qua chợ chính nghe tiếng hát mùi mẫn, lấn vô coi, thì ra máy hát…má đứng như trời trồng ở đó, tai lắng nghe, mắt nhìn lom lom cùng bầy trẻ nhỏ, ba bay giục mấy lần mà má nào chịu đi…Về nhà, đầu óc má lúc nào cũng nhớ cái máy, tai lúc nào cũng nghe vọng vọng tiếng hát. Năn nỉ ỉ ôi không được bỡi lẽ nó nhiều tiền quá, sau nhiều đêm tính nát óc, má mới nghĩ ra cách hùn tiền mua về làm ăn trước đã…
“ Nói chung ba bay cũng chìu má cộng với từ ngày về với ổng má tính đâu ra đó nên ổng tin tưởng lắm, má bàn với mấy chú thợ cũ đã ra nghề…
“ Ngày ba má đi về phủ để mua máy thì ở nhà mấy chú mày mua bồ cót về che xung quanh cái sân lại cao quá đầu người, kê ghế kê băng đâu vào đó, hàng phố qua lại cũng không biết nhà mình định làm gì …
“ Máy mua kèm một chồng dĩa to hơn cái dĩa bàn lớn, bỏ cục pin, lắp dĩa là máy quay, có cây kim cà lên, tiếng hát tròn trịa cất cao, mở to mở nhỏ vặn cái núm một bên cái loa như cái bông xòe nở, là xong…Mấy đêm đầu đâu đủ chỗ ngồi cho khách bỏ năm cắc vô vừa coi vừa nghe, cái đèn măng xông sáng rực tuốt ngoài đường…
“ Một đêm ba bốn dĩa thay phiên đủ loại nhạc, đủ loại tuồng cải lương…khách không ngớt, nhiều đến nỗi bên kia đường có xe mực khô nướng, bắp luộc do ké ánh sáng đèn măng xông mà buôn bán đắt hàng…
“ Đông như hội như hè rồi cũng bớt dần bớt dần trong khi má và mấy chú mày thu tiền về nhiều hơn cái máy với chồng dĩa mà chưa thay cây kim nào ! Nghỉ, ai cũng vui, mấy chú thợ được chia tiền thì vui hơn còn vui nhứt là má, má sở hữu được cái máy hát dĩa đầu tiên của xứ này …
“ Từ ấy tiệm may mở máy hát luôn trong giờ mở cửa, khách may đồ đông hơn do đến chơi nghe máy không còn tốn tiền, còn má nghe riết bài nào cũng thuộc, tuồng nào cũng thuộc, từ Trần Minh khố chuối, Lưu Bình Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài… của tuồng hát đến giọng chị em Thái Thanh Hà Thanh, nam tài tử Ngọc Bảo, tiếng hát cặp vợ chồng Nguyễn Hữu Thiết– Ngọc Cẩm đến tiếng khẩu cầm Tòng Sơn… Nghe quen đến nôĩ xuống dưới phủ Tuy hòa nghe ra dô tiếng kèn Tòng Sơn phát trên đài má không chịu được vì có lẽ mình nghe từ dĩa hát nó chuẩn quen tai mất rồi…
Chúng tôi nghe má kể chuyện bình thường sao mà hay hơn chuyện cổ tích nghe hồi còn thơ ấu
Nghe má kể thì không mỏi, nghe xong chúng tôi nằm dài xuống tấm phản, tai mơ màng nghe tiếng hát văng vẳng đâu đây…ngoài kia trăng non sáng dịu ....
Phú Đặng