Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Người bán đồ Mỹ trong thúng

     " Khi về dấu cũ mù tăm
     " Tôi tìm tôi giữa tháng năm phai mờ ... ( Sông Trẹm ) 

       Năm ấy Đại Hàn về đóng đồn kề bên Gò mả, dân tình chưa thấy ảnh hưởng gì lớn bỡi chỗ đất này là của làng, lại cao nên không có nước, cũng chẳng ai từng nhận trồng tỉa gì ở đó…
     Dân làng ban đầu cũng e ngại, dần dần hình như có ý xem thường. Cứ mỗi sáng mỗi chiều lại kéo nhau xếp hàng chào cờ, cả ngày từng nhóm dang nắng đào hào đắp lũy và dồn đất cát vô bao chất nhiều lớp làm công sự. Hai bên cổng kéo kẽm gai có hai ông lính ôm súng đứng nghiêm như trời trồng, bốn góc đồn có nhiều lỗ chờ súng chỉa ra…
    Cách ngày, một chiếc xe quân sự mười bánh chạy vô rồi sau đó lại chạy ra. Chẳng thấy ra khỏi đồn mua bán gì, chẳng đi lùng sục bắt gà bẻ bí hay chọc ghẹo đàn bà con gái như hình ảnh đám lính ở làng. Có người còn buột miệng “ lính gì nhát hít “ !
Làng trở nên đông dân hơn nhiều, vài nhà thì đã có một cho bà con đi tản cư ở nhờ, ở đậu. Chưa có công ăn việc làm, sáng chiều ngóng cổ hướng về cánh đồng, xa xa là dãy núi mờ tỏ tuỳ thuộc làn khói do cà nông hay máy bay thả bom xuống nhiều hay ít...Đường về quê cũ không núi không sông ngăn cách nhưng bom đạn lúc rơi hú hoạ lúc như vãi trấu đã chặn đứng đường về .

     Rồi cũng phải sống, nông dân có ruộng bề bề không cấy hái được cũng phải theo làm thuê làm mướn, ngoài bãi sông đàn ông cuốc cỏ mía, gánh mướp gánh dưa thuê từ bãi soi về làng, gánh thuê cả xuống phía miền biển cho bà con bán dạo. Phụ nữ kẻ đi theo phụ cấy mướn, người ráp với người cùng quê tụm lại chằm nón, mắt cứ nhìn ra, lâu thiệt lâu mới xong cái nón lá, bán mắc bán rẻ gì cũng làm cho có, chờ ngày…Ông già bà cả chóp chép nhai trầu hút thuốc mỏi miệng, mắt đờ đẫn nhìn về dãy núi xa xa…

     Không nhớ đám lính Đại Hàn đóng quân ở làng bao lâu, nhưng chắc là thời gian không dài. Thình lình, một buổi sáng sau khi xếp hàng chào cờ, hàng đoàn xe nhà binh mười bánh rầm rộ chạy đến và dừng lại trước đồn. Từ bên trong, lính lại xếp hàng lên hết xe này đến xe kia. Đoàn xe chạy về hướng tây, nơi nhiều dãy núi lô nhô giăng hàng. Trưa, đồn vắng hoe !
Một ngày, hai ngày không ai bén mảng đến quá khu Gò mả. Ngày thứ ba, một thanh niên gan dạ vào đó chạy về trên hai tay cầm một xẻng một cuốc nhà binh còn như mới ! Đến trưa, hình như trừ ông bà già với trẻ con, nhiều người chạy đến đồn…

     Tay nhà nông, cuốc bàn to đào xới nhanh như đào mương dẫn nước mùa hạn ! Lúc đào, lúc móc, lúc dừng tay lôi lên ném cho người quen đứng bên trên gom … Quý nhứt là cuốc xẻng nhà binh, cái nào cái nấy còn y thinh, lưỡi cuốc lưỡi xẻng như mới mài, nước sơn màu rêu chỉ có một vài dấu trầy ! Lâu lâu gặp đồ hộp cái còn y nguyên trong hộp giấy, cái còn nguyên hộp sắt sơn mới tinh, cái có vết móp do lưỡi cuốc chạm nhẹ, bia lon hết lon còn, ôi thôi đủ thứ …Thỉnh thoảng có người nhặt được thứ gì đó màu đồng sáng quắc, nhìn quanh lấm la lấm lét, nhét nhanh vào lưng quần ! Nhóm phụ nữ với bản tính chắc mót và thực dụng thì đổ đất cát trong bao ra lấy cái vỏ bao, xếp cả chồng …
     Ba tháng sau, cái đồn cũ gần như san bằng nhưng vẫn còn người đào kẻ xới, mót lại những gì những người trước còn bỏ sót…

     Từ ngày đầu cả làng đi bươi đi móc đồ chôn trong đồn bà đã mua, chỉ mua được thứ không ai mua, không ai ăn là đồ hộp cho lính ăn ! Cái thứ mang về phải dùng dao nhọn vừa đục vừa cạy ra, ai cũng nói cái mùi kỳ quá, ăn không quen. Bà mua vì rẻ quá, mua nhiều đến nỗi đồ hộp bỏ lộn xộn trong nhiều bao, cái bao tận dụng từng đựng đất cát làm công sự. Bao chồng bao chất lút mái, chái nhà nơi người bà con cho ở nhờ giờ chỗ ngủ còn đúng một cái giường đơn. Cái tính toán buôn bán của người đã quen mua bán từ hồi còn con gái đến giờ bà chẳng hy vọng gì sẽ bán được có lời nhiều. Có chăng vì tiếc, vì đồ thì rẻ quá, bà thì rảnh quá lại chẳng đủ sức đi cấy đi gánh như người ta, dự tính sẽ đem đi bán dạo cho có, cho qua ngày đoạn tháng …

     Mỗi ngày, buổi sáng đợi trưa trề trưa trật, chợ đã tan mới lấy trong bao cỡ vài chục hộp, hộp cao có hộp ngắn có, cho hai phần vào cái thúng con một phần vào cái giỏ kẹp. Thúng thì cắp nách bên tay này, kẹp thì xách tay kia đi theo con đường cái quan có con mương nước chạy cặp một bên, chảy xuôi chiều. Sau lưng một thằng nhỏ đội nón vải mặc bộ bà ba đen dài tay quàng qua vai cái túi vải chứa duy nhất chai nước uống từ vỏ chai rượu anis bốn cạnh, đi thì không sao, chạy thì chai va vào hông sườn đau điếng…

      Bà bán dạo nhưng không rao hàng, hai mẹ con đi bán như đi chơi, khách hàng chủ yếu là mấy chú lính, đám phu lục lộ sửa vá đường hư và mấy anh học trò . Mà mua bán cũng ngộ, người bán người mua ai cũng biết trong hộp là đồ ăn nhưng không biết loại gì, cần mua hộp bánh ăn chơi lại khui ra hộp thịt ! Thằng nhỏ khéo tay lại có đồ nghề quý cột bằng sợi dây treo tòn ten qua cổ nhanh tay khui nắp, tiếng ồ tiếng à tiếng cười tiếng hứ khi nắp đã mở, tiền đã đưa, hàm răng nhuộm đen bà cười vui khi người mua vừa ý hay cười trừ khi không phải thứ họ muốn mua, coi như một cách chào rồi tiếp tục đi…

     Cũng có ý muốn học muốn làm dấu để nhớ, nhưng khổ nỗi trên vỏ hộp viết toàn tiếng gì đâu không trong khi bà thì không biết chữ, thằng nhỏ thì tiếng Việt biết làng nhàng ! Có một bữa, chú lính cứ cầm hết hộp này đến hộp kia lắc ý nói muốn tìm hộp thịt gà , may rủi gì đâu có đám học sinh nhào vô mua, một anh tài lanh chỉ đây là hộp thịt gà, nhanh chóng khui ra ngay, chú lính phải trả tiền, la anh học trò một trận - hộp bún hay hủ tiếu gì đó không thôi, ớn muốn chết, có …chút xíu gà ! ( sau này mới biết Chicken Noodle – anh học trò chắc mới học tiếng Anh được chữ Chicken ! )

    Đúng là bà đi bán rong mà như đi chơi thiệt, bỡi cứ gần đến giờ cơm trưa là bà ghé một nhà bà con nào đó, hầu hết là vai em của bà. Cũng không hiểu bà có hẹn hay không mà có cơm canh đầy đủ và cả nhà cùng đợi bà về ăn. Ăn xong vừa nhai trầu vừa nói đủ chuyện, đầu tiên là nhắc bom đạn rần rần vậy đã đào hầm hay che bao cát xung quanh tấm phản làm chỗ núp pháo kích tới đâu rồi, sau thì chuyện giỗ chạp tháng tới tính sao, lúc thì chuyện mả mồ, chuyện thằng cháu kia sắp đi quân dịch, con vợ nó đang có chửa đã liệu định chưa ? …thằng nhỏ chán ra ngoài hè dựa tường ngồi nhìn trời nhìn mây, gió hiu hiu ngủ gà ngủ gật, trong mơ có tiếng gió quạt nan và cái bụng anh ách chứa hột é nước đường nằm trên tấm phản ê a đọc chuyện Phạm Công Cúc Hoa cho bà nghe, cứ đến đoạn hai đứa trẻ mồ côi ngồi bên mộ mẹ là Cúc Hoa, thằng anh Tấn Lực lột củ khoai cho em gái Nghi Xuân đang đói ăn là không thể đọc tiếp, lấy mu bàn tay chùi nước mắt…

    Xế chiều bớt nắng, thủng thỉnh quay về, ghé nhà mấy anh học sinh trọ học, bà đưa mấy lon đồ hộp cuối cùng, nhận đồng bạc cắc với nhiều tiếng cám ơn, bà lại cười chia tay với hàm răng đen nhánh…Đường về trời mát hay phải ghé chỗ nào đó thì đi bộ, thằng nhỏ nghịch giành đội ngược cái thúng trên đầu, tay cầm cái roi giả bộ cỡi ngựa… Không có việc chi cần ghé thì cả hai đi xe ngựa, thằng nhỏ được ưu tiên ngồi phía trước, vài lần được ông lái xe ngựa cho bóp kèn…

     Bán dạo kiểu bà chẳng lời lãi gì nhưng bà chắc có lý do để tiếp tục mà không có đứa nhỏ, chiến tranh rượt đuổi theo đã đến bìa làng tản cư, chắc bà sợ ! Cho đứa nhỏ về bên kia cây cầu dài ở tạm với người chị của nó, dặn nó cứ chơi cho đến ngày tựu trường, sẽ xin cho được đi học… Nụ cười với khách mua hàng khi cắp thúng rời đi, thưa dần…


    Ngày chia tay cả hai không hề có nước mắt hay một vòng tay ôm, hai đôi tay vẫy… Thằng nhỏ rất khoái khi được đi xe ngựa xa đến vậy, được đi qua cây cầu sắt rất dài, bà cùng đi, thủng thỉnh ở lại chơi mấy ngày liền. Ngày về, bà vừa cắp nón xách giỏ ra cửa, thằng nhỏ vội vàng theo đám trẻ chạy ùa ra bến sông, câu cá !
    Cái thúng cái thay cho cái thúng nhỏ cắp nách ngồi cố định ở đầu chợ mọi buổi sáng và sạp hàng bán đồ Mỹ ở chợ chính năm sau. Tới giờ này, thằng nhỏ vẫn một mực tin rằng chính bà là người giỏi nhất, bán đồ Mỹ ăn được trước nhất và bán được nhiều thứ đồ Mỹ cho ăn xài nhất mà không hề biết một chữ bẻ làm đôi…