Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

Mới cái độp !

Một góc ngồi mơ mùi hương nhớ
“ Ngủ gục hiên nhà tôi nhớ tôi ...
     ( Trích thơ Nguyễn Hữu Khiêm )


        Sáng lừng xừng cầm ly cafe ngáp lên ngáp xuống, đêm qua vui quá đà bỡi gặp bạn phương xa trở lại thăm quê ghé chơi, mãi một giờ sáng mới ngắc ngứ mò về leo lên giường. Vợ chở thằng nhóc đi học rồi đi làm từ lúc nào chẳng hay biết gì, ngủ dậy nhà cửa lạnh tanh !
Chắc vợ hổng vui rồi...
Thôi ráng đến chiều, nàng về tìm cách nịnh đền chớ biết sao.
Điện thoại reo, nhìn là biết lại thằng quỷ này rủ rê nữa, mới cái độp hồi hôm, chừa đường cho tui đi, bọn quỷ !



      Chiều chở con về còn na theo con vịt xiêm mập ú, ngạc nhiên khi tháo con vịt ra khỏi yên xe, nịnh đùa:
- Ủa, vịt ở đâu mà em lùa về vậy ? Có ai thấy không ?
- Bớt giỡn đi chồng ! Đặt trước bên chế Hiền đặng làm sinh nhật thằng Tủn, tuần sau chớ mấy, thôi đôn sớm sẵn dịp có anh Phong còn ở lại chơi, cho vui.
- Woah ! vậy mà từ sáng giờ anh cứ lo, lo là em giận chuyện đêm qua .
- Trời đất, nghĩ gì ngộ vậy ? Bạn bè hồi nhỏ mà bây giờ sau từng ấy năm còn nhớ về thăm, quý lắm đó, dễ mấy người...
- Nhưng nó về thăm má nó mà, ở quê bạn bè chỉ còn mấy đứa, tối buồn nên nó ghé ...
- Bậy nà, đừng nói vậy, ảnh nghe ảnh buồn ... Em thì không rành nhưng coi bộ anh Phong có tình có nghĩa, ít người lắm đó nghen, mới về cái độp đã đến thăm bạn.

    Mới cái độp ! Ờ, mới cái độp đã gần hai mươi năm nó bỏ quê lên thành phố, tôi bần thần khi nhớ khoảng thời gian quá dài đã trôi qua mà tôi như đã quên. Theo lời vợ sắp đặt, tôi bốc điện thoại gọi hẹn vào chiều hôm sau.
   Y hẹn, Phong mang hộp bánh và chiếc xe đồ chơi làm quà sinh nhật cho cu Tủn, đi cùng với Hải, bạn học có nhà cuối xóm làm chủ kiêm tài xế cái xe máy cày tay “đồ nghĩa địa” và một rờ mọt xe công nông cọc cạch  !
   Nhà chẳng còn ai ở quê, lấy vợ muộn lại là người khác huyện, tiếng là làm sinh nhật đứa con cho lấy có chớ ở quê mà sinh sự làm chi, vợ bày một mâm ba thằng ngồi ngoài sân nhậu, mình ênh chạy tới chạy lui lăng xăng phục vụ cùng lúc đút cơm thằng con chẳng chịu ăn, cứ cắm đầu lo đẩy chiếc xe bằng nhựa, tương lai rực rỡ dữ à nha !
   Phong tợp ly rượu nói khề khà :
- Chỉ ở đây mới có cái mùi này, khó diễn tả quá
- Là sao ? Rượu gạo thiệt nó như vậy đó
- Không, không phải mùi rượu, mùi trong không khí kìa !
 Ờ, mùi rơm mục, mùi sình non, mùi phân chuồng hoai oải, mùi khói hăng hăng ai đốt lá theo cơn gió nhẹ thoảng qua, mùi rượu bọt pha nước mưa ... Tôi định mở miệng thì Hải phang ngang :
- Mùi nhà quê ấy mà, ai cũng nói ở quê không khí trong lành nhưng tui không thấy vậy, mùi cứt heo và mùi nước đái bò ám vô tóc tai quần áo, tui quen còn thấy tui hôi hôi ...
- Bậy nà, cái mùi cái vị cái không khí nó khác, nó êm đềm quen thuộc lâu bền chớ không phải như mày nói đâu Hải, thậm chí cái mùi nước mắm gừng nó cũng bốc lên đậm đà chứ đâu cần đưa vô miệng... Ngừng chút, Phong mơ màng nói nhỏ - tao thì nghĩ, đó là mùi của quá khứ, đó là vị của quê nhà !
  Ly xây chừng quay tua lại đến Phong, nó giơ ly rượu soi qua ánh đèn điện, cái màu đùng đục nhẹ như màng sương của rượu gạo pha nước mưa để giành trong mái, tợp một miếng, xong chép miệng, thấy nó uống ngon đến nỗi chưa đến tua cũng muốn đưa tay lấy cái ly, tự rót !
   Cái thằng, nhìn nó uống rượu mà tưởng là nó nuốt trộng cả màu sắc mùi vị lẫn nguyên cái ly ...

    Mới hôm qua, khánh thành cây nước đầu xóm, từ nay ai có khả năng thì hùn kéo ống về nhà xài, trả tiền theo đồng hồ. Rồi đây xứ này ai mà dùng thứ nước chứa trong vài ba cái lu to bằng sành nơi sàn nước, múc từ kênh rạch lên để lóng phèn tắm giặt rửa ráy ...
 Rồi đây, ăn uống pha trà rửa cẳng gì cũng xài nước từ ống nhựa chớ cái nước thần thánh pha rượu này nay mai chắc gì ai còn nhớ, người người tôn sùng nước đóng chai bán như nước tinh khiết, nước suối, nước Lavi chớ hơi đâu bỏ công ra làm, mà có đâu mà uống, riết rồi biết gì đâu mà nhớ...
   Để có được loại nước không chỉ là thứ nước trên trời rớt xuống mà theo thời gian thích ứng hoàn cảnh cộng với cả trăm năm kinh nghiệm đã nâng lên tầm thượng thừa nên rất ngon. Đi làm đồng về múc một gáo nước, uống thấy ngót ngót thơm thơm lại mát rượi, còn đem pha bình trà ướp hoa lài hoa sói thì mùi hương lại dậy ngan ngát, nhâm nhi xong vài chén rồi bỏ giò xuống khỏi bộ ngựa đi làm mà hương trà thơm còn ám vào chòm râu lưa thưa của mấy lão nông. Thậm chí ông già đi xóm, bà già đi chợ về pha nửa nước sôi nửa nước múc trong mái ực một hơi dài cũng tỉnh cả người !
    Để có được loại nước ấy phải bắt đầu từ cái mái chứa nước mưa, mái chứa cả chục đôi nước nên thân to và cao, có nắp đậy, mái làm bằng sành tráng men màu da lươn, nhà kha khá thì mái chứa nước xếp thành vài hàng dài...
   Phương nam mưa nắng hai mùa, từ bữa chiều chiều làm giông rớt hột đến vô mùa cũng cả tháng, vô mùa rồi phải đợi cho qua vài mươi ngày nửa tháng gì đó cho nước mưa làm sạch mái lá thì mới hứng để chứa, cứ từ từ mà hứng chớ không phải cơn mưa nào cũng làm bừa lấy nước cho xong chuyện, đợi cơn mưa dầm nổi bong bóng từ trưa thì gần xế chiều hẵng sắp máng vô hứng, đầy thì đậy nắp hờ, đợi đó...
   Gần cuối mùa cũng là lúc bí đao đã cứng vỏ già quéo ngoài rẫy, lựa mươi mười lăm trái don don mang về rửa sạch để ráo nước, bữa nào rảnh rỗi thì mở nắp cái mái vớt sạch mảnh lá còn sót nổi lên mặt như là hớt bọt nấu canh, xong bỏ ủm trái bí đao còn nguyên vỏ vô, đậy nắp rồi trét đất sét, miết mặt nhẵn thín giữa mí nắp với cái miệng mái, làm cho gọn, xong đảo con mắt ưng ý hàng mái sắp lớp là ... ngon lành !
Nước mưa cuối mùa không lấy nữa, muốn chứa đựng bằng cái gì thì tùy, lai rai dùng cho đến đầu mùa khô, cũng cỡ qua Giêng, lúc đó tuần tự sẽ dùng dần từng cái mái một cho đến mùa mưa sang năm ...

    Cạy nắp mái ra nhìn xuống, nước trong leo lẻo, thấu tận đáy một lớp mờ mờ trắng do trái bí rữa ra, nước trong đến nỗi thấy rõ cả cái vân của cuống trái bí đao già không mục rữa ! Múc gáo nước đưa lên miệng uống, trời ơi nó mát nó ngon không thể tả hết bằng lời, chính loại nước trong vắt này mà pha với rượu gạo nước nhứt cũng trong như mắt mèo lại ra một loại rượu có cái màu mờ đục nhẹ nhàng như mây trời ai kéo về rót pha chung để thành hỗn hợp ba trong một, cái mùi cái vị đậm đà, cái màu sương mỏng lãng đãng trong ly làm gợi nhớ, màu nhớ y sì màu nước mắt ứa ra lúc nhớ, chắc ai đó đã từng thấy nước mắt chính mình đang chảy, rồi ai đó đã đặt gần đúng tên màu nhớ,  màu - nước mắt quê hương ...

   Trăng non tháng Chạp miền hạ phủ ánh sáng vàng mờ mờ, hơi gió Tết se se, sương đêm không kịp phủ hơi lạnh lên mặt ly rượu xoay tua...
Lừng khừng, hai ông bạn đứng dậy ra về, Phong tưng tửng cà rỡn :
- Mấy chai sau mày pha nước mưa cho cố, hèn gì uống hoài hổng thấy say !
Phú Đặng - Mùng 1 Tết