Hồi tôi còn 14 tuổi, 15 tuổi, thì đã nghe người làng nói nhiều về cái tên Năm Chuột. Về gốc gác của hắn, chỉ thấy nói là người làng Kỳ Lam, cái làng ở phía Bắc làng tôi, cách một con sông, về sau có cái ga xe hỏa gọi là ga Kỳ Lam, còn mọi sự khác không biết rõ. Hình như hắn cũng không có nhà cửa, cha mẹ, vợ con gì ở làng. Hắn làm thợ bạc, quanh năm đi làm nghề ở các nơi, nhất là các nơi đô hộ, như Huế, Ðà Nẵng, Hội An.
Họ nói Năm Chuột là thợ bạc khéo nhất đời, ở Huế có nhiều thợ bạc danh tiếng cũng phải chịu thua. Nhưng lại nói hắn tổ làm đồ vàng giả, mỗi khi được gọi đến nhà làm đồ nữ trang cho người ta, nhà chủ dù ngồi cạnh một bên, hắn cũng cứ tráo bạc, tráo đồng vào, lấy vàng ra, không làm sao biết được. Bởi vậy cả vùng quê chúng tôi, những nhà giàu có, vốn biết Năm Chuột là thợ khéo, nhưng không ai dám thuê hắn làm việc gì về cái nghề của hắn cả. Nhiều người còn nói Năm Chuột đúc súng, đúc bạc giả được. Mỗi khi nói điều ấy, họ làm ra vẻ bí mật, hình như họ có ý ngờ cho Năm Chuột định làm một việc gì lớn, “làm giặc” chẳng hạn.
Nhưng không biết thế nào, người ta lại cho Năm Chuột là kẻ nói láo nói phét, vào cái hạng “mười voi không được bát nước sáo” tức là mắng người ấy đã lại nói láo nói phét rồi,có khi chỉ dùng độc một chữ: Chuột quá tức là láo quá.
Lúc bấy giờ tôi đang đi học ở những nơi cách xa làng, mỗi khi về làng, lại thỉnh thoảng nghe người ta nói chuyện về Năm Chuột như thế, như thế, tôi cũng chỉ nghe làm tai mà thôi, không để ý mấy. Mà hẳn thế, cậu cả con quan phủ, học giỏi có tiếng, đang lo sôi kinh nấu sử để khoa tới đây đỗ thủ-khoa, không thì cũng cử-nhân năm tên trở lên, việc gì mà phải để ý đến chuyện một anh thợ bạc.
Năm hai mươi tuổi, tôi thi đỗ tú tài--- quái lạ, sao lại đỗ tú tài? --- về nhà, cách mấy hôm thì tôi đi về làng Xuân Ðài thăm bà ngoại tôi và cậu tôi. Ở ăn một bữa cơm trưa, đến xế chiều, tôi cáo về thì vừa có một người đến. Người trạc dưới bốn mươi tuổi, mặt trẹt, nước da xanh xám, mắt sáng, miệng rộng, hai môi trề ra, hàm và cằm như nguyên không có râu, không phải cạo, người thấp song cũng không thấp lắm, đầu trọc, quấn cái khăn vải đen, áo cộc cúc giữa, quấn đến đầu gối, chân mang dép da sống.
Người ấy lúc vào đến cửa, hai tay cắp cái nón lá ngang ngực cúi chào cậu tôi, khi bỏ cái nón lá ra, mới thấy trong tay còn cầm một cái nữa mà sau này tôi mới biết đó là cái dọc tẩu. Nó là cái ống tròn mà dài, thấy thoáng như có khảm xà cừ và bịt bạc, bịt vàng gì đó. Cậu tôi như chào như không phải chào:
- Anh Năm phải không?
- Dạ, lâu lắm, có thể quan lớn quên tôi.
Tôi nguyên đã cáo về rồi, cho nên dù có gặp một người khách mới vào hơi lạ như thế cũng cứ việc ra về. Không ngờ khi tôi ra khỏi cổng, lên đường về mới một chặng, nghe có người chạy theo đằng sau gọi tôi đứng lại, thì ra là người thấy lúc nãy. Anh ta tự giới thiệu:
- Tôi là Năm Chuột đây.
Rồi đột ngột hỏi tôi:
- Nghe nói cậu đậu Tú Tài mà cậu khóc, có phải không? Giả sử cậu được đậu thủ-khoa thì cậu làm nên cái trò trống gì?
Một gáo nước lạnh xối vào xương sống! Tôi bẽn lẽn ấp úng, cười hì hì không trả lời được. Bởi vì cái lẽ anh ta nói đó tôi cũng có nghĩ tới, nhưng không đi thi thì thôi, đã đi thi thì lại muốn đậu to. Thế rồi Năm Chuột đi cùng đường với tôi, vừa đi vừa nói chuyện.
Anh ta có đưa cái dọc tẩu lên, nói với tôi:
- Ông cậu của cậu thật là keo quá, cái dọc-tẩu thế này mà cầm trả có năm đồng bạc.
- Hoặc giả cậu tôi không có nhiều tiền chăng?
Tôi nói cho có nói, chứ không có ý gì cả. Nhưng anh ta cãi phăng:
- Quan lớn hồi xưa (chỉ ông ngoại tôi) làm đến Tổng đốc Hà Nội vừa chi, mà không có tiền lợp nổi cái nhà của ông bà để lại đã tróc ngói ; còn ông phủ (chỉ cậu tôi) mới làm Tri-phủ có ba năm về “chung dưỡng”, mua được những mươi mẫu ruộng, tôi biết là hạng đất tốt nhất, thế sao nói là không có nhiều tiền?
Tôi thấy cái điều anh ta nói đó hình như đúng, tôi làm thinh. Bỗng dưng anh ta cất tiếng cười một cách rất xỏ lá, rồi nói tiếp:
- Ai có đời, cha chết vì đánh Tây mà con trở đi làm quan với Tây!
Nghe câu này tôi cảm động quá. Tôi không dám chống lại ý anh ta, chỉ nói như vớt vát một ít:
- Thấy bà ngoại tôi kể chuyện, lúc ông ngoại tôi mất rồi thì cảnh nhà sa sút quá đỗi, nếu cậu tôi không làm như thế thì đến lụn bại mất.
Anh ta bĩu môi, cái môi đã trề rồi, còn bĩu nữa, rất khó coi:
- Ra chỉ có làm quan mới cứu vãn được nghiệp nhà. Thế thì bao nhiêu người không làm quan, họ đều đi ăn mày hết.
Tôi lại làm thinh. Ngừng một lúc, anh ta nói tiếp:
- Hèn chi mà quan lớn chết ở Hà Nội năm Ngọ, năm Dậu thất thủ kinh đô, Nghĩa-hội nổi lên đánh Tây, năm Hợi, Tây kéo lên đóng đồn ở chùa Phi Phú, thì ông cậu của cậu đã làm bang tá trong cái đồn ấy. Ðể làm gì? Cậu có biết không? Ðể đàn áp Nghĩa-hội.
Những chuyện ấy, thầy mẹ tôi có kể cho tôi nghe hồi còn nhỏ, tôi biết cả, nhưng tảng lờ nói:
- Tháng tám năm Hợi, mẹ tôi mới đẻ tôi ra, tôi làm gì biết được những chuyện ấy?
Anh ta lại cười, nhưng không xỏ lá, nhìn vào mặt tôi:
- Thấy người ta nói cậu thông minh, nói chuyện với cậu, tôi cũng thấy cậu thông minh thật.
Thình lình anh ta nhảy mũi dặp hai ba cái, lấy khăn lau nước mũi cả nước mắt nữa, rồi nói thêm:
- Như tôi, (anh ta lấy tay phải ấn vào ngực) ghiền thuốc phiện cho đáng, chứ ông cậu của cậu mà cũng hút thì hết thảy những người nghiện chúng tôi đều phải lấy làm lạ.
- Sao vậy?
- Quan lớn hồi xưa có cùng mấy ông em lập một bản “gia ước”, trong đó có một điều cấm con cháu hút thuốc phiện, nếu phạm thì trừng trị bằng những cách nào đó. Thế mà dám phạm. Ðủ biết con người của ông cậu của cậu là vậy đó: cái gì cũng làm nghịch lại với cha.
Cái “gia ước” mà anh ta nói đây, tôi không hề biết, vì không hề nghe ai nói tới.
Nhưng tôi nghĩ, nếu đúng như thế, thìanh ta nói cũng có lý. Tôi lại làm thinh.
Ðây đã đến chỗ con đường rẽ vào nhà tôi, tôi đứng lại, nói mấy lời từ biệt.Năm Chuột nắm lấy tay tôi và nói:
- Tôi nói nãy giờ có làm mếch lòng cậu không? Ở đời có thiếu gì chuyện nói, hà tất tôi gặp cậu lần đầu phải nói để làm mếch lòng cậu, nhưng tình cờ gặp câu chuyện đáng nói thì cứ nói.
Rồi anh ta tỏ ý mong gặp tôi lần khác.
Tôi vừa đi về nhà vừa nghĩ, “À, ra Năm Chuột là con người như thế đấy”.
Là một anh thợ bạc, sao lại nói được những điều như thế, tôi lấy làm lạ.
Tối hôm ấy, tôi đem cả câu chuyện Năm Chuột nói với tôi kể lại cho thầy tôi nghe. Thầy tôi bảo:
- Cái thằng láo đến thế là cùng!
- Nhưng những điều hắn nói, con thấy như cũng có cái đúng.
Tôi rón rén thưa lại.
- Ðúng kia à? Mặc dầu đúng chăng nữa, cái hạng thằng Năm Chuột mà lại được nói thế à ?
Thấy thầy tôi nói hơi xẵng , tôi làm thinh. Một chặp tôi mới dịu giọng hỏi:
- Cái “gia ước” ông ngoại lập ra mà Năm Chuột nói đó, thầy có biết không?
- Tao không biết. Thấy nói sự cấm hút ấy ở nhà Ðông bàn (nhà quan thượng Phạm Phú Thứ) thì có, còn nhà Xuân Tài, tao không nghe.
Ðến lúc tắt đèn, đi ngủ rồi, thầy tôi còn nói một mình:
- Cái thằng láo quá!
Ðó về sau hơn 10 năm, tôi không gặp lại Năm Chuột lần nào. Chừng vào khoảng 1920, một lần tôi ở Hà Nội về nhà, thấy người ta nói Năm Chuột bây giờ lập gia đình ở ngụ tại làng tôi, tôi bỗng có cảm giác như là một vật gì mình đã bỏ quên đi mà bây giờ thấy lại.
Làng tôi có một chỗ gọi là Cồn Mũi Gươm, có một vạt đất gọi là đất Chó ỉa, theo lời thì Năm Chuột đã xin làm cái túp tranh trên vạt đất ấy, và cưới vợ là con gái quá lứa của một nhà có môn bài bán rượu và thuốc phiện cũng ở làng tôi. Hắn vẫn làm thợ bạc.
Một hôm tôi đến thăm, thấy trong nhà chỉ có một căn ván nhỏ, trên đặt cái bàn đèn, một cái buồng che phên tre, ngoài ra là cái lò bễ bạc để ngay chỗ cửa ra vào. Bấy giờ gần đến Tết, trời hơi lạnh, hắn ở trần, ngồi cạnh cái lò bễ đang hơ cả người trên lửa. Hắn xin lỗi tôi và nói:
- Người ta tắm bằng nước, nhưng tôi quanh năm tắm bằng lửa. Hơ thế này cho đổ mồ hôi ra, kỳ sạch ghét, thì cũng chẳng khác tắm bằng nước.
Hắn mời tôi ngồi trên ván, tôi không ngồi, ngồi trên cái đòn kê đặt ở đất gần lò bễ, chỗ sắm cho bạn hàng ngồi xem hắn làm việc.
Anh ta không tắm nữa, mặc áo vào, cho than thêm vào lò bễ, bắt ấm nước lên, rồi gọi vợ súc cái bình tích trà hãm đi, cho trà khác vào, pha nước mời tôi uống và sưởi lửa, cũng nói chuyện. Lần này anh ta gọi tôi bằng ông, nói rằng:
- Mười năm về trước tôi mong lại gặp ông mà không được gặp, lần này gặp, tôi không có chuyện nói.
- Ông mà thiếu gì chuyện, như chuyện nói với tôi năm nọ khi đi đường từ Xuân Ðài đến Bảo An.
Anh ta đưa tay lên khoát khoát, nói thật nhanh:
- Thôi thôi, đã lâu nay tôi không còn nói những chuyện như thế nữa. Nói không có người nghe mà còn có hại. Giá tôi còn cứ nói cái lối đó thì không thể nào lấy vợ và lập gia cư ở làng ông được.
Tôi nói:
- Ðã thế thì đến phiên tôi. Trước kia ông không sợ mếch lòng tôi, thì bây giờ tôi cũng không sợ mếch lòng ông mà hỏi ông một vài điều.
Anh ta cười một cách thẳng thắn.
- Ðược lắm, những nhà giàu làng tôi họ đều nói ông hay ăn cắp vàng nên họ không dám thuê ông làm cái gì hết, bây giờ ông vác lò bễ đến đây làm gì?
Anh ta lại cười, nói dằn từng tiếng:
- Sở dĩ tôi ở đây là vì có thể chữa đồng hồ, xe đạp, bút máy, khóa tây, nội những việc đó đủ cho tôi làm hàng ngày rồi, còn sự làm đồ vàng bạc thì chỉ thỉnh thoảng mới có.
- Nhưng tôi muốn biết ông quả có ăn cắp vàng không? Và ăn cắp như thế nào?
Anh ta lại cười một cách xỏ lá:
- Thứ ăn cắp mà kể gì? Có những kẻ ăn cướp thì không ai nói đến. Tôi có ăn cắp vàng thật đấy, nhưng cũng tùy chỗ tùy người, ở làng Bảo An đây thì tôi không thèm.
Rồi anh ta thuật lại chuyện ăn cắp vàng cho tôi nghe:
- Năm Thành-Thái thập nhị, ông Nguyễn Hữu Thẳng làm Tổng đốc tỉnh ta, cô hầu ông ấy gọi là cô Hóa Mộc, tuy cô hầu mà oai quyền như bà lớn. Một hôm, tôi được trát đòi đến, lính bẩm báo rồi dắt vào nhà trong. Cô ta muốn tôi ở lại đây làm cho cô một đôi vòng chạm y như đôi cô có sẵn, và hỏi tôi có thể làm được không. Tôi nói “được”, và xin cho xem đôi vòng chạm sẵn có của cô. Cô ta mở tủ lấy ra, toan trao cho tôi. Tôi có một vuông lụa trắng tinh khiết bỏ sẵn trong túi, bèn lấy lót trên bàn tay, rồi mới nhận lấy đôi vòng tự tay cô đặt lên vuông lụa. Tôi đem ra chỗ sáng, cô đi theo. Tôi nhắc nhắc xem thử đôi vòng nặng bao nhiêu, và cầm tuổi vàng cho thật đúng, ngắm xem những nét chạm cho thật đâu ra đó, còn vặn chỗ cái cổ ra coi thử có chữ hay dấu hiệu gì không. Xong rồi, tôi trả đôi vòng lại và nói: “Bẫm bà lớn, đôi vòng này khéo lắm, chỗ cổ vặn ra vặn vô của nó có khắc cái chữ, bà lớn có để ý không?”. Cô ta nói: “Tôi biết, nó là chữ “ngọc”.Tôi nói: “Con có thể làm đúng y như thế, nhưng hôm nay con có việc riêng, không ở lại được, mười ngày nữa con xin đến làm hầu bà lớn, không dám sai hẹn”. Cô ta đồng ý.
Nói đến đây, anh ta nổi ngáp một ngoi đôi ba cái, rồi xin lỗi tôi cho lên ván đốt đèn hút mấy điếu, và mời tôi nằm đối diện nghe nói tiếp.
- Tôi về nhà, cầy cục làm mất sáu bảy ngày mới xong một đôi vòng cốt giả mạ vàng. Ðáng lẽ làm bằng đồng thì được lợi nhiều hơn nhưng vì có chạm phải làm bằng bạc. Thành khi rồi, xem tuổi vàng nét chạm cho đến cái chữ ở trong đều y hệt như đôi vòng của cô Hóa Mộc, đem mà đánh tráo, có thánh cũng không biết...
Tôi ngắt:
- Ðành rằng ông làm một cái rất giống, còn như đồng cân của đôi vòng, tức là sức nặng của nó, ông biết là bao nhiêu mà làm cho đúng được?
- Ấy thế mới là tài. Anh ta cười híp mắt mà không ra tiếng. Chính ăn người là ở chỗ đó. Bất kỳ thử kim khí gì, tôi nhắc nhắc trên tay khắc đồng cân của nó đúng không sai. Chẳng tin, ông tháo cái dây chuyền đồng hồ đưa đây xem.
Tôi tháo ngay cái dây chuyền để trước mặt anh ta. Kéo xong điếu thuốc anh ta đằng hắng một cái, ngồi dậy, cầm dây chuyền trên nhắc nhắc một cái rồi đứng dậy đi lấy cái cân tiểu-ly đưa cho tôi, nói quả quyết:
- Ông biết mặt cân chứ? Cân xem. Cái dây chuyền này nếu nó là vàng thì nó nặng hơn, nhưng nó là đồng mạ vàng cho nên nó chỉ có ba chỉ tám.
Tôi cân, quả thật, ba chỉ tám hơi yếu một chút, song đem vao chỗ ba chỉ thì hơi vát. Tôi kêu lên:
- Thế thì tài thật. Xin chịu.
Anh ta lại nói:
- Còn một chỗ bí quyết nữa. Ông biết, vàng nặng hơn các thứ kim khí khác, nghĩa là vàng, bạc, đồng, chì cùng một thể tích thì lượng của vàng phải nhiều hơn. Vậy thì mình muốn cho đồng cân của đôi vòng giả bằng đôi vòng thật, mà cái vóc của nó cũng chỉ bằng đôi vòng thật, không to hơn, thế mới là khó. Nhưng cái đó co thực hành mới cắt nghĩa được, nói bằng miệng sợ ông cũng không hiểu.
Nghỉ một lát anh ta kể tiếp đến cuộc đánh tráo:
- Ðúng 10 ngày tôi lại đến. Hai bên thỏa thuận với nhau về điều kiện làm việc rồi, cô ta mở tủ lấy đôi vòng và vàng diệp ra đặt trên sạp, rồi gọi tôi đến đứng bên cạnh xem cô cân. Cân đôi vòng nặng một lạng hai -- tôi chắc dạ lắm, vì đôi vòng giả của tôi cũng đúng một lạng hai -- cho nhích một chút, định giao cả cho tôi. Tôi chưạ nhận, xin cho xem đôi vòng đã. Cô ta đứng dậy cầm bó vàng diệp cả chỗ một lạng hai cất vào tủ. Trong lúc đó tôi lấy đôi vòng giả ra đặt trên bàn tay trái, đậy vuông lụa trắng lên trên. Khi cô ta quay ra đưa đôi vòng cho tôi, tôi chìa bàn tay có vuông lụa trắng ra nhận lấy cũng như lần trước. Tôi đi ra chỗ sáng ngồi xuống làm bộ xem lại đôi vòng, cô ta cũng đi theo. Xem xong tôi đứng lên. Cô ta sấp lưng đi về chỗ sập. Tôi đi sau, lật cả vòng và vuông lụa từ bàn tay trái qua bàn tay phải, thành ra đôi vòng giả nằm trên, cứ thế mà trả lại cho cô ta, và tôi gấp nhanh vuông lụa có đôi vòng thật ở trong mà bỏ vào túi. Cô ta hỏi: “Chứ chú thợ không giữ lấy để làm mẫu à?”. Tôi nói:”Bẫm bà lớn, con xem hai lần như thế đủ rồi, xin bảo đảm làm thật đúng”. Cô ta khen: “Hèn chi mà nổi tiếng là thợ khéo. Tôi nhờ ông Phủ Ðiện viết trát đòi chú là vì có bà Phủ mách miệng”. Bấy giờ chừng mười giờ sáng, tôi xin đi ra mua thuốc phiện rồi trở lại nhận vàng diệp bắt đầu làm. Ra đến chợ Vĩnh Ðiện, tôi đem đôi vòng chạm vàng mười chính hiệu của “bà lớn” gửi cho một người anh em “đồng đạo”. Tôi không quên câu tục ngữ: “Có gian phải có ngoan”.
- Ông ăn cắp chỉ có thế, hay là lúc trở lại làm còn ăn cắp nữa? Tôi hỏi.
- Không, tôi dại gì mà ăn cắp nữa. Trong những ngày làm, cô ta ngồi giữ một bên, không phải vì thế mà tôi không ăn cắp được, có điều tôi đã định bụng không ăn cắp. Khi làm xong, tôi hỏi muốn khắc chữ gì. Cô ta ngẫm nghĩ rồi bảo: “ Tôi là người Hóa Mộc, khắc chữ “mộc”cho tôi. Tôi khôn ở chỗ đó. Bởi vì hai đôi vòng giống nhau như hệt, có khắc chữ khác nhau đễ làm dấu thì mai sau đôi giả có xì ra, hắn mới không có thể ngờ được là đôi do tay tôi làm. Cho đến bây giờ tôi cũng còn ân hận là, như thế, sẽ làm cho ông bạn đồng nghiệp nào của tôi đã làm cho hắn đôi vòng thật đó hóa ra là người bất lương thiện, nhưng ông tính, đã giết người ai còn gớm chảy máu.
- Ông làm cái việc như thế có nhiều lần không?
- Kể ra cũng không ít. Nhưng tôi đều ăn cắp ở bọn ăn cướp như Tổng Ðốc, Bố Chánh, án Sát, Phủ, Huyện, chính cái bà Phủ nói lúc nãy đã mất với tôi mấy lạng vàng mà không biết, đi “mách miệng” cho người khác. Những việc như thế tôi cũng chẳng dấu, cứ hay đem nói với người ta cũng như nói với ông đây, cho nên mang tiếng, chứ thuở nay đã có ai bắt được tôi ăn cắp đâu.
Hỏi đến sự đúc súng, làm bạc giả, anh ta bảo:
- Ta có nấu sắt được đâu mà đúc súng? Nhưng chữa súng thì có. Hồi tôi ở Ðà Nẵng, các thứ súng liệt máy của Tây thường đem thuê tôi sửa. Bạc giả thì tôi có làm, nhưng tính ra không có lợi gì mấy, về sau tôi không làm nữa.
Năm Chuột còn nói cho tôi nghe về tính chất của các thứ loài kim và phép hợp kim, như đồng và kẽm, mỗi thứ bao nhiêu, hợp nhau thành ra thứ gì, đồng và thiếc bao nhiêu, hợp nhau thì thành ra thứ gì, nghe ra thông thạo như người có học chuyên môn. Tôi lấy làm lạ bèn hỏi:
- Ông có học với thầy nào mà biết được những điều ấy là những điều mà các thợ bạc khác hầu như không biết?
Anh ta vùng ngồi dậy, cười, ra điều đắc ý, vỗ vào đùi tôi:
- Xưa nay mới có một người hỏi tôi câu ấy, là ông! Tôi chẳng học với thầy nào hết, tôi chỉ đọc có môt cuốn sách là cuốn Kim Thạch chí-biệt.
Tôi sửng sốt, nghĩ bụng: té ra anh này còn biết chữ nữa kìa. Cái tên sách ấy tôi chưa hề nghe, cũng không dám ngờ là anh ta bịa đặt. Một hôm khác tôi hỏi thầy tôi có biết cuốn Kim-thạch chí biệt không, thầy tôi cũng chịu không biết, và hỏi tôi nghe ở đâu, tôi kiếm đường nói trớ, chứ không dám nói nghe ở Năm Chuột. Cho mãi đến gần nay, đọc Lỗ Tấn toàn tập, tôi mới thấy trong đó có nhắc đến tên cuốn sách ấy. Tôi nghĩ mà lấy làm thẹn, sao mình đã không biết mà lúc bấy giờ không hỏi ngay anh ta, chỉ vì nghĩ mình là người học thức viết báo viết biếc, mà tỏ cái dốt trước mặt một anh thợ bạc thì ê quá.
Ðó về sau mấy năm, mỗi năm tôi ở Hà Nội hoặc Saigon về thăm nhà, đều có đến với anh ta. Anh ta còn in trong đầu tôi mấy câu chuyện lý thú và bất ngờ nữa.
Năm Chuột từng nói với tôi rằng từ rày anh ta không nói những chuyện như đã phê bình cậu tôi một cách không nể nang, nhưng rồi lại chứng nào tật ấy, vẫn không cải nết.
Một lần, phê bình nhân vật làng tôi, anh ta chê ông Tú nọ dốt, ông Bá kia keo kiệt, cuối cùng anh ta nói: “tôi chỉ phục có hai người, một là ông Biện Chín, một là ông Tám Thứ”.
Ông Tám Thứ, người Minh Hương, ở ngụ làng tôi, nghèo chuyên nghề làm thuốc, ít hay giao du với ai, tôi không biết ông ta cho lắm. Còn ông Biện Chín, tên thật là Phan Ðịnh, chú ruột tôi, cha của Phan Thanh, Phan Bôi. Chú tôi là dân tráng, nghèo, cố gắng lắm mới cho con đi học được, nhưng đúng là người “cần kiệm liêm chính” lại khẳng khái nữa, chính tôi, tôi cũng phục chú tôi mà sợ thầy tôi.
Tôi không tham gia ý kiến gì, chứ ngấm ngầm chịu anh ta là biết người, phê bình đúng. Nhưng, trước mặt tôi mà nói như thế, tôi ngờ anh ta có ngụ một thâm ý, là anh ta không phục thầy tôi. Thầy tôi đã đỗ đại khoa, làm quan, bỏ quan về ở làng, cầm cân nẩy mực cho cả làng, cả tổng, không có mang tai mang tiếng gì, nếu anh ta không lấy làm đáng phục, chắc anh ta thấy về khía cạnh nào đó. Từ đó tôi đâm ra áy náy, hoặc giả cha mình cũng có khuyết điểm gì như cậu mình, làm cho người ngoài phi nghị mà mình không biết chăng. Tôi có đem hỏi chú tôi và thuật lại lời Năm Chuột khen phục chú, thì chú tôi trách tôi sao lại đi nghe chuyện của Năm Chuột. Thì ra chú tôi cũng có thành kiến đối với Năm Chuột như thầy tôi, như những người làng.
Lần khác, bỗng dưng anh ta hỏi tôi:
- Quan lớn nhà ta (chỉ thầy tôi) sao lại không làm quan nữa? Ông có nhớ lúc ngài bỏ quan mà về là bao nhiêu tuổi không?
Tôi lấy làm lạ sao hắn lại hỏi mình điều ấy. Song cũng cứ theo mình biết mà trả lời:
- Thầy tôi tuổi Tuất, cái năm cáo bệnh mà về là năm Kỷ Hợi, mới có ba mươi tám tuổi. Sở dĩ không làm quan nữa, có lẽ là tại không chịu làm với Tây.
Cho đến lúc tôi ngoài 20 tuổi, thầy tôi vẫn coi tôi như trẻ con, những việc như thế chưa hề đem nói với tôi. Có điều một đôi khi tôi nghe thoảng qua dư luận bên ngoài, nhất là lúc ở Hải Phòng gặp Lê Bá Cử, ông ấy có kể cho tôi nghe khi ông làm phán-sự toà án Nha Trang, thầy tôi làm tri phủ, có lần cãi nhau kịch liệt với viên công sứ, chính ông đứng làm thông ngôn, thì tóm tắt mà trả lời như vậy. Nhưng Năm Chuột hỏi vặn tôi một câu rất oái ăm:
- Ở làng này còn có hai ông nữa đều làm đến tri huyện, đều bỏ quan mà về trước tuổi hưu trí, vậy thì ông cũng cho rằng hai ông ấy cũng không chịu làm quan với Tây hay sao?
“Thằng cha khó chịu thật” tôi nghĩ bụng. Không biết đối đáp thế nào với hắn, tôi phải nói một câu mà tự mình cũng thấy là non nớt quá:
- Việc hai ông ấy thì tôi không biết.
Anh ta vẫn cười cái lối xỏ lá rất khả ố. Ngớt cơn cười mới bình tĩnh nói:
- Tôi cũng có nghe và biết về chánh tích và nhân phẩm của quan lớn nhà ta, nhưng tôi lại có một sở kiến khác, nói ra, ông đừng tưởng tôi cố ý làm đôi vòng thật nhanh thành ra đôi vòng giả thì tôi mới nói.
- Thì ông cứ nói đi.
- Làng Bảo An, người ta nói, không có đất phát quan lớn, mà kinh nghiệm xưa nay rành rành như thế. Từ trước bao nhiêu ông làm đến tứ phẩm trở lên đều bị cách tuột hết. Cho nên Ðồng Khánh, Thành Thái đến giờ, ông nào cũng làm đến phủ huyện rồi kiếm cách từ chức mà về. Nếu nói không chịu làm quan với Tây thì không làm từ đầu, chứ không có lẽ lúc mới ra làm, không biết rằng mình sẽ làm với Tây. Hai ông huyện kia cầy cục mãi đến ngoài bốn năm mươi tuổi mới về, còn quan lớn nhà ta về sớm là vì mới 38 tuổi đã làm Tri-phủ.
Tôi làm như không để ý gật gật nhìn anh ta, kỳ thực tôi cho là cái sở kiến của anh ta đó, không biết chừng, là độc đáo. Làng tôi, tây giáp làng Ðông-Mỹ, đông giáp làng Xuân-Ðài, hai làng này đều có Tổng Ðốc, mà làng tôi, thi đỗ thì đông, đại khoa cũng có, nhưng không có quan to. Thuở Tự Ðức ông Nguyễn Duy Tự, làm đến phủ đoãn Thừa Thiên, ông nội tôi làm đến án-sát Khánh Hòa, cũng đều bị cách.
Tôi không tin phong thủy, nhưng đó là sự thực. Hoặc giả các ông quan làng tôi, trong đó có thầy tôi, thấy thế mà sợ, làm đến phủ huyện lo rút lui cũng nên. Huống chi cái luận chứng của Năm Chuột rõ ràng mà đanh thép lắm, tôi bấy lâu trau dồi cái đức tính ngay thực của người viết báo, tôi không thể cãi chày cãi cối được.
Tôi thấy chắc chắn lắm, vì tôi biết chịu chuyện cho nên anh ta thích nói chuyện với tôi, còn anh ta, hay nói cái lối móc ruột móc gan người ta như thế,cho nên họ mắng anh ta là nói láo nói phét.
Có một sự rất lạ. Một lần tôi đến chơi, vẫn ngồi trên đòn kê xem anh ta làm việc, liếc thấy trong cái thùng đựng đồ nghề có quyển sách, tôi thò tay lấy xem, thì là một cuốn Thương-Sơn thi tập không có bìa, đã xé mất nhiều trang. Tôi hỏi:
- Ông cũng có sách này à? Nó là một bộ đến mười cuốn, sao ở đây chỉ còn một cuốn?
- Tôi có mà tôi xé để quấn thuốc lá hết, chỉ còn một cuốn, bởi vì in bằng giấy quyến, quấn thuốc tốt lắm.
- Ông có xem qua chứ?
- Thơ của ông Hoàng mình xem thế nào được? Tôi chỉ xem được có mỗi một bài Mại Trúc Diêu.
Tôi phát lạnh người. Tôi có đọc thơ Thương-Sơn rồi, tôi cũng không thích, nhưng cái bài Mại trúc diêu là bài thế nào, tôi có biết đâu? Chỉ vì dấu dốt, tôi lại cứ làm thinh, không hỏi anh ta.
Về nhà, tối hôm ấy, tôi lật bộ thơ Thương-Sơn ra tìm, tìm được bài Mại trúc diêu. Về sau, tôi dịch ra đăng báo Phụ Nữ TânVăn, sau nữa, đem in trong Chương Dân thi-thoại. Lục ra đây để bạn đọc thưởng thức cái mức thưởng thức văn học của anh thợ bạc:
Bài hát bán tre
Ngày đốn hai cây trúc
Bán đi để dằn bụng
Trong cửa tre đầy kho
Ngoài cửa tiền chẳng cho
Không nói thì cũng khổ
Nói thì roi dài sẽ quật chú
Rày về sau đừng đốn tre nữa
Ðói nằm trong tre chết cũng đủ!
Bán đi để dằn bụng
Trong cửa tre đầy kho
Ngoài cửa tiền chẳng cho
Không nói thì cũng khổ
Nói thì roi dài sẽ quật chú
Rày về sau đừng đốn tre nữa
Ðói nằm trong tre chết cũng đủ!
Từ khi biết Năm Chuột có biết chữ Hán nhiều, xem sách xem thơ được rồi, tôi có lúc đem văn học nói với anh ta, anh ta chỉ nghe và hỏi chứ không tỏ ý kiến. Tôi có ý trách. Anh ta giải thích thế này: “Người ta, cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói, tôi nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề làm thợ bạc cho tôi”.
Anh ta làm thợ bạc, nhưng cũng kiêm luôn thợ rèn nữa mà là thợ rèn rất khéo. Những dụng cụ của anh ta như cái kìm, cái búa, cái kéo, anh ta đều đi đến lò bễ rèn, ngồi mà tự đánh lấy. Cái đó thì ở làng tôi có nhiều người biết, cái kìm của anh ta đánh, ai cũng chịu là không kém của Tây.
Năm 1944, tôi ở Hà Nội, về nhà được mấy hôm thì thầy tôi mất. Làm đám xong, tôi ở luôn trong nhà ba bốn tháng không ra khỏi cổng. Buồn quá, một hôm tôi đi tìm anh ta. Ðến nơi, cái túp tranh không có nữa. Hỏi thì người ta nói Năm Chuột dọn đi đâu đã lâu rồi. Từ đó tôi mất Năm Chuột của tôi.
Một lần, trước mặt ông Tú già, anh Giáp trong làng gọi Năm Chuột bằng ông, ông Tú già đập bàn quở: “Mầy gọi thằng Năm Chuột bằng ông, thì gọi tao bằng gì?” Tôi nghe mà tức mình, cho nên bài này, tôi nêu đầu đề là Ông Năm Chuột”.
(Trích báo Văn (Hà Nội) số 36 ra ngày 10-1-1958)