Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Xe đạp sườn 600

Kỷ niệm xưa còn đọng lại mãi, tưởng nhớ ngày Cha đã đi xa...

    Khoảng năm 1960 - 1961, chiếc xe đạp là cả mơ ước của thanh thiếu niên. Cũng đâu một trong hai năm ấy thì phải, ông anh lớn vào đệ thất, lớp bắt đầu bậc trung học, cha mua chiếc xe đạp mới tinh, không như chiếc xe sườn ngang cha vẫn đi mà cha tính kỹ lưỡng thiệt hơn cho sự an toàn và tương lai xa, rằng mua chiếc xe đạp loại sườn đầm nhỏ thì vừa cho con trai bây giờ đi được, sau vài ba năm nữa lớn lên sẽ cần xe lớn thì xe nhỏ giao lại cho em nó rồi lại tiếp tục, nhà có ba anh em xếp hàng kề nhau mà, lo gì ...
   Người cha già tính kỹ đến thế là cùng !

    Vậy là ông anh đi học bằng chiếc xe đạp cỡ nhỏ duy nhất ở làng xã này. Xe sườn 600 tất nhiên vành cũng 600 nên nó sẽ thấp hơn xe bình thường khoảng 5 xăng - ti - mét, chiếc xe sơn màu trắng sữa ngả qua vàng, có đầy đủ các bộ phận như mọi chiếc xe đạp, đặc biệt là vỏ xe màu nâu đỏ chứ không phải màu đen, riêng tiếng chuông kêu king cong kinh cong hình như ... kêu to hơn ( ! )
   Cả đi và về trong ngày hết khoảng đường hơn mười cây số, con số cũng đáng kể cho một cậu thiếu niên nhưng chưa hề nghe thấy anh nói mệt . Ờ, mà khoái muốn chết chớ mệt làm sao được, khi đi lúc sáng trời mát mẻ, hai bên ruộng lúa xanh rì rào bỡi gió lùa qua như sóng, lúc về nắng thì có nắng nhưng được gió nồm thổi mát đẩy sau lưng, rồi vừa qua khỏi cái " chồ mồng" ( ? ) bà Mười bán quán là có cái dốc, xe không cần đạp cũng chạy bọn bon, qua cua bấm chuông king cong kinh cong vang trời là chạm đến sân nhà...
    Ông anh kề thì được vinh hạnh dắt xe vòng vòng trong sân bất cứ lúc nào ảnh muốn và nhiều buổi chiều được anh lớn tập chạy xe dưới rất nhiều ánh mắt thèm thuồng và ngưỡng mộ của trẻ nhỏ trong làng, tập xong ông anh lớn hiên ngang kêu thằng em leo lên bọt - ba - ga, anh chở chạy thẳng về sân nhà, thắng kêu cái két, chiếc xe đứng sựng ! Còn thằng nhóc nhỏ thì chỉ được nhìn và rờ xe chứ nào được anh chở trên bọt - ba - ga đó, lý do chính là cha cấm, nói gì đó đại khái có ý là ... an toàn quan trọng hơn vui sướng chốc lát của trẻ con (hic)
    Cha mất chắc đâu được khoảng hơn năm ngoài thì tình hình an ninh của quê nhà coi bộ bất ổn nhiều rồi, đêm đêm mấy ổng về lùng đưa một số thanh thiếu niên đem lên núi. Ông anh lớn cũng đã nhổ giò cao hơn, má nhiều đêm mất ngủ qua từng đợt chó sủa hậm hực lúc đầu làng khi cuối xóm, lo quá nên quyết định cũng thiệt nhanh ...
   Sau ngày chủ nhật, chiếc xe đạp để lại nhà, anh lên xe ngựa đi học và bắt đầu hành trình ở trọ đi học. Chiếc xe đạp sườn 600 thần thánh đã vô tình ứng theo ý đồ cha tính sẵn, tuy rằng có sớm hơn một năm. Ông anh kề được sở hữu nó, hình như năm ấy ảnh mới học lớp nhì...
    Sự sung sướng của ông anh khi sở hữu nó dày chẳng tày gang, chắc cỡ một năm là cùng. Mới ngày nào giờ tan trường anh chở một đứa bạn thì vài ba đứa hò reo chạy theo, bắt đầu ra khỏi cổng nhà đi học thì anh lấy sức đứng trên xe đạp rướn người để qua dốc đầu cầu chớ không chịu xuống dắt xe, đoạn đường thẳng anh khoái lấy thăng bằng từ từ thả một tay rồi thêm tay nữa...
    Rồi chiến tranh loang rộng dần, ai cũng buộc làm những việc không muốn cũng phải làm để bảo vệ lấy gia đình, chiếc xe cũng theo anh chạy nhiều việc không hề muốn ngoài giờ học nhưng cũng phải đành lòng để má và gia đình được yên thân từ thế lực bóng đêm ...
   Ngày tản cư, chiếc xe đạp chất vội vàng mùng mền quần áo sách vở lên bọt - ba- ga, anh dắt đi bằng đôi chân thất thểu ra khỏi làng, anh đi mà mắt nhòa lệ nhiều lần ngoái lại nhìn ngôi nhà yêu dấu, chiếc xe đạp sườn 600 thân thương lăn đôi bánh màu nâu đỏ trên đường làng quen thuộc lần cuối cùng.

   Chiếc xe đạp sườn 600 yêu dấu không còn cơ hội nào để chuyển giao cho thằng con trai út như ý định của người cha già lúc sinh thời. Từ lúc mếu máo chạy theo đoàn người tản cư dưới làn mưa đạn không ngờ là đi luôn đến bây giờ, sau quá nhiều mất mát lớn lại luôn thèm khát giấc mơ nhỏ nhặt - xe đạp sườn 600 - trong mơ tiếng chuông king cong kinh cong còn vọng phía sau khi buông hai tay lướt như bay trên đường làng giữa cánh đồng lúa xanh màu mạ non...
  Chiến tranh như đàn bò lùa đi không đeo giỏ mồm tha hồ liếm qua nhiều vạt lúa xanh mơn mởn bên đường, nước dãi bò làm vết cắn trên lá xanh héo ngọn, hết đời cây lúa mà chiếc lá kia nếu chưa chết mục vẫn không lành...