Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Ma Hời

" Phong sương mấy độ qua đường phố,
" Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...( Sơn Nam )

       Ở xứ trồng lúa nước, vùng đất cao ráo bình thường không ngập nước được gọi là gò, gò đôi khi còn được hiểu là nơi chôn người chết hay chỉ là nơi đất trống để thả bò gặm cỏ lúc nông nhàn ...

      Không xa Gò Then khá to rộng so với số dân cư ít ỏi của làng lại có một gò nhỏ nhưng cao hơn. Hồi đó, người làm ruộng buổi trưa thường lên chỗ gò cao nghỉ tay ăn cơm, hôm nọ đám trai trẻ nằm lăn nằm lê trên cỏ sau bữa trưa thì phát hiện dưới lưng mình lộm cộm, lấy làm lạ, bỏ buổi nghỉ trưa bươi móc coi thử, hình như bên dưới là nhiều miếng mảnh sành giống như lu vại bể hay nền gạch của mả vôi đã sụp đổ từ lâu...

                                                  .
      Hàng ngày hàng tháng hàng năm, đã mấy trăm năm qua, người dân cứ hừng đông mở mắt dõi về phía mặt trời mọc luôn thấy tháp Chàm đứng sừng sững vững chắc trên ngọn đồi, như để minh chứng rằng nơi đây từng là vùng đất Chàm, mà trong lòng dân quê hồi đó luôn nghĩ nơi hoang địa bị người cũ bỏ đi là có ma Hời, có mả Hời và có vàng Hời ! 
      Ma Hời thì sợ nhưng chưa thấy nên chưa biết sợ, còn mả Hời lại nghĩ theo hướng có mả Hời ắt sẽ có vàng Hời. Vàng Hời nghe đồn được chôn trong hũ trong chum hay bên dưới nền mả vôi, xương cốt nhiều trăm năm đã hoá đất mùn chỉ còn đồ tuỳ táng toàn vàng bạc lẫn trong bùn đất . 
      Nhiều lời đồn ở nơi nọ có người kia cuốc sửa bờ ruộng, lượm được cả một nhánh cau ba trái bằng vàng mười, còn ở nơi kia có người nọ lúc cấy lúa, nhặt một cục đá hình dáng lạ nhét vô lưng quần định đem về cho con chơi, sau khi chùi rửa sạch lớp phủ bùn đất mới biết là cái bình vôi bằng vàng ròng...Một đồn mười, mười đồn trăm làm người có ruộng gần nơi gò đất cao luôn có người chải bờ cuốc góc, bươi móc dọn cỏ bờ ruộng của mình từ khi lúa chưa sạ mãi đến lúc lúa trổ đòng đòng, giữa mùa mưa gió đã xế chiều trời âm u vẫn còn móc còn bươi...

      Vài ông thầy cúng thầy phong thủy khôn ngoan, chẳng biết có phải đã tìm ra cuộc đất tốt về phong thủy, giành giựt đặng chỉ cho người mua hay chăng mà cũng đều chấm chọn chỗ đất gò này. Còn cái ý nghĩ đen tối nếu có trong đầu người nghèo là mong chờ được mướn đi đào huyệt, cầu may trúng chỗ mộ chum mộ táng đập ra lượm vàng Hời thì không ai nói ra, còn tính đến việc ban đêm đi đào tìm thì do nhát gan nên không ai dám !

    Dần dần, năm bảy cái mả đã được chôn, cũng không biết có ai lượm được gì chăng nhưng từ việc chuẩn bị chôn cho đến khi chôn xong thì cứ thầm thì từng nhóm riêng tư với nhau, còn ruộng xung quanh gò y như rằng càng ngày càng nở lớn, ruộng ngày càng khó lấy nước ! 
    Thế rồi ngày nọ, một đoàn thầy chùa từ xa đến lập đàn tụng niệm suốt mấy ngày, sau đó một ngôi chùa nhỏ cột tre mái tranh được cất vội vàng như thể chạy đua giành chỗ với người chết. Từ đó, phần lớn mảnh đất gò trở thành ngôi chùa nhỏ lọt thỏm giữa vườn chùa rộng mênh mông, chùa thì chưa có tượng Phật nhưng hàng rào của chùa thì làm khá chắc chắn và công phu, trồng toàn cây duối bứng nguyên gốc đem về.

     Một thời gian sau, thợ từ xa đến làm việc cả ngày lẫn đêm, đào hố, xây trụ làm cổng, đào ao sen sửa chữa hàng rào và xây chùa mới, dân làng trong vùng tư vuông năm mười cây số ngàn đều nghèo rớt nhưng không ai được mướn vô làm. Sau vài năm xây cất sửa sang thì chùa hình thành to rộng lắm, chùa đã có tượng Phật, có cổng tam quan và từ khá xa dân làng cũng dựa theo tiếng chuông công phu vang vọng mà liệu sắp đặt công việc hằng ngày. Gò đất cao gần Gò Then từ ngày có chùa dân làng quen gọi là Gò Chùa...


   Rồi chiến tranh bùng phát đến vùng này, các ông sư ở chùa luôn nói với mọi người là kẻ tu hành chỉ chăm lo cho Phật pháp chứ không theo bên nào nên sẽ ở lại coi sóc chùa, còn dân làng thì sợ hãi tản cư đi hết bỡi cả vùng ban ngày thì hai bên rình rập bắn nhau, đêm xuống bị hứng cà - nông cầm canh từ đầu hôm đến tận khuya . Rất không may là từ những trái cà - nông mù loà bắn hú hoạ đã biến chùa thành đống gạch vụn chôn vùi hai ông sư và ba đệ tử dưới căn hầm đào vội bên cạnh chánh điện...

     Sau ngày đất nước hòa bình là bắt đầu nạn đói, đói triền miên và bệnh tật song hành, nhà nào cũng chỉ có chút cơm độn nhiều khoai bắp, bệnh tật gì cũng trông chờ vào thuốc xuyên tâm liên do trạm xá cấp, lúc có lúc không. Thuốc truyền miệng từ cây cỏ và thuốc nam gia truyền là thứ đám dân làng nghèo khổ nấu uống và âm thầm cầu Trời khẩn Phật ... 
    Thời gian này, thi thoảng có một đoàn bốn năm người mặc áo trắng dài gần chấm gót đi chân trần theo hàng dọc về vùng quê, đàn bà đi khoan thai hai tay nhịp nhàng đánh đàng xa, trên đầu trùm khăn đội cái nừng thuốc nam, đàn ông với khăn trắng xếp lại đội đầu phủ xuống hai bên mang tai chùm tua rua đỏ, gánh đôi nừng bằng mây đan điểm xuyết một vòng cườm nửa đỏ nửa đen, bên trong chứa cây cỏ khô, răng nanh heo rừng, móng cọp, bùa ngải... Làn da nâu đen với đôi môi đỏ ăn trầu làm cho răng lưỡi cũng đỏ, tác hợp cùng cặp mắt nhiều lòng trắng liếc ngang là hồn vía mấy đứa nhỏ tò mò chạy theo coi sởn tóc gáy...

     Khi họ đi dù đôi con mắt có quan sát xa gần hai bên nhưng đôi chân luôn đi theo hàng dọc cùng đoàn, khi ngồi thì túm tụm cùng nhau, buổi sáng ở chợ quê họ bán thuốc như là bán lấy có chứ chẳng mong đợi chi, đôi mắt nhìn xa xăm, không ai thấy họ ăn gì nhưng miệng thì luôn nhai trầu. Cứ khoảng quá giờ ngọ đôi chút, họ sắp hàng một khởi hành bán dạo, trên đường đi lẳng lặng không trao đổi gì mà liên tục che tay ngó bóng mặt trời, luôn dừng lại dưới bóng râm cây to, túm tụm ngồi nghỉ và thì thầm trò chuyện. Đêm về họ tìm nơi ngủ nghỉ, cố gắng không gây phiền hà đến ai ...

    Tiết trời tháng mười một lạnh căm. Gà gáy canh hai, bà Chín hé mở cánh cửa liếp định ra giếng múc nước nấu cơm sớm thì nhìn thấy ngoài Gò Chùa có lửa xanh lửa đỏ lập lòe, vội len lén đóng cửa run run đi vô buồng. Cũng ngay đêm đó khi đi thăm câu ở cuối ruộng rộc, thấy một bầy ma mặc áo tang trắng phất phơ đi nhanh lướt qua ngọn lúa, phía trên lập lòe đóm lửa hướng về phía Gò Chùa, anh Tới ú ớ chạy thục mạng theo hướng khác về nhà, không thốt lên được tiếng nào... 
    Mấy hôm sau, kết hợp nhiều nguồn tin mới đoán ra đấy là đoàn người Hời di chuyển, đóm lửa lập lòe có lẽ là tàn lửa hút thuốc rê liên tục chống lạnh về đêm, họ luôn mặc áo dài trắng đi hàng một, chân bước nhanh trên bờ ruộng về hướng ấy, bỡi đó là nơi họ chọn qua đêm, gần nền chùa đổ nát, dưới cổng tam quan còn lại một phần mái ngói đổ nghiêng xiêu vẹo . 
    Có người đoán chừng hình như trong tay họ có bản đồ và đang đi tìm mồ mả tổ tiên, tổ chức cúng tế gì đó, có người còn bàn thêm nhiều chi tiết mà đa phần là do họ đã liên tưởng đến chuyện Tiết Cương tế Thiết Khưu Phần trong truyện Phản Đường diễn nghĩa.... Nếu thiệt vậy thì cũng quá đau lòng khi nửa đêm lén lút cúng tế ở nơi mới ngày nào đã từng là quê hương chôn nhau cắt rốn .

   Cái năm mà người dân đã nghèo rớt mồng tơi lại lo lắng khi nghe loa hô hào kêu vô hợp tác xã nông nghiệp, rất đau lòng mà nín nhịn từ lúc ki cóp chút tiền để giành mua con bò kéo cày làm vài ba sào ruộng chống đói, nay cũng đành trắng tay do góp vào hợp tác xã, rồi đêm từng đêm gan ruột đói cồn cào, công điểm ngày nào cũng ra đồng nên có chấm đầy đủ mà cuối vụ nhận được vài ba thúng lúa, nếu xay gạo nấu cháo cả nhà ăn chắc được non tháng !

    Ông đội Ngũ làm đội trưởng đội sản xuất số bốn, có đôi mắt nhỏ mà sáng quắt, tính toán chi li không sót công cụ nào trong nhà dân hồi sắp vô hợp tác xã, công điểm tính cho ai làm công việc gì thiệt chặt chẽ, khỏi mong được rảnh phút nào để nghỉ xả hơi... Sau nhiều lần bàn tính với ông chủ nhiệm, cuối cùng lập ra đội chăn nuôi của hợp tác xã mà ông ta làm đội trưởng kiêm nhiệm, học theo cách các hợp tác xã miền Bắc đã làm là nuôi heo phía trên cao, phân heo tự chảy xuống dưới nuôi cá. Thế là nền chùa còn chắc chắn cùng gạch bể lượm mót nằm rải rác trong vườn chùa được tận dụng xây thành một dãy chuồng heo, đám ruộng liền kề bên gò được huy động nhân công đào đắp thành ao cá to. Heo thì chưa xuất chuồng lứa nào, cá cũng chưa tát ao nhưng có lẽ ông đội Ngũ sợ bị quăng lưới bắt trộm, câu trộm nên dân làng luôn thấy ông ta giữa đêm giữa hôm, lúc nào cũng lui cui mò mẫm trong Gò Chùa... 
    Năm ấy, đêm trước nhằm đêm rằm, trăng sáng vằng vặc, sáng hôm sau phát hiện ông đội Ngũ trong ao cá, nằm úp mặt chết đuối, hô hoán lên, bốn thanh niên nhảy xuống ao vớt xác, nước ao sâu quá rốn !

    Xéo góc không xa năm cái mả những ông sư, hồi chưa phá nền chùa làm trại heo còn nằm bên trong vườn chùa là mả mới của ông đội. Mả ông đội Ngũ chôn liền kề bên mả chung gia đình bốn người của ông Bốn Cạn. Hồi bảy tám năm về trước còn chiến tranh, gia đình ông Bốn Cạn chưa đi tản cư bị cà - nông chụp trúng giữa nhà, lúc trúng đạn là ban đêm, nhà tranh cột gỗ bén lửa cháy sạch trơn. Ba bốn ngày sau dân làng mới dám mò về, không thể nào phân biệt xác chồng vợ con cái gì nên đành chôn chung, mả chung nằm rìa Gò Chùa sát bên đám ruộng mà hồi còn sống ông Bốn Cạn lúc nào cũng siêng năng chăm sóc...
                                                 .

       Anh Hai Giác trở về quê làm đám giỗ cha sau mấy mươi năm vượt biên sống xứ người, ở quê chiều chiều khói rơm buồn buồn len mùi rạ vào ngõ xóm, tôi đưa anh Hai Giác đi thăm ông chú họ ở cuối thôn, đường đi ngang qua Gò Chùa, dãy chuồng heo cũ đã phá bỏ, bây giờ thành một dãy ba phòng làm phân hiệu của trường tiểu học, giọng cô giáo gõ nhịp cho học trò đọc theo :
" Quê hương lãnh tụ mây thêu nắng
" Thấy mặt trời lên nhớ bác Mao
( Tế Hanh)


     Không biết anh Hai Giác đang đứng lại im lặng nghe và nghĩ gì khi đưa đôi mắt chăm chú để ý đến ngôi mả vôi khá to, theo năm tháng hình hài đã bị mòn vẹt chỉ còn lại dáng khum khum, mả vô chủ nằm lặng lẽ bên đường chịu đựng sự cô đơn chắc đã có từ nhiều trăm năm. Tôi giật mình chợt nghĩ, lo sợ nhiều mộ phần của ông bà tổ tiên hoang phế trong nay mai sẽ là hiện thực, khi hàng triệu bước chân vô thức bị lùa đi, theo dấu ma Hời...

                                                    Phú Đặng -  mùa Trung Thu 2018