" vết xước của film cũ ..."
THÁNG TƯ
Nguyễn Ngọc Tư.
Nguyễn Ngọc Tư.
Bao giờ thì cũng là thứ nắng đỏ quạch quánh đặc như có thể nắm một nắm trong tay. Gió lặng ngắt hoặc có cũng phảng phất chút gì như xa vắng thảng hoặc. Vài trận mưa thập thò hệt đứa trẻ thử rưới ít nước lên chảo lửa ngun ngút rồi đâu lại đó, nắng đỏ hơn, ngằn ngặt đến tận cuối chiều, muốn ăn lan cả vào đêm.
Giữa nắng và nắng và nắng gắt gỏng như nhau, người ta hầu như không được chọn lựa. Cứ chịu trận và chờ đợi thứ gì đó chậm châm trôi qua. Trên đỉnh mùa khô, trời đất đứng trân trân, không khí phập phồng rịn mồ hôi. Cây cỏ lả đi. Mùa rừng cháy. Mùa giáp hạt. Mùa bới khoai. Trẻ con chân trần đi mượn gạo nhà hàng xóm ngang qua những đám sậy cháy xém, tưởng như da thịt cũng bốc hơi. Người lớn khum khum tay cho đỡ chói ngó về phía chân trời, nơi những núi mây xám một hôm nào đó sẽ đùn lên mang mùa màng tới.
Đặc sản của tháng Tư ngoài nắng còn có... phim tài liệu, cũng hôi hổi, ngun ngút những đạn bom, những vùng trời bùng lên cháy loạn. Hồi nhỏ, không hiểu sao tôi mê loại phim này, trong khi đám con nít cùng xóm hoặc thắc thỏm ngáp vắn dài chờ tới giờ chiếu phim truyện, hoặc ra sân chạy chơi. Thành ra buổi đó chỉ có tôi lọt thỏm cùng người lớn, chẳng hiểu mấy, thấy đánh nhau là khoái, cứ níu tay ba hỏi bữa nay bên mình đánh bên nó tới chỗ nào rồi. Màn ảnh vô tuyến rùng rùng những người những xe, những mũi tên màu đỏ chạy về một nơi nào trên nước Việt gầy gò này mà tôi không hình dung nổi.
Những ngày đó thì chú Năm Thái không thấy qua coi ké ti vi. Cái góc bộ ván ngựa nhà tôi bỗng dưng trống trải, vắng thím Năm hay ngồi ngủ gà gật bên cạnh chồng. Hết tháng Tư, họ mới quay lại, thất thần và nặng trĩu như đã đi đâu xa lắm, mới về.
Những thước phim năm qua năm càng thêm lem nhem. Nhì nhằng như có mưa. Xước như gai táo cào trên da thịt. Tôi gần như thuộc lòng những hình ảnh trên đó, dần dần rút ra kết luận trong mấy cái phim tài liệu tháng tư những người cầm cờ hoa chân thường phải giẫm lên áo xống giày dép nón cối nằm lủ khủ dưới đường… Phát hiện ra phim nào thì cũng hùng hồn hối hả từ giọng người đọc lời bình đến nhạc phim đến nhịp điệu phim… Phát hiện ra chú Năm không qua coi truyền hình vì hồi trước chú theo bên nó, mà trên phim người ta gọi bằng giọng rắn đanh là “địch”, “quân bán nước”, “lũ tay sai”... Chỉ trẻ con nhà chú là nhởn nhơ vô tình, lâu lâu lại ngán ngẩm rên lên, “sao bên nó không chịu thua sớm sớm để hết phim cho rồi, để tụi mình được coi “Biệt động sài gòn”, “Ván bài lật ngửa”. Má tôi ngó đám trẻ khét nắng ngậm ngùi.
Ti vi tháng Tư không cho trẻ con nhà nghèo hồi ấy nhiều lựa chọn, chỉ khác nhau ở chỗ nhiều hay ít, chứ kiểu nào cũng trầy xước.
Giờ tôi đã xem thêm nhiều bộ phim tài liệu nữa về sự kiện tháng Tư, với những cách kể khác, góc nhìn khác. Như thể tôi được ngắm bên phải bên trái bức tượng mà mười mấy năm trước khi còn là đứa trẻ chỉ được nhìn chính diện. Những thước phim của các hãng thông tấn nước ngoài sáng đẹp như mới quay hôm qua, như hôm qua chiến tranh hãy còn đang thở dốc trong cái nắng tháng Tư sôi sùng sục. Ngó vào màn ảnh trong veo nhưng cái cảm giác xây xước vẫn chưa bao giờ tan mất. Cảm giác ai đó và cái gì đó lại bị tháng Tư cào rách, không phải trên mặt, mà sâu ở lòng.
Tôi nhớ người hàng xóm bỗng rời rã vật vờ không bởi vì cái nắng tháng Tư ngun ngút. Nhớ những cái phim trầy trụa được đem ra chiếu đi chiếu lại hồi xưa, nhớ giọng người đọc lời bình, trời ơi, chưa bao giờ chùng xuống.
Giữa nắng và nắng và nắng gắt gỏng như nhau, người ta hầu như không được chọn lựa. Cứ chịu trận và chờ đợi thứ gì đó chậm châm trôi qua. Trên đỉnh mùa khô, trời đất đứng trân trân, không khí phập phồng rịn mồ hôi. Cây cỏ lả đi. Mùa rừng cháy. Mùa giáp hạt. Mùa bới khoai. Trẻ con chân trần đi mượn gạo nhà hàng xóm ngang qua những đám sậy cháy xém, tưởng như da thịt cũng bốc hơi. Người lớn khum khum tay cho đỡ chói ngó về phía chân trời, nơi những núi mây xám một hôm nào đó sẽ đùn lên mang mùa màng tới.
Đặc sản của tháng Tư ngoài nắng còn có... phim tài liệu, cũng hôi hổi, ngun ngút những đạn bom, những vùng trời bùng lên cháy loạn. Hồi nhỏ, không hiểu sao tôi mê loại phim này, trong khi đám con nít cùng xóm hoặc thắc thỏm ngáp vắn dài chờ tới giờ chiếu phim truyện, hoặc ra sân chạy chơi. Thành ra buổi đó chỉ có tôi lọt thỏm cùng người lớn, chẳng hiểu mấy, thấy đánh nhau là khoái, cứ níu tay ba hỏi bữa nay bên mình đánh bên nó tới chỗ nào rồi. Màn ảnh vô tuyến rùng rùng những người những xe, những mũi tên màu đỏ chạy về một nơi nào trên nước Việt gầy gò này mà tôi không hình dung nổi.
Những ngày đó thì chú Năm Thái không thấy qua coi ké ti vi. Cái góc bộ ván ngựa nhà tôi bỗng dưng trống trải, vắng thím Năm hay ngồi ngủ gà gật bên cạnh chồng. Hết tháng Tư, họ mới quay lại, thất thần và nặng trĩu như đã đi đâu xa lắm, mới về.
Những thước phim năm qua năm càng thêm lem nhem. Nhì nhằng như có mưa. Xước như gai táo cào trên da thịt. Tôi gần như thuộc lòng những hình ảnh trên đó, dần dần rút ra kết luận trong mấy cái phim tài liệu tháng tư những người cầm cờ hoa chân thường phải giẫm lên áo xống giày dép nón cối nằm lủ khủ dưới đường… Phát hiện ra phim nào thì cũng hùng hồn hối hả từ giọng người đọc lời bình đến nhạc phim đến nhịp điệu phim… Phát hiện ra chú Năm không qua coi truyền hình vì hồi trước chú theo bên nó, mà trên phim người ta gọi bằng giọng rắn đanh là “địch”, “quân bán nước”, “lũ tay sai”... Chỉ trẻ con nhà chú là nhởn nhơ vô tình, lâu lâu lại ngán ngẩm rên lên, “sao bên nó không chịu thua sớm sớm để hết phim cho rồi, để tụi mình được coi “Biệt động sài gòn”, “Ván bài lật ngửa”. Má tôi ngó đám trẻ khét nắng ngậm ngùi.
Ti vi tháng Tư không cho trẻ con nhà nghèo hồi ấy nhiều lựa chọn, chỉ khác nhau ở chỗ nhiều hay ít, chứ kiểu nào cũng trầy xước.
Giờ tôi đã xem thêm nhiều bộ phim tài liệu nữa về sự kiện tháng Tư, với những cách kể khác, góc nhìn khác. Như thể tôi được ngắm bên phải bên trái bức tượng mà mười mấy năm trước khi còn là đứa trẻ chỉ được nhìn chính diện. Những thước phim của các hãng thông tấn nước ngoài sáng đẹp như mới quay hôm qua, như hôm qua chiến tranh hãy còn đang thở dốc trong cái nắng tháng Tư sôi sùng sục. Ngó vào màn ảnh trong veo nhưng cái cảm giác xây xước vẫn chưa bao giờ tan mất. Cảm giác ai đó và cái gì đó lại bị tháng Tư cào rách, không phải trên mặt, mà sâu ở lòng.
Tôi nhớ người hàng xóm bỗng rời rã vật vờ không bởi vì cái nắng tháng Tư ngun ngút. Nhớ những cái phim trầy trụa được đem ra chiếu đi chiếu lại hồi xưa, nhớ giọng người đọc lời bình, trời ơi, chưa bao giờ chùng xuống.